Học nghề - con đường đổi đời của người dân nghèo trên địa bàn thành phố

KHỞI VŨ| 07/06/2018 01:07

Trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và để đáp ứng nhu cầu của xã hội, hệ thống đào tạo nghề ở Việt Nam nói chung và ở TP.HCM nói riêng, đang có nhiều đổi mới.

Học nghề - con đường đổi đời của người dân nghèo trên địa bàn thành phố

Người lao động tham gia tư vấn, tìm việc tại sàn giao dịch việc làm do LĐLĐ quận 12 phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP tổ chức. Ảnh: Mai Chi

Sáng 5/6/2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên đề bàn giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố. Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn TP.HCM là một trong những vấn đề rất được quan tâm.

Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề bàn giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, bà Triệu Lệ Khánh - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM - cho biết: “Hiện nay, tại thành phố vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động không có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, tay nghề để đáp ứng nhu cầu lao động. Những trường hợp này đại đa số đều còn trong tuổi lao động, thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy đã làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; làm nảy sinh các tệ nạn xã hội v.v. trên địa bàn thành phố". 

Do đó, bà Khánh nhận định: “Đào tạo nghề cho người dân nói chung và cho các đối tượng là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo nói riêng, được xem như giải pháp toàn diện gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ dân trí v.v. trên địa bàn thành phố trong thời gian tới”.

Nhiều mô hình, chương trình hiệu quả

Tại hội nghị, theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, do ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM - trình bày, vào năm 2016, theo chuẩn nghèo đa chiều, toàn thành phố có 67.090 hộ nghèo với 280.187 nhân khẩu và 48.154 hộ cận nghèo với 196.257 nhân khẩu. 

Trong đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về trình độ nghề là 53.196, chiếm 46,1% tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo. Còn số hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về việc làm là 11.616 hộ, chiếm tỷ lệ 10,08% tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Thông qua các giải pháp, chính sách tuyên truyền, tư vấn và đào tạo nghề, sau 2 năm thực hiện, số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm đáng kể. Cụ thể: "Đầu năm 2018, TP.HCM còn 21.863 hộ nghèo; 36.545 hộ cận nghèo. Trong đó, còn 20.708 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt trình độ nghề, chiếm 35,45% tổng hộ nghèo và cận nghèo; 1.214 hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về việc làm, chiếm 2.07% tổng hộ nghèo và cận nghèo”.

Được biết, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận, huyện đã phối hợp với các trường nghề, trung tâm giới thiệu việc làm để tư vấn, giới thiệu nhiều chương trình đào tạo nghề cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ buôn bán lấn chiếm lòng lề đường bị giải tỏa v.v.. Đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong đào tạo nghề như chương trình giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho người nghèo tại địa phương (Quận 7, 8, 9, quận Bình Thạnh); tổ chức dạy nghề và hỗ trợ máy may công nghiệp; thành lập câu lạc bộ may gia công; lớp học đan, móc len, gia công hàng handmade” (tại Quận 9, huyện Nhà Bè); phối hợp đào tạo nghề làm nhang và hỗ trợ máy ép nhang cho các hộ nghèo (quận Bình Tân) v.v..  

Link bài viết

Kết quả, sau hơn 2 năm, các trung tâm dạy nghề đã đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 39.427 người; đã tổ chức dạy nghề cho 6.529 người và giải quyết việc làm cho 24.710 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, có 67 trường hợp đi hợp tác lao động ở nước ngoài.

Còn tồn tại tâm lý “ăn xổi, ở thì”

Song song với kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn những hạn chế, trong đó có vấn đề liên quan đến nhận thức về việc học nghề. Nhiều người nghèo còn tâm lý “ăn xổi, ở thì” trong học nghề và tìm việc. Phần lớn ngại học nghề vì sợ mất thu nhập trong ngày, nên chỉ tìm kiếm những khóa học ngắn hạn để có việc làm nhanh. Do đó, dẫn đến việc trình độ tay nghề còn thấp và chưa đáp ứng được yêu cầu cao của người sử dụng lao động.

Ngoài ra, sau khi được hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp, phần lớn người lao động có tâm lý muốn làm việc trên địa bàn nơi cư trú, ngại đi làm xa ở các công ty, xí nghiệp và dễ chấp nhận làm việc không đúng với ngành được đào tạo để được "ở gần nhà". Vì vậy, việc làm của người lao động sau đào tạo không ổn định, gây ra tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” và còn làm ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo định hướng chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ. 

Điều này đã dẫn người nghèo đến vòng lẩn quẩn: Không tìm được việc làm ổn định (vì không có tay nghề), thu nhập vẫn bấp bênh và không thể thoát nghèo. Ông Nguyễn Văn Lâm cũng kể lại một sự việc do bản thân mình trải qua. Một quận tiến hành lấy danh sách được 36 thanh niên, trung niên trong diện nghèo, cận nghèo, chưa có việc làm ổn định và cần được học nghề lẫn giới thiệu việc làm. Thế nên, ông Lâm cùng một số cơ sở dạy nghề trực tiếp đến nơi, gửi thư mời từng người đến để hỏi nhu cầu học nghề, việc làm, trên tinh thần sẵn sàng để người dân đi học, đi làm ngay. Tuy nhiên, chỉ có... 3 người đến dự.

Từ đó, ông Lâm cũng đề nghị các cấp, ngành cần tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc học tập nâng cao trình độ tay nghề trong hộ nghèo, hộ cận nghèo và cộng đồng dân cư. Ngoài ra, cần tổ chức các hình thức học nghề phù hợp theo nhóm trình độ văn hóa, tình trạng lao động cụ thể.

Kết thúc hội nghị, bà Triệu Lê Khánh cũng đề nghị MTTQ các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức nghề nghiệp và hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo; khảo sát nhu cầu học nghề của các nhân khẩu hộ nghèo, hộ cần nghèo; vận động, tuyên truyền doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc nhận đào tạo trực tiếp người lao động; tiếp nhận nguồn lao động được đào tạo là thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo an tâm học nghề, góp phần nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học nghề - con đường đổi đời của người dân nghèo trên địa bàn thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO