Sau khi được Bộ Nội vụ phê duyệt và cho phép thành lập Hiệp hội Tái chế chất thải vào tháng 3/2021, ngày 18/2/2022, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2022-2027 tại TP. Thủ Đức theo 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tham dự có ông Tạ Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ - Bộ Nội vụ; bà Nguyễn Thị Huyền - Phó vụ trưởng, Vụ Tổ chức Cán Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Giám đốc VCCI chi nhánh TP.HCM và ông Phạm Văn Huỳnh - Phó bí thư Đảng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cùng các đại biểu khách mời.
Tại Hội nghị, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã thông qua những hoạt động của Hội trong năm 2021, và nêu phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2022-2027.
Ông Trần Việt Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam phát biểu tại buổi Đại hội. Ảnh: Hoàng Chương |
Cụ thể, ông Việt Anh cho biết năm 2021, Hội đã tiến hành các cuộc họp từ trực tiếp đến trực tuyến với các doanh nghiệp (DN) và một vài Hiệp hội khác để lựa chọn ra các hoạt động tiêu biểu, đồng thời tích cực tham gia các hội thảo trực tuyến về chuyên ngành do các đơn vị của TP.HCM và Trung ương tổ chức, tham gia và hỗ trợ công tác phòng chống Covid-19 và nhiều hoạt động khác trong đợt dịch thứ 4... Tuy nhiên, vì các hoạt động đều trực tuyến nên còn 1 số mặt hạn chế.
“Hiệp hội sẽ tích cực đẩy mạnh công tác kết nối, nâng cao chất lượng của các hội viên để có thể kết nạp thêm nhiều hội viên, nâng cao lợi ích của các thành viên trong hội và làm tốt các hoạt động thiện nguyện xã hội, quan tâm giúp đỡ các vùng thiên tai, dịch bệnh, giúp đỡ người khó khăn và kết nối nhiều hơn với các tổ chức, các hoạt động có ý nghĩa để thành viên của Hội có thể phát triển hơn trong nhiệm kỳ 2022-2027”, ông Trần Việt Anh nhấn mạnh.
Ngay sau khi ông Tạ Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức phi Chính phủ - Bộ Nội vụ đọc quyết định thành lập của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam theo hình thức trực tuyến, ông Trần Đình Hợi - Thành viên Đoàn Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam đã nêu tôn chỉ và mục đích hoạt động của Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam.
Ông Trần Đình Hợi – Thành viên Đoàn Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Hoàng Chương |
Ông Hợi cho biết, Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước trong lĩnh vực chất thải (không bao gồm các chất thải trong lĩnh vực y tế, xây dựng) theo quy định của pháp luật trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, công khai và minh bạch. Bên cạnh đó, quyền hạn, quyền lợi và lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ của Hiệp hội và quy định của pháp luật, được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền.
Việt Nam nhập khẩu hơn 300 nghìn tấn phế thải mỗi năm
Theo ông Trần Việt Anh, số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan cho thấy trong năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 245.000 tấn phế thải và hạt nhựa, tương đương 43 triệu USD. Và chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã nhập gần 200.000 tấn phế thải; đáng chú ý, trong những tháng tiếp theo số lượng đã tăng đột biến khoảng 50% so với các tháng trước đó (trung bình 30.000 tấn/tháng) và số lượng không ngừng tăng trong những năm gần đây.
Cùng với đó, các vấn đề về khí thải, rác thải, carbon và các vấn đề ô nhiễm môi trường đang đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường Việt Nam. Lượng chất thải rắn hàng năm tại đô thị chiếm đến 2,46 triệu tấn và chiếm hơn 70% so với cả nước, gây tác động nguy hại đến con người và môi trường.
Ông Việt Anh cũng cho rằng thực tế rác thải ở VN vẫn chưa được sử dụng triệt để và đúng mục đích. Rác thải sinh hoạt, rác thải rắn ở đô thị chiếm hơn 40 ngàn tấn mỗi ngày, việc tái sử dụng được thông qua việc thu thập và tái sử dụng chỉ khoảng 10-20% bằng các công nghệ thủ công như giấy và nhựa, gây ô nhiễm môi trường.
“Nếu chúng ta có thể tận dụng rác thải và tái chế từ 60-70% thì sẽ tiết kiệm được nhiều tài nguyên quốc gia, tránh lãng phí, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, duy trì mảng xanh thiên nhiên, hạn chế thiên tai, lũ lụt và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên điều đó chưa được triển khai mạnh tại Việt Nam, nguyên nhân chính là do máy móc chưa phát triển, chưa có sự quản lý bao quát về tái chế cho các ngành nghề khác nhau và kiến thức cũng như máy móc liên quan đến tái chế chất thải còn rất hạn chế. Do đó, việc đưa ra các giải pháp về tái chế chất thải là rất cần thiết và cấp bách”, Chủ tịch Hiệp hội Tái chế chất thải Việt Nam nói.
Ông Võ Tân Thành - Phó chủ tich Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Viêt Nam (VCCI), Giám đốc chi nhánh TP.HCM phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Hoàng Chương |
Tại Đại hội, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc VCCI tại TP.HCM cũng chia sẻ: “Việt Nam chúng ta đang nằm trong top 20 nước đứng đầu thế giới về kim ngạch xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng hơn 20%/năm, cùng với đó là những vấn đề về chất thải rắn công nghiệp từ các KCN, KCX rất lớn lên đến hàng triệu tấn, trong đó các rác thải độc hại cũng rất cao - chiếm hơn 1 triệu tấn.
Trong khi đó, các nước đang phát triển như Âu Mỹ, Đài loan, Malaysia... rất chú trọng vấn đề tái chế chất thải, đặc biệt là rác thải công nghiệp. Nếu chúng ta tận dụng được chất thải, chúng ta có thể làm giảm khoảng cách giàu nghèo, Khoa học - Kỹ thuật so với các nước bạn và tiết kiệm tài nguyên cho quốc gia, bảo vệ môi trường sống cho mình. Bên cạnh đó, việc tái chế cũng làm tăng cơ hội kinh doanh, tạo cơ hội kết nối và gắn kết giữa các DN với nhau cùng đồng hành và hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn, ngày càng phát triển."
Gắn khoa học và công nghệ với công tác tái chế chất thải
Theo ông Việt Anh, Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và thực hiện tổ chức, nghiên cứu, sau đó ứng dụng KH-CN vào tái chế và nhân rộng kết quả để hoàn thiện quy trình kỹ thuật, tổ chức lắp đặt, chuyển giao công nghệ để tiến hành thực nghiệm đối với các cơ sở trong và ngoài nước.
Đánh giá về việc tái chế chất thải ở Việt Nam, ông Việt Anh cho rằng, ngành tái chế chưa được quản lý một cách khoa học, thiếu đồng bộ, hầu hết mang tính tự phát, chưa có quy mô, quy chuẩn; Cùng với đó, công nghệ tái chế tại Việt Nam chưa có sự đồng nhất, quy mô nhỏ. Hiện có nhiều ngành nghề liên quan đến công nghệ tái chế như: y tế, xây dựng, nông nghiệp... nhưng chưa có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác tái chế. Hơn nữa, do chưa có sư quản lý bao quát về tái chế cho các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau dẫn đến việc ngành này chậm phát triển. Việc phát triển các công nghệ và biện pháp quản lý, tái chế rác thải rắn trong thời đại mới là mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi ngày nay, không những đem lại lợi ích về kinh tế - xã hội mà còn có lợi ích lâu dài trong tương lai.
"Việc thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tái chế Việt Nam nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác hỗ trợ chính quyền và xã hội, giảm thiểu hạn chế đến từ những khó khăn nêu trên và góp phần làm chuyên nghiệp, khoa học và chuẩn hóa công tác tái chế chất thải, hoàn thành một cách tốt nhất nhiệm vụ, sứ mệnh, tầm nhìn và điều lệ cốt lõi của Hội đã đề ra", ông Trần Việt Anh khẳng định.
Ông Việt Anh cho biết thêm, trong nhiệm kỳ 2022-2027, Hội đã thống nhất các phương hướng về hoạt động chuyên môn, theo dõi sát sao các hoạt động sản xuất của hội viên, tập hợp các ý kiến tham gia tư vấn và đóng góp để Hội có thể phát triển một cách tốt nhất.