Theo nghiên cứu của Viện 5 Gyres (Mỹ) vừa công bố, vào năm 2019, có khoảng 171.000 tỷ hạt vi nhựa trôi nổi trong lòng đại dương. Nghiên cứu dự báo vào năm 2040, lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm trắng trên đại dương này có thể tăng gấp 2,6 lần nếu không áp dụng các chính sách toàn cầu có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm kiềm chế tình trạng này.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu ô nhiễm nhựa bề mặt từ 11.777 trạm giám sát trên đại dương ở 6 vùng biển lớn trong giai đoạn từ năm 1979-2019. Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy một xu hướng đáng báo động là hạt vi nhựa gia tăng theo cấp số nhân trong các đại dương trên toàn cầu kể từ những năm đầu của thiên niên kỷ này.
Thực tế này đòi hỏi một hiệp ước toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý để ngăn chặn vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa từ gốc rễ. Hạt vi nhựa đặc biệt gây nguy hiểm cho các đại dương, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước mà còn phá hủy nội tạng các động vật biển khi chúng vô tình nuốt phải. Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu này đã chỉ ra rằng tình trạng ô nhiễm nhựa trong các đại dương chưa được đánh giá đúng mức.
Nhà khoa học Paul Harvey - chuyên gia và nhà khoa học chuyên nghiên cứu về nhựa, Công ty tư vấn giải pháp khoa học môi trường (Úc) cho biết, nghiên cứu đã cung cấp những số liệu đáng kinh ngạc và ngoài sức tưởng tượng.
Tháng 11/2022, Liên Hiệp Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán tại Uruguay nhằm tìm phương án chung giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, với mục tiêu có thể cho ra đời một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.
Tổ chức hoạt động vì môi trường Greenpeace cho rằng, nếu không có một hiệp ước toàn cầu, hoạt động sản lượng nhựa sẽ không ngừng tăng, theo đó sản lượng có thể tăng gấp đôi trong vòng 10-15 năm tới, thậm chí tăng gấp 3 lần vào năm 2050.
Mới đây, ngày 5/3/2023, các nước thành viên Liên Hiệp Quốc cuối cùng cũng đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả - vốn được xem là "kho báu" quan trọng song dễ bị tổn thương, chiếm gần 50% bề mặt trái đất. Đây là kết quả được mong đợi từ lâu mà các tổ chức môi trường cho rằng có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như đảm bảo phát triển bền vững.
Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của hơn 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do Liên Hiệp Quốc chủ trì tại New York (Mỹ). Hiệp ước này được thông qua một ngày sau hạn chót dự kiến ban đầu.
Đây được xem là một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm bảo vệ 30% diện tích đất và biển của thế giới vào năm 2030, còn biết đến với tên gọi sáng kiến 30x30, được các nước thông qua tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học lần thứ 15 diễn ra tại Montreal, Canada, hồi tháng 12/2022.