Doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu kém

07/08/2014 03:01

Chi phí logistis cao làm giảm hiệu quả trong việc giới thiệu thị trường lao động giá rẻ và đẩy mạnh xuất khẩu.

Doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu kém

Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển năm 2014 ngày 5/8, chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ và cao hơn các nước trong khu vực như Trung Quốc hay Thái Lan. Chi phí logistis cao làm giảm hiệu quả trong việc giới thiệu thị trường lao động giá rẻ và đẩy mạnh xuất khẩu.

Đọc E-paper

Việt Nam hiện có khoảng 800 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics, đa phần là những DN nhỏ và rất nhỏ với 80% trong số đó có tổng vốn pháp định ít hơn 1,5 tỷ đồng (90.000 USD). Do đó, các DN chỉ dừng lại ở việc làm đại lý cấp 2, cấp 3, thậm chí cấp 4 cho các đối tác nước ngoài có mạng lưới toàn cầu mà chưa tổ chức kết nối được các hoạt động vận tải đa phương thức.

Các DN logistics Việt Nam mới chỉ hoạt động trong phạm vị nội địa hoặc một vài nước trong khu vực. Đây là một trong những cản trở cung cấp các dịch vụ trọn gói cho khách hàng.

Dù các DN logistics đã có ý thức trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh nhưng vẫn còn kém xa so với các công ty logistics nước ngoài. Nếu chỉ xét về khía cạnh xây dựng website, phần lớn website của DN Việt Nam chỉ đơn thuần giới thiệu về dịch vụ, thiếu hẳn các tiện ích mà khách hàng cần, như công cụ track and trace (theo dõi đơn hàng), lịch tàu, e-booking, theo dõi chứng từ...

Trong khi đó khả năng nhìn thấy và kiểm soát đơn hàng - visibility là một yếu tố được các chủ hàng đánh giá rất cao khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ logistics.

"Các công ty như APL, Maersk được Nike chọn là nhà cung cấp dịch vụ là do có thể cung cấp cho Nike công cụ visibility trong bất kỳ thời điểm nào, tại bất kỳ nơi nào nhân viên của Nike cũng có thể nắm bắt và có thể kéo ra bất kỳ các loại báo cáo liên quan đến các đơn hàng của mình đã, đang và sẽ được thực hiện bởi các công ty trên. Điều này sẽ giúp Nike tính toán tốt những dự báo, kiểm soát hàng tồn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng ở chi phí tối ưu nhất", đại diện Nike tại Việt Nam cho biết.

Nói về khó khăn của DN logistics, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA), cho biết, do phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu hàng theo FOB, FCA (giao cho người chuyên chở), nên quyền định đoạt về vận tải đều do người mua chỉ định và dĩ nhiên người mua sẽ chỉ định một công ty nước họ để thực hiện điều này.

Do đó, các công ty logistics của Việt Nam sẽ ở ngoài cuộc. Bất cập này không phải dễ dàng giải quyết vì phần lớn các nhà xuất khẩu của Việt Nam đều gia công hoặc xuất hàng cho những khách hàng lớn đã có những hợp đồng dài hạn với các công ty logistics toàn cầu.

Về hạ tầng, phần lớn cảng biển tại Việt Nam không được thiết kế cho việc bốc dỡ hàng cho tàu chuyên dùng, nhiều cảng nằm ngoài TP.HCM chỉ được thiết kế cho hàng rời, không có trang thiết bị xếp dỡ container.

Các cảng không có dịch vụ hàng hải trực tiếp kết nối Việt Nam với các cảng biển tại châu Âu hay Mỹ. Hệ thống kho bãi trên cả nước lại không phù hợp với hàng hóa bốc dỡ nhanh, trong đó có nhiều kho bãi đã được khai thác hơn 30 năm và không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO