Chuyên đề

Tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Hồng Nga 26/08/2023 14:00

Xác định công nghiệp hỗ trợ là ngành kinh tế mũi nhọn, TP.HCM đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, kết nối, tìm đầu ra cho doanh nghiệp. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ…

Kết nối, tìm đầu ra cho doanh nghiệp

Hơn 20 doanh nghiệp FDI và nhà sản xuất công nghiệp như Samsung Electronics Việt Nam, Techtronic Industries Việt Nam (TTI), Nidec Powertrain System Việt Nam, Mabuchi Motor Việt Nam… ngày 25/8/2023 đã tham gia hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2023 - Sourcing Fair Supporting Industries 2023 (SFS 2023) do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức để tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa.

cnht2.jpg
Hỗ trợ, kết nối để giúp tìm đầu ra cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là hoạt động thường niên tại TP.HCM

Các đơn vị này đưa ra danh mục hơn 350 chi tiết linh kiện có nhu cầu tìm nhà cung cấp trong nước thuộc các lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác...

Ngoài các lĩnh vực nói trên, các doanh nghiệp FDI và sản xuất công nghiệp đầu cuối còn tìm kiếm các linh kiện thuộc lĩnh vực 3D trên chất liệu carbon, robot và tự động hóa nhà máy, thiết bị truyền tự động, tự động hóa công nghiệp. Tất cả là các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.

Bà Sabrina Anh Tran - Giám đốc Mua hàng tại Techtronic Industries Việt Nam (TTI) cho biết, nhiều năm qua, công ty đã hợp tác với Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP.HCM (CSID) để tìm kiếm và xây dựng danh sách nhà cung cấp đạt chuẩn tại Việt Nam và đã thành công trong việc tìm ra nhiều nhà cung ứng nội địa đạt tiêu chuẩn. Hiện tại, công ty đang tìm kiếm các nhà cung cấp cho các thành phần kim loại, gia công tiện và phay, dập kim loại, đúc khuôn, các bộ phần của động cơ… để chuẩn bị cho việc mở rộng sản xuất.

“Công ty đang tìm kiếm các nhà cung cấp có khả năng tích hợp các quy trình công nghiệp theo chiều dọc để có thể hỗ trợ nhiều công đoạn và quy trình sản xuất lắp ráp. Điều này sẽ giúp các nhà cung cấp có thể kiểm soát chất lượng của tất cả quy trình cũng như đảm bảo chi phí cạnh tranh”, bà Sabrina Anh Tran cho biết.

Tương tự, Công ty Điện tử Sharp Việt Nam tìm kiếm các nhà cung cấp vừa làm máy ép nhựa vừa có thể làm khuôn cho ngành đồ điện gia dụng. Đại diện Sharp Việt Nam cho biết, công ty muốn tìm các nhà cung cấp trong nước để có thể mở rộng trên thị trường quốc tế vào thời gian tới.

Trong hội nghị này, công ty làm việc với 20 nhà cung cấp nội địa để tìm được đối tác đáp ứng được tiêu chí: chất lượng tốt, giá cả cạnh và thời hạn giao hàng nhanh.

cnht.jpg
Các doanh nghiệp FDI đang tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa chất lượng

“Chúng tôi muốn tìm các đối tác trong nước để giải quyết khâu giao hàng nhanh, nhằm giảm tải cho kho hàng tại nhà máy của công ty. Nếu có được các nhà cung cấp nội địa phù hợp, công ty sẽ giảm được chi phí nhập khẩu từ 3-6% và giảm rủi ro về nguyên liệu sản xuất do thời tiết”, vị đại diện Sharp Việt Nam cho biết.

Tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu trong một chương trình do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hồi tháng 3 năm nay cho biết, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực mà TP.HCM ưu tiên tập trung phát triển.

Ông Ngô Minh Châu cho rằng, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng để cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình, giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, TP.HCM sẽ xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù giúp doanh nghiệp có đà phát triển, mở rộng hoạt động và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp FDI.

