2 nút thắt khi doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số

HẢI VÂN thực hiện| 09/03/2017 06:29

Tiếp cận nền kinh tế số, khó nhất của doanh nghiệp Việt Nam là nhân lực và hạ tầng.

2 nút thắt khi doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số

TS. Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét: "Tiếp cận nền kinh tế số, khó nhất của doanh nghiệp Việt Nam là nhân lực và hạ tầng...". 

Đọc E-paper

* Nền kinh tế sáng tạo và công nghệ số phù hợp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, chính sách của nước ta về 2 lĩnh vực này dường như không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ?

- Chính sách đi sau là đương nhiên bởi vì công nghệ phát triển rất nhanh, đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà còn của nhiều nước khác.

Việc quản lý, thu thuế những mô hình kinh doanh rất mới như Uber, Grab hay đặt phòng qua mạng Agoda, Booking, hoặc mô hình chia sẻ chỗ ở Airbnb gần đây được các cơ quan liên quan bàn thảo nhiều nhưng chưa có giải pháp quản lý cụ thể.

Quan trọng hơn là làm sao để có được những chính sách phù hợp, thúc đẩy các ý tưởng kinh doanh mới.

* Chính sách đi sau tốc độ phát triển công nghệ, theo ông sẽ gây những khó khăn nào cho doanh nghiệp khi tiếp cận kinh tế số?

- Với biến chuyển nhanh của nền kinh tế số, thách thức của doanh nghiệp Việt Nam là mức độ nhận biết về lợi thế của lĩnh vực này. Tuy nhiên, khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt Nam là nhân lực và hạ tầng.

Nhân lực ở đây là chất lượng con người. Nhân lực công nghệ thông tin hiện nay, dù chất lượng nói chung được đánh giá tốt nhưng chất lượng nhân lực về công nghệ số còn khá khiêm tốn so với Singapoere, Philippines, Thái Lan.

Về hạ tầng, nước ta gặp 2 vấn đề:

Một là hạ tầng về internet, dù chất lượng tăng nhanh nhưng vẫn còn khoảng cách so với các nước trong khu vực.

Hai là hạ tầng pháp lý. Hiện nay, có sự dè dặt và lo ngại từ phía cơ quan quản lý nhà nước nên đã đưa ra những quy định chưa thực sự thuận lợi. Cụ thể, Điều 292 của Bộ Luật Hình sự 2015 nếu được thi hành sẽ là một cản trở cho sự phát triển kinh tế số, kinh doanh trên nền tảng internet.

* Như ông nói, chính sách đang là một trong những cản trở doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận và phát triển trong nền kinh tế số, nhưng cụ thể là gì?

- Chính sách cho nền kinh tế số, theo tôi có mấy điểm.

Một, tư duy là kiểm soát rất chặt nhưng thực tế lại không kiểm soát được các doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, nếu kiểm soát game online chặt chẽ quá mức, rõ ràng chỉ tác động đến doanh nghiệp trẻ trong nước - những doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm, chứ không thể tác động được các công ty nước ngoài. Như vậy, việc kiểm soát chặt ấy đã vô tình làm giảm thị phần của doanh nghiệp trong nước và chuyển sang doanh nghiệp nước ngoài. Quản lý quá chặt cũng khiến người trẻ chuyển sang chơi game nước ngoài.

Tôi nghĩ rằng chỉ với chính sách thực sự thúc đẩy công nghệ số, doanh nghiệp trẻ mới có thể cạnh tranh và phát triển được. Vấn đề của các nhà hoạch định chính sách là phải tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Một vấn đề nữa, chính sách phải an toàn. Điều 292 Bộ Luật Hình sự năm 2015 đặt ra vấn đề sẽ xử lý hình sự kinh doanh trên nền tảng internet nếu không đăng ký. Nhưng ranh giới kinh doanh trên internet rất mong manh, thường chỉ là một ý tưởng cá nhân, người ta không có nhiều thời gian đi đăng ký, làm nhiều thủ tục, trong khi ý tưởng đó có thể "chết" ngay hôm sau.

Tính thử sai, tính mới trong kinh doanh trên internet rất phong phú, do đó việc áp đặt hình sự đối với cách kinh doanh này phải rất thận trọng, chính sách phải tạo cho người kinh doanh sự an toàn và thúc đẩy khả năng sáng tạo.

* Nước ta cần sớm có chính sách mang tính thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận và phát triển nền kinh tế số. Ông nói gì về điều này?

- Chắc chắn không phải cách tiếp cận quản đến đâu thì mở ra đến đấy. Cũng cần rút kinh nghiệm về một thông tư quy định mua bán hàng hóa qua internet ở Việt Nam phải có "hiện diện pháp nhân", có nghĩa là phải mở văn phòng hoặc phải đặt máy chủ ở Việt Nam. Cách tiếp cận như vậy là không phù hợp với xu thế hiện nay khi dữ liệu của doanh nghiệp được lưu trên điện toán đám mây, không phải ở máy chủ như trước đây.

Vấn đề là để có chính sách phù hợp thúc đẩy kinh tế số phát triển, các nhà làm chính sách cần tìm xem ở các nước phát triển có chính sách gì, thực hiện thế nào. Tôi cho rằng cách tiếp cận chính sách mới là phải thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và bảo đảm cạnh tranh công bằng, không phải quản cho thật chặt.

Với cách tiếp cận này, tôi tin các nhà hoạch định chính sách sẽ phải thay đổi tư duy để không còn ngáng đường doanh nghiệp.

* Cám ơn ông!

>Cơ hội kiếm tiền thụ động nhờ kinh tế số

>Khởi nghiệp với công nghệ số hóa dữ liệu y khoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
2 nút thắt khi doanh nghiệp tiếp cận kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO