Ông Tô Ngọc Phương - Giám đốc Công ty CP HANPO VINA |
* Từ thực tiễn hoạt động, ông nhìn nhận thế nào về năng lực phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay?
- Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay có quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu là quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, công nghệ sản xuất chưa theo kịp yêu cầu của khách hàng, kinh nghiệm thị trường và khả năng đáp ứng sản phẩm cho các ngành công nghiệp liên quan còn nhiều hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có đơn hàng nhưng sản phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn khách hàng yêu cầu, nên đã bị mất cơ hội vào tay các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thậm chí, một số đơn hàng, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không sản xuất được, khách hàng phải chuyển sang Trung Quốc, Thái Lan. Đó là điều rất đáng tiếc cho các doanh nghiệp, cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
* Doanh nghiệp của ông cũng như doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác cần có định hướng thế nào để cải thiện năng lực hoạt động?
- Phải liên tục cải tiến, đầu tư nâng cao năng lực và công nghệ, tối ưu hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm cạnh tranh được cả về giá, chất lượng cũng như thời gian giao hàng với các đối thủ trong cùng lĩnh vực ở cả trong và ngoài nước. Làm được như vậy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mới nâng tầm phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
* Theo ông cần có chính sách gì thúc đẩy doanh nghiệp và ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển tốt hơn?
- Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ nói chung phát triển. Chẳng hạn, Công ty HANPO VINA là một đơn vị đã được chọn tham gia hai chương trình do Bộ Công Thương, Tập đoàn Samsung và tỉnh Bắc Ninh phối hợp triển khai, đó là chương trình "Cải tiến và nâng cao năng lực hoạt động sản xuất năm 2021", chương trình "Nhà máy thông minh năm 2022". Qua đó, doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo, tư vấn... có thêm những điều kiện để nâng cao năng lực sản xuất, kết nối khách hàng, tham gia các chuỗi cung ứng. Nhưng nhìn chung, các chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển cũng như hỗ trợ doanh nghiệp còn chưa thực sự đủ mạnh.
Tuy nhiên, muốn được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng những điều kiện nhất định, chẳng hạn phải có phương án kinh doanh hiệu quả, có triển vọng phát triển...
Để có một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, theo tôi cần xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách phát triển trong lĩnh vực này của Đảng, Nhà nước, trong đó có ưu đãi về thuế một cách hấp dẫn, tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi... để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất. Mặt khác, nên có quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển trong 5 năm đầu tiên thành lập. Đồng thời, vinh danh doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển tốt để ghi nhận sự đóng góp của họ, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nền công nghiệp quốc gia.
* Cảm ơn ông!