Trong giai đoạn 2023-2025, TP.HCM sẽ tập trung các giải pháp then chốt, mang tính đột phá nhằm đạt được mục tiêu cụ thể đã đề ra... Đồng thời, nghiên cứu cơ chế chính sách của địa phương có thể hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, thành phố cũng tạo kết nối cung cầu, mở rộng thị trường, hỗ trợ kinh phí (quỹ phát triển) cho doanh nghiệp tiềm năng, có đổi mới sáng tạo…

Và chương trình kết nối, tìm kiếm nhà cung cấp cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực hiện liên tục 5 năm qua là một cách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nhà mua hàng thế giới, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, qua các lần tổ chức, hội nghị đã cập nhật nhu cầu thị trường, công nghệ sản xuất mới, các tiêu chuẩn mới từ các nhà mua hàng là các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối… có nhu cầu nội địa hóa, mở rộng chuỗi cung ứng, phát triển các chuỗi sản xuất giá trị toàn cầu.

Sau 5 năm tổ chức, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ đã thu hút 96 doanh nghiệp FDI và nhà sản xuất sản phẩm công nghiệp đầu cuối, kết nối với 370 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố và các tỉnh có sản phẩm cung ứng phù hợp. Cũng đã có 1.320 cuộc tiếp xúc trực tiếp tại các hội nghị.

cnht3.jpg
Các doanh nghiệp trong nước phải đầu tư vào đổi mới sáng tạo để cải thiện chất lượng sản phẩm

Trong vai trò của đơn vị tổ chức kết nối trực tiếp, bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó giám đốc CSID cho rằng, các hoạt động kết nối giữa nhà cung cấp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài mang lại hiệu quả rất tích cực. Việc phát triển mạng lưới doanh nghiệp trong nước có thể gắn kết tốt với các nhà đầu tư đã tạo ra giá trị đầu tư tại Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài khi sang Việt Nam có chuỗi các nhà cung cấp như vậy sẽ đầu tư bền vững và kéo theo các nhà đầu tư khác vào Việt Nam.

Và cải thiện nhiều hơn nữa

Thực tế những năm gần đây, số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phần nào đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và tại TP.HCM vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như sản phẩm phần lớn còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm… Tình trạng nhập siêu nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng vẫn còn rất lớn, tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành công nghiệp còn thấp…

Theo bà Sabrina Anh Tran, thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nằm ở mặt chi phí, chất lượng, dịch vụ và giao tiếp. Trong đó, chi phí phải ở mức cạnh tranh nhất.

“Điểm mạnh nhất của các nhà cung cấp Việt Nam ở chỗ họ là những chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất của mình. Tuy nhiên, để nâng tầm và thu hút khách nhiều khách hàng hơn nữa, doanh nghiệp cần tập trung cho đổi mới sáng tạo và đầu tư vào đội ngũ nghiên cứu phát triển”, bà Sabrina Anh Tran chia sẻ.

Cùng nhận định này, đại diện Sharp Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang cải thiện rất nhiều về quy trình đóng gói, vận chuyển. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp trong nước phải khắc phục là làm thế nào giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Hiện nay, nhiều nhà cung cấp trong nước vẫn đang phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất và như vậy, rất khó để có được giá cả cạnh tranh.

“Hiện tại, 50% linh kiện sản xuất như mô tơ, mạch, dây điện… của công ty phải nhập khẩu từ Thái Lan và Trung Quốc. Chúng tôi muốn tìm nhà cung cấp nội địa để có thể cạnh tranh về giá và giảm thiểu rủi ro khi nhập linh kiện sản xuất từ nước ngoài. Mục tiêu là đến cuối năm 2024, công ty sẽ tăng tỷ lệ nội địa lên 50%”, đại diện của Sharp Việt Nam cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO