Bản tin trưa 11/7: 13.699 hộ kinh doanh chuyển sang nộp thuế kê khai trong 6 tháng đầu năm
Tin tức nổi bật trưa 11/7: Bộ Tài chính đề xuất giảm tiền đất thu bổ sung xuống 3,6%/năm; 13.699 hộ kinh doanh chuyển sang nộp thuế kê khai trong 6 tháng đầu năm; Đề xuất kéo dài giảm thuế môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026; Cần thiết mở rộng cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP; Doanh nghiệp mua lại gần 40.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6/2025... và một số tin tức đáng chú ý khác.
Bộ Tài chính đề xuất giảm tiền đất thu bổ sung xuống 3,6%/năm
Trước phản ánh về những bất cập trong thu tiền đất bổ sung, Bộ Tài chính đã điều chỉnh dự thảo Nghị định 103 liên quan đến tiền sử dụng đất và tiền thuê đất. Dự thảo mới đưa ra ba phương án xử lý, trong đó phương án giảm mức thu bổ sung từ 5,4% xuống còn 3,6%/năm đang được chú ý.
Theo Bộ Tài chính, mức thu 5,4%/năm hiện hành chưa hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất và Nhà nước, nhất là trong những trường hợp chậm thông báo nghĩa vụ tài chính do nguyên nhân khách quan. Do đó, mức 3,6%/năm được đề xuất dựa trên trung bình cộng các chỉ số: lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 6 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ lạm phát trong giai đoạn 2014 - 2024.

Phương án thứ hai giữ nguyên mức thu 5,4% như hiện nay, trong khi phương án thứ nhất đề xuất bỏ hoàn toàn quy định tiền đất bổ sung tại nghị định này và chuyển nội dung sang sửa đổi Luật Đất đai 2024.
Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để hoàn thiện phương án phù hợp trình Chính phủ.
Ban Chính sách, chiến lược Trung ương tiên phong áp dụng đánh giá cán bộ theo KPI
Từ tháng 7/2025, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương trở thành cơ quan Trung ương đầu tiên triển khai khung tiêu chí đánh giá hiệu suất công tác (KPI) đối với cán bộ, công chức, viên chức và các đơn vị trực thuộc.
Khung KPI được xây dựng nhằm đánh giá hiệu quả làm việc thông qua các tiêu chí định lượng rõ ràng như khối lượng, chất lượng, tiến độ hoàn thành nhiệm vụ, công việc phát sinh và các tiêu chí bổ sung về năng lực quản lý đối với cán bộ lãnh đạo. Các đơn vị trực thuộc sẽ căn cứ khung chung để xây dựng tiêu chí cụ thể cho từng vị trí.

Theo Trưởng ban Trần Lưu Quang, việc đổi mới công tác đánh giá là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, chuẩn bị cho việc thực thi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi từ năm 2026, khi đánh giá sẽ chuyển từ định tính sang định lượng.
Kết quả KPI sẽ là cơ sở quan trọng trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, khen thưởng và kỷ luật; đồng thời góp phần xây dựng văn hóa làm việc hiệu suất cao, khuyến khích sáng tạo và phát triển năng lực cá nhân trong hệ thống chính trị.
13.699 hộ kinh doanh chuyển sang nộp thuế kê khai trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 13.699 hộ kinh doanh nộp thuế khoán đã chuyển đổi sang phương pháp kê khai thuế. Đặc biệt, 1.474 hộ trong số này đã chính thức chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, riêng tháng 6 có đến 910 trường hợp.
Thông tin được đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm do Cục Thuế tổ chức ngày 10/7. Tại đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao kết quả thu ngân sách đạt 1,180 triệu tỉ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ.

Thứ trưởng nhấn mạnh, từ năm 2026, việc chấm dứt áp dụng thuế khoán sẽ chính thức triển khai, thay vào đó là hình thức nộp thuế theo doanh thu. Ngành thuế cần chuẩn bị giải pháp hỗ trợ phù hợp để hộ kinh doanh chuyển đổi thuận lợi.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 18.370 hộ kinh doanh đã sử dụng hóa đơn điện tử kết nối máy tính tiền, đạt 107% chỉ tiêu. Tổng số hộ kinh doanh đang hoạt động cả nước đạt hơn 2 triệu, đóng góp khoảng 17.100 tỷ đồng vào ngân sách, tăng 131% so với cùng kỳ.
Đề xuất kéo dài giảm thuế môi trường với xăng dầu đến hết năm 2026
Bộ Tài chính vừa đề xuất tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đến hết năm 2026, nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định giá nhiên liệu trong nước.
Theo đó, thuế môi trường với xăng (trừ etanol) sẽ giữ ở mức 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn ở mức 1.000 đồng/lít; dầu hỏa 600 đồng/lít; mỡ nhờn 1.000 đồng/kg. Riêng nhiên liệu bay được đề xuất áp dụng mức 2.000 đồng/lít, thay vì mức ưu đãi 1.000 đồng/lít hiện nay.

Chính sách giảm thuế này được áp dụng từ tháng 4/2022 và dự kiến kết thúc cuối năm 2025. Nếu không kéo dài, từ năm 2027, mức thuế sẽ trở lại trần quy định: xăng 4.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít, dầu diesel và các loại dầu khác 2.000 đồng/lít.
Bộ Tài chính cho biết, chính sách giảm thuế đã giúp bình ổn giá xăng dầu, hạn chế tác động tiêu cực từ biến động giá thế giới, đồng thời giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, đặc biệt trong ngành hàng không. Dù ngân sách hụt thu khoảng 40.800 tỉ đồng năm 2024, Bộ đánh giá đây là khoản hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Sẽ xếp lại bảng lương, tăng chính sách thu hút cho nhà giáo
Sáng 11/7, tại buổi họp báo công bố các luật được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh nhằm nâng cao vị thế và chế độ đãi ngộ cho hơn 1,6 triệu nhà giáo.
Luật xác lập địa vị pháp lý cho nhà giáo cả ở khu vực công lập và ngoài công lập, lần đầu thừa nhận giáo viên tư thục là người hành nghề đặc thù. Nội dung luật chú trọng bảo vệ quyền, nghĩa vụ, đạo đức nghề nghiệp và tăng quyền sáng tạo cho nhà giáo.

Đặc biệt, luật quy định nhà giáo được xếp mức lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng dự thảo nghị định điều chỉnh chính sách tiền lương, phụ cấp và trợ cấp, trong đó dự kiến xếp lại bảng lương một số chức danh như giáo viên mầm non, phổ thông, dạy nghề...
Luật cũng bổ sung chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn và mở rộng quyền tuyển dụng cho ngành giáo dục. Các điều chỉnh này được kỳ vọng giúp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực phát triển toàn diện ngành giáo dục.
Cần thiết mở rộng cao tốc Bắc - Nam theo phương thức PPP
Trước tình trạng nhiều đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới đạt quy mô 4 làn xe hạn chế, thường xuyên ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, việc mở rộng tuyến đường này trở nên cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập tỉnh và chủ trương khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư theo Nghị quyết 68.
Bộ Xây dựng kiến nghị ưu tiên mở rộng 1.144km đoạn Hà Nội - TP.HCM từ 4 lên 6 làn xe, với tổng vốn đầu tư khoảng 152.102 tỷ đồng. Trong đó có 18 dự án thành phần, gồm 3 dự án PPP và 15 dự án đầu tư công.
Tính đến nay, toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài 2.063km, đã khai thác 1.443km chủ yếu 4 làn hạn chế. Nhiều đoạn khác đang được nghiên cứu đầu tư theo quy mô hoàn chỉnh.

Bộ Xây dựng đánh giá phương thức PPP là phù hợp, góp phần giảm gánh nặng ngân sách nếu biết cân đối giữa các dự án có sức hút đầu tư khác nhau. Một số đoạn có thể thu phí hoàn vốn trong 3 - 13 năm. Việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc theo PPP là thiết thực, phù hợp định hướng phát triển hạ tầng bền vững và thu hút khu vực tư nhân.
Doanh nghiệp mua lại gần 40.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6/2025
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 6/2025, thị trường ghi nhận 65 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị 86.953 tỷ đồng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 39.265 tỷ đồng trái phiếu, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh xu hướng chủ động giảm áp lực nợ đến hạn.
VBMA dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2025 sẽ có khoảng 131.601 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó nhóm bất động sản chiếm tỷ trọng lớn với 69.970 tỷ đồng, tương đương 53%.

Thị trường cũng ghi nhận 7 mã trái phiếu chậm thanh toán gốc và lãi trong tháng 6, với tổng giá trị 5.224 tỷ đồng. Trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch đạt 129.040 tỷ đồng, bình quân 6.145 tỷ đồng/phiên, tăng 10,5% so với tháng trước.
Về kế hoạch huy động vốn, Agribank và Eximbank dự kiến phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2025 với tổng giá trị tối đa 10.000 tỷ đồng. Agribank dự kiến phát hành trái phiếu 10 năm, lãi suất thả nổi, không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Ban hành quy định mới về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 189/2025, quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó làm rõ thẩm quyền xử phạt của các cá nhân, tổ chức thuộc hệ thống hành pháp, chuyên ngành và lực lượng chức năng.
Theo nghị định, Chủ tịch UBND cấp xã được quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50% mức tối đa theo lĩnh vực tương ứng, đồng thời có thể tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh được quyền xử phạt ở mức cao nhất, bao gồm phạt tiền đến mức tối đa, tịch thu tang vật vi phạm, đình chỉ hoạt động hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Giám đốc sở có thẩm quyền xử phạt đến 80% mức tiền phạt tối đa theo lĩnh vực quản lý.
Đặc biệt, chiến sĩ Công an nhân dân khi thi hành công vụ được quyền xử phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 10% mức tối đa, và tịch thu tang vật vi phạm có giá trị không vượt quá hai lần mức phạt.
Ngoài ra, một số chức danh như trưởng đồn công an, đội trưởng cảnh sát cơ động, công an cửa khẩu, và trưởng phòng nghiệp vụ an ninh cũng được trao quyền xử phạt theo phạm vi cụ thể.
TP.HCM công bố đường dây nóng chống "vẽ bệnh, moi tiền" sau sáp nhập
Ngày 11/7, Sở Y tế TP.HCM công bố các kênh tiếp nhận phản ánh trong lĩnh vực y tế, đặc biệt tập trung ngăn chặn hành vi “vẽ bệnh, moi tiền”, nhằm phục vụ hơn 14 triệu dân sau khi sáp nhập địa giới hành chính.
Đường dây nóng 096.777.1010 tiếp nhận phản ánh về chất lượng khám chữa bệnh, thái độ nhân viên y tế và các bất cập tại cơ sở y tế. Kênh chuyên biệt chống “vẽ bệnh” là 0989.401.155, do Phòng Kiểm tra - Pháp chế phụ trách, bảo đảm bí mật thông tin, xác minh khách quan và xử lý nghiêm minh.

Ngoài ra, tổng đài 1900.638.563 hỗ trợ người dân tra cứu thủ tục hành chính trong y tế. Người dân cũng có thể gửi phản ánh qua cổng 1022 TP.HCM hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến” đang được nâng cấp.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM PGS.TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh việc phản ánh kịp thời sẽ giúp xây dựng hệ thống y tế công khai, minh bạch. Sắp tới, Sở sẽ xây dựng hệ thống tổng hợp và phân tích phản ánh để xử lý nhanh, hiệu quả, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.
Cảnh sát giao thông sẽ gửi thông báo vi phạm trong 2 giờ, cho phép nộp phạt online
Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho biết hệ thống giám sát giao thông toàn quốc sẽ được nâng cấp với công nghệ hiện đại, đảm bảo phát hiện vi phạm 24/7. Mục tiêu không chỉ để xử lý mà nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người dân.
Đáng chú ý, khi phát hiện vi phạm, hệ thống sẽ gửi thông báo cho chủ xe qua VNeID, VNeTraffic hoặc công an xã trong vòng 2 giờ. Thông báo sẽ nêu rõ hành vi vi phạm, thời gian, và cho phép người dân phản hồi trực tuyến. Nếu xác nhận vi phạm, quyết định xử phạt và chứng cứ điện tử sẽ được gửi qua mạng. Việc nộp phạt online sẽ được triển khai ngay sau đó.

Hệ thống camera tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ phát hiện các hành vi như không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn... Trung tâm giám sát sẽ hoạt động liên tục với lực lượng nghiệp vụ trực 24/7.
Cục CSGT cũng sẽ "làm sạch" dữ liệu đăng ký xe, đảm bảo người bán xe chưa sang tên vẫn phải chịu trách nhiệm khi có vi phạm. Việc xử phạt trực tuyến được đánh giá sẽ tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục và phù hợp với mục tiêu chuyển đổi số.