Bản tin tổng hợp

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025: Khơi thông điểm nghẽn, kết nối chính sách với thực tiễn kinh doanh

T.Hải 10/07/2025 - 15:27

Chiều 9/7 tại tỉnh An Giang, Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025 (VPSF 2025) do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức đã khởi động với phiên đối thoại cấp địa phương đầu tiên tại khu vực Tây Nam bộ.

Chương trình diễn ra với hai phần chính, gồm phần tham luận và phiên tọa đàm. Trong phần đầu, đại diện Hội Doanh nhân trẻ một số tỉnh khu vực Tây Nam bộ và các khách mời, diễn giả đã chia sẻ ý kiến xoay quanh các vấn đề như: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (SEMs), đổi mới mô hình kinh doanh gắn với tài nguyên bản địa, bài toán nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản; hay góc nhìn báo chí trong vai trò đồng hành, hỗ trợ hệ sinh thái doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững.

Tư duy cải cách - hành động kiến tạo

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Phạm Thị Bích Huệ - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khẳng định, phiên đối thoại khu vực Tây Nam bộ của VPSF 2025 diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Cả nước đang bước vào một kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên phát triển nhanh, bền vững, hướng tới một Việt Nam hùng cường, hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Đó không chỉ là tầm nhìn, mà là cam kết chiến lược của Đảng và Nhà nước, được cụ thể hóa bằng hàng loạt cải cách mạnh mẽ về thể chế, chính sách và mô hình tổ chức.

h.jpg
Bà Phạm Thị Bích Huệ - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát biểu khai mạc sự kiện

Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và điều chỉnh địa giới hành chính với quy mô chưa từng có, mở ra kỳ vọng về một nền quản trị quốc gia hiệu lực hơn, linh hoạt hơn, kiến tạo hơn. Và trong chính bối cảnh chuyển động lớn ấy, khu vực kinh tế tư nhân - với bản chất linh hoạt, sáng tạo, năng động đang đứng trước một "thời cơ vàng" để khẳng định vai trò, vươn mình trở thành trụ cột thực sự của nền kinh tế quốc gia.

Theo bà Bích Huệ, diễn đàn năm nay mang sứ mệnh lớn hơn, đó là hiện thực hóa tinh thần của "bộ tứ" nghị quyết chiến lược mà Bộ Chính trị vừa ban hành. Đó là Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, thời gian qua Thủ tướng đã có những chỉ đạo liên tục và quyết liệt nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước. Những đột phá này được xem là bệ phóng thể chế, là nền móng cho một quốc gia muốn bứt tốc trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

“Chúng tôi không kỳ vọng giải quyết mọi vấn đề của DN, nhưng mỗi phiên đối thoại cần trở thành nơi mà thực tiễn gặp gỡ và soi chiếu vào thể chế, để từ đó hình thành những sáng kiến có trọng lượng, những kiến nghị có khả năng điều chỉnh chính sách”, bà Bích Huệ nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, tinh thần đổi mới tư duy doanh nhân được nhấn mạnh như một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập ngày càng sâu rộng. Ông Dương Long Thành - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khẳng định, doanh nhân thời đại mới không thể dừng lại ở vai trò sản xuất - kinh doanh, mà cần trở thành lực lượng kiến tạo, dám nghĩ, dám làm và dám đề xuất thay đổi.

Ông dẫn ví dụ mô hình kết hợp giữa nha khoa và du lịch tại Đồng Tháp và cho rằng tư duy liên kết ngành chính là chìa khóa mở ra không gian tăng trưởng mới. Từ đó, ông Thành kiến nghị mở rộng mô hình này sang các lĩnh vực như sân golf, chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm văn hóa… để thu hút đầu tư, gắn kết địa phương với thị trường toàn cầu.

Bà Tạ Bích Phượng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Sóc Trăng phát biểu tham luận
Bà Tạ Bích Phượng - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Sóc Trăng (cũ) trình bày tham luận

Cũng theo ông Thành, khu vực kinh tế tư nhân cần thể hiện vai trò chủ động hơn, mạnh dạn kiến nghị, và nếu cần, phải yêu cầu thay đổi bộ máy khi lãnh đạo địa phương không hành động kịp thời. Ông kêu gọi cộng đồng doanh nhân không chỉ là người thực thi chính sách mà phải tham gia vào quá trình hình thành chính sách, thông qua việc phản ánh thực tiễn thị trường và hiến kế từ thực tế kinh doanh.

Tinh thần đó được nhiều đại biểu đồng tình. Ông Nguyễn Trọng Huy - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa III và ông Đặng Xuân Huy - Phó chủ tịch Hội khóa VI đều cho rằng cần thiết có đại diện DN trong các cơ quan dân cử, để tiếng nói của thị trường được thể chế hóa, trở thành một phần cấu thành trong quá trình hoạch định chính sách quốc gia.

DN góp ý xây dựng chính sách

Dù chiếm tỉ trọng lớn trong nhiều ngành sản xuất chủ lực như lúa gạo, thủy sản, rau củ quả… khu vực kinh tế tư nhân Tây Nam bộ vẫn chưa thể phát huy hết tiềm năng do vướng nhiều rào cản mang tính hệ thống. Một bất cập phổ biến được DN phản ánh, đó là tình trạng “áp chính sách chung cho điều kiện đặc thù”. Hệ thống logistics yếu kém, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, chi phí vận chuyển cao, nhưng lại không có cơ chế ưu đãi tương xứng khiến DN trong vùng bị lép vế ngay trên sân nhà.

Ông Trần Huy Hiển - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Tháp chỉ ra, trong ngành lúa gạo và thủy sản, DN tư nhân chiếm tới 90%, song vẫn phải đánh đổi bằng thiệt hại môi trường do thiếu quy hoạch dài hạn và tầm nhìn phát triển bền vững. Trong khi đó, DN nông nghiệp chế biến sâu lại gặp khó do thiếu nhất quán trong quy hoạch vùng và cơ chế khuyến khích đầu tư.

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng giám đốc Công ty CP Rau củ quả An Giang cho biết DN trồng rau sạch vẫn không thể phát triển vùng nguyên liệu ổn định, do thiếu định hướng quy hoạch dài hạn và sự hỗ trợ về hạ tầng sơ chế, bảo quản.

Về chuyển đổi số, theo theo bà Tạ Bích Phượng - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Sóc Trăng (cũ), nhiều SEMs vẫn dừng ở mức “chuyển đổi nhận thức”, chưa tiếp cận được các giải pháp công nghệ một cách bài bản. Bà Phượng đề xuất cần tổ chức định kỳ “Ngày hội chuyển đổi số”, thành lập các câu lạc bộ chuyển đổi số tại địa phương, tăng cường liên kết với viện, trường để nâng cao năng lực chuyên môn và thực thi hiệu quả các ứng dụng công nghệ mới.

td.jpg
Các diễn giả tham dự tọa đàm

Trong khi đó, ở góc nhìn tích cực hơn, bà Nguyễn Ngọc Lan Đình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Y tế tại gia 247 đã chia sẻ mô hình chuyển đổi số toàn diện giúp DN tăng doanh thu, tối ưu vận hành, đồng thời cải thiện trải nghiệm khách hàng. “Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng, mà còn là điều kiện để tồn tại và vươn lên trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt”, bà Đình nói.

Ông Phạm Kim Thành - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Đồng Tháp gây chú ý khi nêu ý tưởng kết hợp dịch vụ nha khoa công nghệ cao với du lịch làng hoa Sa Đéc, tạo nên mô hình “nha khoa nghỉ dưỡng” hấp dẫn khách Việt kiều từ Úc. Ông gọi đó là “cây cầu văn hóa, nơi chữa lành cho khoảng cách và ký ức”.

Ông Thành đề xuất Nhà nước hỗ trợ các mô hình liên kết đa ngành, thúc đẩy chính sách du lịch y tế vùng, và tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực kết nối liên vùng, liên quốc gia.

VPSF 2025 là sự kiện chính sách - đối thoại - hành động quy mô quốc gia do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì tổ chức từ tháng 7-9/2025, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Diễn đàn có sự tham gia phối hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Với chủ đề “Khai phóng tiềm năng - Kiến tạo tương lai Việt”, VPSF 2025 gồm 3 vòng đối thoại:

Vòng 1 (từ tháng 7 - 8/2025): Đối thoại cấp địa phương tại 10 cụm vùng trên toàn quốc, tập trung xoay quanh 4 chủ đề chính: Tự chủ chuỗi giá trị; Thể chế kiến tạo; Toàn cầu hóa giá trị Việt; Năng lực chiến lược.

Vòng 2 (chiều 15/9/2025 tại Hà Nội): Diễn ra 4 phiên đối thoại chuyên đề, với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.

Vòng 3 (sáng 16/9/2025 tại Hà Nội): Phiên đối thoại toàn thể cấp cao, dự kiến có sự tham dự, chủ trì và chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Diễn đàn sẽ ra Tuyên bố chung VPSF 2025, thể hiện cam kết đồng hành giữa khu vực kinh tế tư nhân và các cơ quan hoạch định chính sách trong kiến tạo môi trường phát triển minh bạch, hiện đại, phù hợp với yêu cầu của kỷ nguyên mới.

Kết quả của VPSF 2025 sẽ được tổng hợp và công bố trong “Sách Trắng Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025”, với các nhóm kiến nghị chính sách cụ thể, thiết thực, được gửi tới Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2025: Khơi thông điểm nghẽn, kết nối chính sách với thực tiễn kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO