Doanh nghiệp ngành gỗ: Muốn phát triển, phải hợp tác

MAI PHƯƠNG| 26/01/2016 00:55

Thị trường và nguồn nhân lực đang là hai yếu tố mà các doanh nghiệp chế biến gỗ không thể không lo lắng không chỉ cạnh tranh trên thị trường nước ngoài mà ngay cả thị trường trong nước...

Doanh nghiệp ngành gỗ: Muốn phát triển, phải hợp tác

Doanh nghiệp ngành chế biến gỗ phải chủ động hợp tác, liên kết để tìm hướng đi mới trong giai đoạn thị trường đang hội nhập sâu trên "sân chơi" quốc tế. Đó là những chia sẻ tại Tọa đàm "Chiến lược phát triển trong thời kỳ mới" do Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM (HAWA) vừa tổ chức. 

Theo thống kê của HAWA, doanh số thị trường nội địa ngành gỗ năm 2015 đạt hơn 2 tỷ USD và xuất khẩu là 6,9 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với kết quả này, nhiều doanh nghiệp trong ngành gỗ khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn liên quan đến nội lực, chính sách, nhưng ngành gỗ Việt Nam vẫn "sống được".

Nhưng để "sống được" và phát triển, tìm được chỗ đứng vững chắc ở "sân chơi" nội địa lẫn thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp gỗ phải biết liên kết, không chỉ trong hợp tác kinh doanh mà còn phải chia sẻ thông tin nội bộ ngành.

Theo phân tích của ông Tạ Trân Quang - Phó giám đốc Công ty Gỗ Tân Thành - doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu cho các công trình - hiện nay, doanh nghiệp ngành gỗ đang đối mặt với hai đối thủ lớn. Một là chính bản thân họ, nên muốn phát triển, phải luôn thay đổi, học hỏi, cập nhật công nghệ mới.

Hai là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì đó là một nguyên nhân quan trọng khiến việc sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gỗ nội địa bị thu hẹp trong thời gian qua.

Link bài viết

Còn ông Vũ Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Goodland, cho rằng, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu gỗ dăm, nhưng thực tế việc xuất khẩu này hoàn toàn không mang lại lợi ích cho ngành.

Một vấn đề nữa đang được các doanh nghiệp cho là sẽ ảnh hưởng mạnh đến "sức khỏe" của doanh nghiệp chính là việc thiếu hệ thống đào tạo nguồn lao động. Theo đó, để giải quyết khó khăn, một số doanh nghiệp đã tự đào tạo nhân lực, nhưng cách làm này chỉ là tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song gần chục năm qua, ngành chế biến gỗ của Việt Nam được ghi nhận là có sự tăng trưởng mạnh và ổn định.

Nhưng đứng trước cơ hội hội nhập sâu rộng vào không gian kinh tế khu vực chung AEC, rồi một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với EU, Nga, Hàn Quốc được ký kết, và chuẩn bị đón Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành chế biến gỗ không tránh được những tác động, nên nếu không chủ động hợp tác, đổi mới công nghệ thì rất có thể bị tụt hậu.

Theo đó, dù đã có nhiều kinh nghiệm xuất khẩu đồ gỗ nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy bất an trước nhiều thay đổi của thị trường.

Theo ý kiến của ông Vương Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Dương, sự phát triển của ngành chế biến gỗ không thể thoát khỏi nền kinh tế nước nhà, trong khi đó nền kinh tế chưa có cơ sở để tin tưởng là phát triển vững chắc.

Ở góc nhìn khác, ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Trường Thành, cho rằng, với nhiều hiệp định thương mại mới mở ra, thuế xuất khẩu vào các thị trường sẽ được ưu đãi.

Đơn cử như giảm từ 3 - 7% thuế khi xuất khẩu vào Mỹ (với TPP), nhưng doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức. Bởi lẽ, các doanh nghiệp từ Trung Quốc, Thái Lan... sẽ sang Việt Nam đầu tư để tận dụng cơ hội từ TPP.

Khi ấy, áp lực cạnh tranh càng gay gắt và làm cho lợi thế lớn của ngành là công nhân giá rẻ sẽ mất đi nhanh chóng.

Đồng quan điểm này, ông Vũ Hải Bằng - Chủ tịch HĐQT Công ty Goodland nhấn mạnh, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động nhiều hơn nữa khi nhiều ngành nghề thu hút đầu tư FDI và nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất.

Vì vậy, có thể thấy thị trường và nguồn nhân lực đang là hai yếu tố mà các doanh nghiệp chế biến gỗ không thể không lo lắng. Không chỉ cạnh tranh trên thị trường nước ngoài mà ngay cả thị trường trong nước, áp lực cạnh tranh cũng tăng thêm, như với AEC, doanh nghiệp phân phối trong khu vực rục rịch tiến vào thị trường Việt Nam.

Yếu tố về kỹ năng thiết kế cũng được xem là một trở lực trong việc cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam, bởi thực tế, thời gian qua, số đông doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa khai thác được yếu tố thiết kế, do vậy tình trạng gia công của ngành gỗ hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Bên cạnh đó, hiện nay đồ gỗ mà các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho các công trình trong nước nếu không đa dạng được mẫu mã để cạnh tranh thì sẽ "thua" đồ gỗ các nước.

Trước những khó khăn vừa nêu, đại diện Gỗ Trường Thành cho rằng, các doanh nghiệp phải có hướng đi riêng. Tùy vào điều kiện, sẽ có doanh nghiệp chọn thị trường ngách, có doanh nghiệp sẽ tạo sự khác biệt cho sản phẩm để cạnh tranh.

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Điều hành Công ty Đồ gỗ Scansia Pacific, lại cho rằng, ai nắm được kênh phân phối thì sẽ được lợi. Hiện tượng những nhà phân phối Thái Lan đang đến Việt Nam thâu tóm các kênh phân phối lớn để thực hiện mục tiêu chiếm lĩnh thị trường là minh chứng cho điều ấy.

Trước những vướng mắc hiện tại, các doanh nghiệp cho rằng, HAWA cần đứng ra đảm trách vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp gỗ. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ chung tay đóng góp kinh phí nhằm có cơ hội học hỏi, hợp tác với nhau, góp phần giải quyết những vấn đề doanh nghiệp trong ngành đang thiếu và yếu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp ngành gỗ: Muốn phát triển, phải hợp tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO