TPP và nguy cơ "thua trên sân nhà"

PHẠM SÔNG THU| 02/11/2015 00:26

Nhìn nhận lại một cách khách quan về nền kinh tế Việt Nam, với nội lực còn quá yếu, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng để bước vào sân chơi TPP.

TPP và nguy cơ

Sau khi Bộ trưởng của 12 nước gồm Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), dư luận trong nước rất hân hoan khi chặng đường hội nhập của Việt Nam đã được rút ngắn một khoảng dài.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không nên quá vội vui mừng, bởi nhìn nhận lại một cách khách quan về nền kinh tế Việt Nam, với nội lực còn quá yếu, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng để bước vào sân chơi này và khả năng thua ngay trên sân nhà là rất lớn.

TPP là sân chơi lớn, có những tiêu chuẩn cao, tham vọng toàn diện và cân bằng với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; tăng cường đổi mới, năng suất, và sức cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm đói nghèo ở các nước ký kết; đồng thời thúc đẩy quản lý hiệu quả, minh bạch, bảo vệ người lao động, và bảo vệ môi trường…

>>TPP là gì, tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam

Các chuyên gia kinh tế đã tốn không ít giấy mực phân tích cái lợi, cái hại của Việt Nam khi bước vào sân chơi này. Mở rộng thị trường xuất khẩu qua nhiều quốc gia thành viên, tạo hiệu ứng tăng trưởng mạnh mẽ cho GDP và thu nhập cá nhân; đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài sẽ gia tăng theo TPP, hàng rào thuế quan, bản quyền trí tuệ và thao túng tỷ giá… sẽ giảm tối đa là những lợi ích to lớn khi Việt Nam tham gia TPP. Cùng với chuẩn mực mới về cạnh tranh quốc tế, có thể sản phẩm và dịch vụ của các doanh nghiệp Việt sẽ được cải thiện về chất lượng, công nghệ và thương hiệu…

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, sân chơi TPP cũng đi kèm những thách thức không hề nhỏ cho kinh tế Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp nói riêng, khi mà sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa rất yếu, nội lực của phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đang có một cách biệt quá lớn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực tế cho thấy, bước vào sân chơi TPP, cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước lớn hơn nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa để chào đón các doanh nghiệp của các nước thành viên. Chính vì vậy, đối tượng dễ bị tổn thương nhất là nông dân sẽ phải đối mặt với sản phẩm giá rẻ và chất lượng từ các nước thành viên TPP. Nền nông nghiệp của Việt Nam khó có khả năng cạnh tranh, bởi với quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, không đồng đều, số lượng doanh nghiệp lớn ít, các sản phẩm có chất lượng kém và chưa xuất khẩu được vào các thị trường lớn do “vướng” về quy mô và các rào cản kỹ thuật.

Đối với lĩnh vực dệt may, TPP với quy định từ sợi trở lên phải có hàm lượng TPP 70% sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam vô cùng khó khăn khi phải phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ như nhuộm, chỉ may, cúc áo, chất độn đủ hàm lượng trên. Nếu bắt đầu từ bây giờ thì khoảng trống về nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ cũng còn quá lớn, vì chưa thể đáp ứng trong một sớm một chiều. Con số 60-70% nguyên liệu nhập từ Trung Quốc mà các doanh nghiệp ngành dệt may hiện nay đang sử dụng cho thấy một thách thức vô cùng lớn đặt ra cho ngành này khi sân chơi TPP bắt đầu mở cửa.

>>6 nhóm giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Sản phẩm made in Vietnam không dễ chiếm được thị phần ở các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ hay Nhật, trong khi thị trường nội địa phải được rộng mở để hàng ngoại tự do xâm nhập, các doanh nghiệp Việt sẽ vừa phải chịu sức ép cạnh tranh khủng khiếp về giá với hàng nhập khẩu đến từ Thái Lan, Trung Quốc; đồng thời cạnh tranh về chất lượng bởi hàng hóa đến từ Châu Âu, Mỹ, Nhật… Một thách thức kép đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi bước vào sân chơi này.

Tóm lại, nếu không bắt tay ngay vào việc đầu tư, liên kết nhằm nâng cao nội lực để sẵn sàng cạnh tranh thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm đối mặt với tình trạng thua ngay trên sân nhà, khi không những không tận dụng và phát huy được các lợi thế sân nhà mà còn mất cả thị phần đang có cho các doanh nghiệp ngoại.

>>Đổi mới công nghệ mới mong hưởng lợi từ TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP và nguy cơ "thua trên sân nhà"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO