Hơn 100.000 người Việt Nam xuất cảnh lao động mỗi năm

MH| 17/12/2022 08:26

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, 11 tháng đầu năm 2022, có 122.000 lao động đi làm việc nước ngoài. Mỗi năm có hơn 100.000 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài.

Hơn 100.000 người Việt Nam xuất cảnh lao động mỗi năm

Từ năm 2013-2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc tại hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trong hơn 30 nhóm ngành nghề. Trong hai năm 2020-2021, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tuyển và chờ xuất cảnh hơn 80.000 lao động. Trong đó, thị trường Nhật Bản khoảng 60.000 người, Đài Loan khoảng 13.000 người, Hàn Quốc khoảng 7.000 người và một số thị trường khác.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nhiều người lao động đã được tuyển chọn, đào tạo và làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài nhưng không xuất cảnh được. Điều này đã làm ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của bản thân và gia đình người lao động, nên đã có một bộ phận người lao động phải tìm kiếm việc làm khác để ổn định cuộc sống.

Từ năm 2015-2019, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài luôn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan mỗi năm. Con số này đã lên tới 152.000 người vào năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, con số này ghi nhận mức sụt giảm đáng kể. Số lao động trong nước đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt 78.000 vào năm 2020 và giảm tới mức 45.000 vào năm 2021.

Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp trong hơn hai năm qua, cùng với sự bùng phát của các biến chủng mới, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Do dịch bệnh, phần lớn các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động Việt Nam đều có chính sách ứng phó với đại dịch, nên đã hạn chế hoặc đóng cửa tiếp nhận lao động nước ngoài đến làm việc.

Đến nay, với việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 rộng rãi ở Việt Nam và các nước, chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã có sự thay đổi thích ứng để phục hồi phát triển kinh tế. Nhiều thị trường đã mở cửa trở lại tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Những khoản kinh phí phải đóng góp trước khi đi làm việc ở nước ngoài

Điều 21 Luật Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có quy định về các khoản tiền phí mà lao động phải đóng góp. Cụ thể, tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài. Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.

Trong trường hợp người lao động đã nộp tiền dịch vụ cho cả thời gian làm việc theo hợp đồng mà phải về nước trước thời hạn không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động phần tiền dịch vụ theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 21 cũng quy định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức trần tiền dịch vụ. Người lao động nộp tiền dịch vụ cho doanh nghiệp không quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp) theo hợp đồng cho một năm làm việc; riêng sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng cho một năm làm việc.

Doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động để thu tiền dịch vụ một lần trước khi người lao động xuất cảnh hoặc thu nhiều lần trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động tại Nhật Bản được quy định không thu đối với thực tập sinh kỹ năng 3 và lao động kỹ năng đặc định. Đối với lao động kỹ thuật cao, lao động xây dựng đóng tàu theo chế độ hoạt động đặc định thì thu 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.

Đối với Đài Loan (Trung Quốc), mức trần tiền dịch vụ đối với hợp đồng chăm sóc sức khỏe, hộ lý là 2 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng; đối với việc chăm sóc người già, trẻ em, nông nghiệp, thuyền viên tàu cá gần bờ là 1 tháng lương cơ bản/hợp đồng 36 tháng.

Lao động làm việc tại gia đình ở Malaysia và các nước khu vực Trung Đông cũng không phải đóng tiền dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hơn 100.000 người Việt Nam xuất cảnh lao động mỗi năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO