Công nhân thế giới: Những người bên lề

HÀ CÚC (THEO THE ECONOMIST)| 08/11/2013 07:29

Người lao động từ Mỹ cho đến Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro bị bỏ lại phía sau thành quả tăng trưởng kinh tế do tự do hóa thương mại và tự động hóa trong các nhà máy.

Công nhân thế giới: Những người bên lề

Người lao động từ Mỹ cho đến Trung Quốc phải đối mặt với rủi ro bị bỏ lại phía sau thành quả tăng trưởng kinh tế do tự do hóa thương mại và tự động hóa trong các nhà máy.

Đọc E-paper

Công nhân nhà máy Fox Conn biểu tình vì lương thấp

Foxconn là công ty gia công lớn nhất cho Apple với hơn 1,5 triệu công nhân tại nhà máy ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ở Mỹ, Foxconn trở thành một biểu tượng của mối đe dọa kinh tế gây ra từ làn sóng lao động giá rẻ. Việc chuyển dịch việc làm sang các nước như Trung Quốc bị quy trách nhiệm cho tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có tại Mỹ.

Tuy nhiên, công nhân ở Trung Quốc và Mỹ lại cùng cảnh ngộ như nhau khi phải đối mặt với mối đe dọa chung: bị tụt lại so với mức tăng trưởng kinh tế trong những thập kỷ gần đây. "Cổ phần lao động" trong GDP đã giảm trên khắp thế giới kể từ năm 1980 (xem biểu đồ). Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) ước tính lao động chỉ chiếm 62% của tất cả các thu nhập trong những năm 2000, giảm từ 66% trong những năm 1990.

Công nhân Mỹ đổ lỗi xu hướng này là do làn sóng lao động giá rẻ từ Trung Quốc, Ấn Độ... Để có câu trả lời chính xác, các chuyên gia kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khảo sát các ngành nghề khác nhau ở Mỹ phải cạnh tranh từ hàng nhập khẩu và so sánh kết quả với sự suy giảm trong thị trường lao động tương ứng.

Kết quả cho thấy sự phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu có liên quan đến sự suy giảm lớn hơn trong thị trường lao động. Thị trường lao động tại Mỹ đã giảm khoảng 3,9 điểm phần trăm trong hơn 25 năm qua, trong đó, 3,3 điểm phần trăm có thể liên quan đến những cái tên như Foxconn.

Tuy nhiên, thương mại không thể giải thích tất cả hiện tượng suy giảm của thị trường lao động Mỹ hay ở những nơi khác. Công nhân ở nhiều nước đang phát triển, từ Trung Quốc tới Mexico cũng bị bỏ rơi sau những lợi ích của tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua. Thủ phạm lớn nhất là sự phát triển của công nghệ, trong đó, theo ước tính của OECD, chiếm khoảng 80% của sự sụt giảm trong tỷ trọng lao động.

Ví dụ, Foxconn sẽ bổ sung 1 triệu robot cho các nhà máy vào năm tới, tương ứng với việc sa thải hàng loạt lao động. Thiết bị rẻ hơn và mạnh mẽ hơn đã cho phép các công ty tự động hóa phần lớn công việc. Vì thế, chi phí đầu tư liên quan đến hàng tiêu dùng, đã giảm 25% trong vòng 35 năm qua. Điều đó càng khiến các công ty đẩy mạnh các hoạt động tự động hóa và sa thải người lao động.

Trong những thập kỷ gần đây, tự động hóa cũng làm giảm mạnh số lượng công việc đòi hỏi kỹ năng trung bình, trong khi việc làm đòi hỏi chuyên môn cao và kỹ năng thấp tăng lên.

Nghiên cứu của David Autor (Đại học MIT), David Dorn (Trung tâm Nghiên cứu tiền tệ và tài chính) và Gordon Hanson (Đại học California) cho thấy tin học và tự động hóa đã làm suy giảm các việc làm việc trung cấp trong những năm 1990. Thương mại, ngược lại, chỉ trở thành một nguyên nhân quan trọng của sự chênh lệch tiền lương ngày càng tăng trong những năm 2000.

Trong những năm cuối thập niên 1970, công nhân châu Âu có "cổ phần lao động" cao nhờ vào quy định chặt chẽ trong thị trường lao động. Dẫn đầu là tại Tây Ban Nha (75%) và Pháp (80%). Tuy nhiên, khi tự do hóa thị trường lao động và hàng hóa quét qua châu Âu vào đầu những năm 1980, đã khiến tỷ lệ này giảm và cùng với đó là nạn thất nghiệp tăng cao.

Công nghệ phát triển và tăng năng suất tạo ra khả năng cải thiện đời sống con người. Tuy nhiên, nếu thu nhập không tăng tương ứng thì người lao động tại nhiều nước sẽ bị bỏ lại phía sau thành quả tăng trưởng kinh tế. Tác động của tự do thương mại có thể trở nên "lành tính" hơn trong tương lai khi tiền lương tại các thị trường mới nổi tăng lên, nhưng cũng lại đẩy nhanh tiến độ tự động hóa tại các công ty như Foxconn.

Đó là những nghịch lý sẽ rất khó giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Công nhân thế giới: Những người bên lề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO