Hàng thiết yếu cho người dân TP.HCM sẽ ra sao khi các chợ đầu mối đều ngưng hoạt động?

Phan Nhung| 07/07/2021 05:06

Cả 3 chợ đầu mối ở TP.HCM gồm Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức đều đã ngưng hoạt động nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc cung ứng hàng hóa cho người dân TP sẽ được thực hiện như thế nào?

Hàng thiết yếu cho người dân TP.HCM sẽ ra sao khi các chợ đầu mối đều ngưng hoạt động?

TP.HCM thiết lập vùng đệm nhận hàng

Ba chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức ngày thường cung ứng khoảng 70% tổng lượng hàng hóa cho người dân TP và các tỉnh lân cận, cung cấp thực phẩm các loại cho TP.HCM. Như vậy, việc cả 3 chợ đều đóng cửa gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trên địa bàn

img7431-1625579632041123310493-4765-9228

Chợ đầu mối cuối cùng - Thủ Đức đã ngưng hoạt động vào sáng nay. Ảnh: NLĐ

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, gây thiếu hụt nguồn hàng, biến động giá cả. TP sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, Q. Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.

Sở cũng dự kiến vận hành bản đồ cung cấp thông tin những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… an toàn tại từng quận, huyện, xã, phường để người dân đi chợ, mua sắm nhu yếu phẩm.

Thực phẩm từ các tỉnh về TP.HCM sẽ được điều phối thẳng đến các điểm bán lẻ

Tạm dừng tập kết trực tiếp tại chợ đầu mối, Sở Công Thương TP.HCM khuyến khích các thương nhân tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến người mua tại điểm bán. Trước đây, các chợ đầu mối là nơi nhận hàng, sau đó phân phối về các chợ nhỏ lẻ. Trong lúc dịch phức tạp, cách thức này được khuyến khích để không đứt gãy nguồn cung.

tp-hcm-nhieu-giai-phap-dam-141-3144-3509

Hàng hóa từ các tỉnh sẽ được tới thẳng điểm bán lẻ thay vì tập kết qua chợ đầu mối như trước đây. Ảnh: PN

Song song với đó, các thương nhân cũng được khuyến khích chủ động trao đổi, thống nhất hình thức vận chuyển, phương thức điều phối giao, nhận hàng hóa phù hợp như mua bán trực tuyến, điều phối, giao tận nơi cho khách hàng.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết: “Việc điều chỉnh hoạt động của các chợ đầu mối có ảnh hưởng nhất định đến các chuỗi cung ứng nhưng vẫn có phương án cụ thể để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, thương nhân giao dịch không trực tiếp… trong điều kiện nghiêm ngặt phòng, chống dịch và chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy trong quá trình hoạt động.

Theo kinh nghiệm của chợ đầu mối Hóc Môn, sau hai tuần tạm ngưng hoạt động giao thương tại chợ thì việc cung ứng - phân phối hàng hóa vẫn được điều hành trôi chảy, sự nỗ lực của các thương nhân đã góp phần cung ứng hàng hóa cho người dân TPHCM thông suốt”.

Đưa các mặt hàng chợ lên lên mô hình trực tuyến

Ông Phan Thành Tân - Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết sẽ phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM và các quận, huyện, TP. Thủ Đức kết nối trực tuyến với các thương nhân, nhà cung cấp đang hoạt động tại chợ để cung ứng trực tiếp hàng hóa từ vùng nguyên liệu tới những khu vực có nhu cầu như các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu cách ly... 

Bên cạnh đó, ngoài việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh - thành về TP.HCM thông suốt, ổn định, Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại (như bán online) và truyền thống.

Đặc biệt, tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vững vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; đồng thời siết chặt quản lý, đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng, chống dịch. Sở cũng đề nghị các DN phân phối hàng hóa, thương mại điện tử đẩy mạnh các hoạt động đặt hàng trực tuyến, giao hàng tại nhà, thực hiện các biện pháp an toàn trong giao nhận hàng hóa. 

"Không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa"

Sieu-Thi-Tphcm-8667-1625632447.jpg

Ngoài các chuỗi cung ứng ở chợ truyền thống và điểm bán lẻ, các hệ thống phân phối lớn vẫn hoạt động nên không có tình trạng thiếu hụt hàng yếu phẩm. Ảnh: LĐ

“Nguồn hàng hóa của TP.HCM vẫn được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hụt hàng hóa. Hiện, Sở Công thương đang chủ trì, phối hợp các hệ thống phân phối lớn (như các siêu thị, cửa hàng tiện lợi...), và các DN bình ổn thị trường chủ lực cũng tổ chức các điểm bán hỗ trợ cho những địa bàn có điểm bán phải tạm ngưng hoạt động.

Ngoài ra, Sở cũng đang phối hợp với các hiệp hội ngành nghề tổ chức các chương trình phân phối hàng hóa đến tận tay người dân các vùng cách ly, vùng phong tỏa thông qua việc triển khai các chương trình Siêu thị mini 0 đồng, Chợ nghĩa tình... " - ông Nguyễn Nguyên Phương khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng thiết yếu cho người dân TP.HCM sẽ ra sao khi các chợ đầu mối đều ngưng hoạt động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO