Bản tin tổng hợp

Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ trong quý II/2025, thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức

TH 08/07/2025 - 14:56

Theo Báo cáo tình hình lao động, việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2025 do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) công bố, thị trường lao động Việt Nam ghi nhận một số biến động đáng chú ý về tỷ lệ thất nghiệp và hiệu quả sử dụng lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cụ thể, trong quý II/2025, cả nước có khoảng 1,06 triệu người trong độ tuổi lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, tăng 25.300 người so với quý I, nhưng giảm 13.300 người so với cùng kỳ năm 2024.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động đạt 2,24%, nhích tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước, song vẫn thấp hơn 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, khu vực thành thị duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới ngưỡng 3%.

Lao động trẻ tiếp tục chịu áp lực cao, khi tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi từ 15 - 24 đạt mức 8,19% trong quý II, tăng 0,26 điểm phần trăm so với quý I và 0,18 điểm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở khu vực thành thị là 10,23%, cao hơn đáng kể (3,17 điểm phần trăm) so với khu vực nông thôn.

Thu nhập bình quân người lao động là 8,3 triệu đồng/tháng

Sự chênh lệch cũng thể hiện rõ khi so sánh giữa các khu vực: thành thị giảm 0,83 điểm phần trăm so với quý trước, trong khi nông thôn tăng 0,74 điểm phần trăm, cho thấy sự dịch chuyển và phân hóa về cơ hội việc làm giữa các vùng miền.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, cả nước có khoảng 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 13.800 người so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp bình quân 6 tháng đầu năm đạt 2,22%, giảm nhẹ 0,04 điểm phần trăm.

Một vấn đề đáng lưu ý là tình trạng thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo. Trong quý II/2025, khoảng 1,35 triệu thanh niên từ 15 - 24 tuổi thuộc nhóm này, chiếm 10,1% tổng số thanh niên, tăng 40.300 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này cao hơn ở nông thôn (11,4%) so với thành thị (8,2%), và ở nữ thanh niên (11,4%) cao hơn nam giới (8,9%).

Ngoài ra, lực lượng lao động không được sử dụng hết tiềm năng tiếp tục là một chỉ số cần quan tâm. Trong quý II, tỷ lệ này là 3,9%, tương ứng với khoảng 2,06 triệu người. Tính chung nửa đầu năm, số lao động không sử dụng hết tiềm năng lên tới hơn 2 triệu người. Đây là nhóm bao gồm cả những người thất nghiệp, thiếu việc làm và có nhu cầu làm việc nhưng chưa tìm được công việc phù hợp.

Cục Thống kê lưu ý, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ số phản ánh sự lệch pha giữa cung - cầu lao động trên thị trường. Trong bối cảnh kinh tế phát triển bình thường, chỉ số này vẫn luôn hiện diện, nhưng sẽ tăng mạnh khi thị trường đối mặt với các cú sốc như đại dịch, thiên tai hay biến động kinh tế vĩ mô.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, sự chênh lệch giữa cung và cầu lao động là một thực tế phổ biến, phần lớn đến từ sự dịch chuyển tự nhiên của các nhóm lao động cũng như xu hướng lựa chọn nơi làm việc phù hợp với chi phí sinh hoạt và mức thu nhập.

Đặc biệt, sau giai đoạn hậu Covid-19 và kỳ nghỉ Tết, nhiều lao động có xu hướng trở về địa phương làm việc, dẫn đến sự tái phân bổ lực lượng lao động giữa các vùng.

Trước thực trạng này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường lao động phục hồi bền vững, thông qua việc nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động trong ngắn và dài hạn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động kết nối việc làm, tư vấn và hỗ trợ người lao động thất nghiệp tiếp cận các cơ hội phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ trong quý II/2025, thị trường lao động đối mặt nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO