Dư tiền nhưng không dễ cho vay

NGUYỄN HOÀNG MINH - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM| 21/11/2013 08:55

Khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng với lãi suất không quá 9%/năm dự kiến bơm ra cho doanh nghiệp (DN) chuẩn bị hàng Tết, nhưng không dễ.

Dư tiền nhưng không dễ cho vay

Khoảng 40.000 - 45.000 tỷ đồng với lãi suất không quá 9%/năm dự kiến bơm ra cho doanh nghiệp (DN) chuẩn bị hàng Tết, nhưng không dễ.

Đọc E-paper

Có thể nói, nguồn vốn các ngân hàng (NH) đưa ra thị trường phục vụ DN hiện nay không thiếu, thậm chí còn đang thừa. Các NH trên địa bàn TP.HCM dự kiến đưa ra 40.000 - 45.000 tỷ đồng phục vụ DN trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, với lãi suất tối đa 9%/năm.

Ngoài các lĩnh vực ưu tiên sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, các NH còn đẩy mạnh cho vay thể nhân, trong đó tập trung nhiều vào cho vay mua nhà.

Ngoài ra, để có thể hỗ trợ kịp thời vốn cho các DN trên địa bàn thành phố phục vụ sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết năm nay, các NH đã đưa ra nhiều gói vốn lãi suất ưu đãi, chỉ 6 - 7%/năm.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là hiện yếu tố lãi suất, quan hệ tín dụng không còn là nguyên nhân ảnh hưởng đến DN như các năm trước đây. Chính những khó khăn về thị trường và hàng tồn kho là khó khăn lớn tác động đến DN.

Bởi lẽ, lãi suất cho vay hiện nay đã giảm về mặt bằng của trước năm xảy ra suy thoái kinh tế thì không lẽ gì các DN không tiếp cận được vốn. Bản thân NH cũng đang than vãn về lượng vốn dư thừa mình đang có. Vì vậy, vấn đề của thị trường hiện nay nằm ở nhu cầu vốn của DN không cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Ngoài các giải pháp đồng bộ khác có liên quan về thị trường, về giải quyết hàng tồn kho, thuế..., các ngân hàng thương mại tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, xử lý nợ xấu; cơ cấu nợ cho DN...

Những hoạt động này nhằm tạo điều kiện khơi thông hơn nữa dòng vốn, tạo sự luân chuyển vốn trong nền kinh tế để thúc đẩy mở rộng và tăng trưởng tín dụng trong điều kiện kinh tế, tín dụng phục hồi còn yếu.

Là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM thừa nhận rằng không phải DN nào cũng tiếp cận được vốn bởi chính NH luôn cảnh giác với rủi ro nợ xấu, nhất là khi diễn biến nợ xấu chưa hết phức tạp.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho DN, NHNN đã có Công văn 7558 ban hành ngày 14/10, chỉ đạo các NH đẩy mạnh cơ cấu nợ, giãn nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và cho vay mới với cả DN đang có nợ xấu nhưng có dự án kinh doanh khả thi.

50% doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tiếp cận vốn vay
Thông tin này là kết quả của cuộc khảo sát 100 DN về mối quan hệ giữa DN và ngân hàng thương mại do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tiến hành từ cuối tháng 8/2013 và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12. Tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với kết quả khảo sát năm 2012 là 63,5%. Trong đó, có tới 40% DN vướng mắc về nợ xấu tại các tổ chức tín dụng và đây cũng là rào cản lớn đối với DN trong việc tìm kiếm nguồn vốn khôi phục sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời, với những DN đã cạn tài sản thế chấp, vì vướng nợ xấu, NH cũng sẽ xem xét cho vay dưới dạng tín chấp bằng dòng tiền bán hàng của DN, nếu xét thấy dự án kinh doanh, sản xuất mới khả thi. Các NH cũng có thể cho DN gia hạn các khoản nợ đến hạn, giảm lãi tiền vay hoặc chưa thu phần lãi quá hạn và ưu tiên chỉ thu nợ gốc...

Đến cuối tháng 10/2013, các NH trên địa bàn TP.HCM đã giãn nợ cho 341.434 khách hàng, với 122.672 tỷ đồng; giảm lãi suất khoản vay cũ xuống dưới 13%/năm cho 60.800 khách hàng, với 175.474 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, sẽ giúp các DN tiếp tục sản xuất, kinh doanh và NH có thể thu được nợ cũ, giảm được tỷ lệ nợ khó đòi.

Rõ ràng, ngành NH đang tập trung các giải pháp để mở rộng và tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, từng bước củng cố quan hệ tín dụng và xử lý nợ xấu hiệu quả. Với những giải pháp đó, NH sẽ đồng hành cùng DN vượt qua được khó khăn để phát triển.

Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% cho năm nay cũng có những khó khăn nhất định và không dễ đạt được. Vì từ nay đến cuối năm, nếu hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng tín dụng thì bình quân mỗi tháng dư nợ phải đạt 1,2-1,5%, trong khi nhu cầu vốn của DN không cao.

Từ đây, để giải quyết mấu chốt từng vấn đề, ngoài nỗ lực của NH, bản thân các DN cũng phải cần có những nỗ lực vượt bậc để thay đổi, cải thiện năng lực tài chính và kinh doanh, thể hiện được khả năng sử dụng vốn tín dụng một cách an toàn, hiệu quả.

Một số vấn đề có thể cần quan tâm đặc biệt là: xử lý các khoản nợ đọng và lượng hàng tồn kho; nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường; điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp với vốn; nâng cao năng lực quản trị, quản lý hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí vốn...

Nếu không nỗ lực, việc đẩy vốn ra thị trường sẽ còn tiếp tục khó khăn. Bởi tính đến nay, riêng trên địa bàn TP.HCM, tín dụng mới tăng 5,5% so với đầu năm 2012. Vì thế, để thực hiện được phân nửa mục tiêu còn lại chỉ 2 tháng cuối năm là không dễ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dư tiền nhưng không dễ cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO