TTCK: Nhìn lại giai đoạn mua ròng mạnh nhất 7 năm qua

LÊ PHAN - THANH LONG| 13/09/2017 03:44

Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố thúc đẩy việc mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán

TTCK: Nhìn lại giai đoạn mua ròng mạnh nhất 7 năm qua

Quý II vừa qua là quý mà khối ngoại mua ròng mạnh nhất trong gần 7 năm trở lại đây.  

Đọc E-paper

Hy vọng nâng hạng

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, trong hơn 8 tháng qua, khối ngoại đã mua ròng 1.385 tỷ USD, trong đó có 722 triệu USD rót vào trái phiếu và 663 triệu USD rót vào cổ phiếu.

Theo số liệu gần đây của Bloomberg, hầu hết các thị trường chứng khoán mới nổi (emerging) và cận biên (frontier) của châu Á đều hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài và đã thu hút được một lượng vốn lớn kể từ đầu năm đến nay. Có thể thấy tuy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng, nhưng Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố thúc đẩy việc mua vào của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán.

Đầu tiên là lượng hàng hóa có chất lượng tốt ngày càng được niêm yết nhiều hơn, cũng như động thái thoái vốn của Chính phủ khỏi các doanh nghiệp nhà nước có hiệu quả kinh doanh cao đang niêm yết trên thị trường, như Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khác Sài Gòn (SAB), Tổng công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (BHN), Tổng công ty CP Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX).

Song song đó là một loạt doanh nghiệp tư nhân có quy mô không kém và hoạt động khá hiệu quả như Ngân hàng Quốc tế (VIB), VPBank (VPB), Công ty CP Hàng không Vietjet (VJC), Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (NVL) đã niêm yết trên thị trường chứng khoán và một loạt doanh nghiệp lớn chuẩn bị niêm yết trong thời gian tới như Techcombank, Lienvietpostbank, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), cùng với việc mở room của một số doanh nghiệp đầu ngành, tiêu biểu như VNM và SSI.

Đa số cổ phiếu có vốn hóa lớn sau khi lên sàn đều được khối ngoại mua ròng mạnh mẽ, do tiêu chuẩn chọn hàng của khối này thường xét đến yếu tố vốn hóa thị trường.

Yếu tố thứ hai là quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Với một loạt cổ phiếu mới rầm rộ lên sàn, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 37% kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, theo một báo cáo gần đây thì P/E của VN-Index đạt 16,43 điểm, xếp thấp thứ 11 trong khu vực, trong khi HNX-Index là 12,47, xếp thấp thứ ba. Yếu tố thanh khoản cải thiện với giá trị giao dịch tăng mạnh trong hơn 8 tháng qua cũng đã thu hút thêm nhiều dòng vốn từ bên ngoài.

Yếu tố thứ ba là nhờ vào chính sách nới lỏng tiền tệ giúp thị trường duy trì xu hướng tăng bền vững và liên tiếp đạt được những mốc cao. Ngày 8/9 vừa qua, chỉ số VN-Index đã quay trở lại ngưỡng 800 điểm sau gần 10 năm, dù chủ yếu nhờ vào việc kéo các mã trụ tăng mạnh. Tuy vậy, mốc 800 điểm sớm đạt được trong quý III là rất đáng nhớ, nhất là trong thời điểm thiếu các thông tin hỗ trợ cho thị trường như thời gian qua.

Với chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, theo đó Ngân hàng Nhà nước quyết tâm giảm thêm lãi suất và tăng trưởng tín dụng cao hơn được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới, và điều này dĩ nhiên sẽ thu hút dòng tiền tiếp tục đổ vào chứng khoán.

Yếu tố thứ tư là nhờ vào tỷ giá USD/VND khá ổn định trong 8 tháng qua, tiếp nối sự ổn định đã đạt được trong năm 2016. Trong bối cảnh nhiều đồng tiền khác tăng giảm mạnh so với USD thì tỷ giá USD/VND những năm gần đây được điều hành và kiểm soát ổn định hơn nhiều, càng làm tăng niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Rõ ràng khi chọn thị trường để rót vốn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chọn các quốc gia có tiền tệ ổn định nhằm bảo đảm lợi nhuận theo kế hoạch, tránh phát sinh những khoản lỗ ngoài dự đoán.

Và cuối cùng là sự hy vọng Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Dù hồi tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã thất bại khi không được MSCI (Morgan Stanley Capital International - tổ chức cung cấp công cụ phân tích thị trường tài chính và xây dựng các chỉ số tham chiếu cho các nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu) đưa vào thị trường mới nổi nhưng hầu hết giới đầu tư đều tin rằng Việt Nam sẽ sớm có tên.

Xanh vỏ đỏ lòng

VN-Index vượt qua mốc 800 điểm để lập mức cao điểm mới kể từ năm 2009, trong khi VN30 cũng thiết lập mức điểm cao nhất từ trước đến nay khiến các hợp đồng phái sinh giao dịch sôi động hơn. Nhóm vốn hóa lớn tiếp tục chi phối chỉ số VN-Index, như SAB, VIC, GAS, HPG ,MSN, ROS... trong khi nhóm cổ phiếu Mid Cap và Penny ít biến động, điều này đã tạo nên hiện tượng "xanh vỏ đỏ lòng" và nhà đầu tư gặp phải tình trạng thị trường tăng mạnh nhưng danh mục vẫn thấp.

Thanh khoản tiếp tục sụt giảm trên cả hai sàn và có sự phân kỳ giữa giá (tăng) và thanh khoản (giảm) báo hiệu một đợt điều chỉnh có thể xảy ra. Điều này có thể lý giải bằng hiện tượng dòng tiền hầu hết tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn này với những mục tiêu chung cho điểm số thị trường.

Thêm nữa, trong những tuần đầu tiên của tháng 9, khối ngoại đã bán ròng hơn 55 tỷ đồng và đà bán này vẫn chưa kết thúc. Việc khối ngoại bán ròng tạo sức ép đối với nhịp tăng trong ngắn hạn.

Giai đoạn tới, các quỹ ETF sẽ tiến hành "Review" danh mục dẫn đến tình trạng dòng tiền sẽ e dè hơn, mặt khác dòng tiền mới vẫn đứng ngoài thị trường và VN-Index tiệm cận vùng kháng cự sẽ khiến thị trường chung trở nên đi ngang trong ngắn hạn.

Các thông tin hỗ trợ từ kinh tế vĩ mô bắt đầu phản ánh đúng hơn vào giá của các ngành trụ cột như tài chính ngân hàng, bất động sản, thép. Điều này sẽ tiếp tục tác động tích cực lên đà tăng trưởng của các nhóm ngành cổ phiếu và thị trường chung trong dài hạn.

Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết vẫn là động lực chi phối đà tăng giá của thị trường. Đây cũng là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng, xây lắp.

Các thông tin chia cổ phiếu thưởng, tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt, công bố bán dự án thành công, kết quả kinh doanh quý III cũng sẽ là động lực để hỗ trợ đà tăng giá cổ phiếu trong những tháng cuối năm.

Trong ngắn hạn, thị trường chung có thể điều chỉnh giảm điểm hoặc bước qua xu hướng đi ngang tích lũy khi ở quanh ngưỡng kháng cự 800 điểm. Mặc dù thị trường tăng điểm nhưng tài khoản vẫn lỗ tạm thời, nhà đầu tư không nên mua đuổi các cổ phiếu vốn hóa lớn. Thay vào đó, tìm kiếm các cổ phiếu bị định giá thấp, tích lũy dài hạn như cổ phiếu ngành sản xuất hiện tại P/E đang giao động quanh 7.0 - 9.0 lần vẫn là chiến lược hiệu quả cho việc đầu tư lâu dài.

Một chiến lược khác là tham gia vào thị trường phái sinh để cân bằng danh mục, như bán hợp đồng tương lai ngắn hạn khi thị trường cơ sở giảm điểm và mua các hợp đồng tương lai dài hạn với kỳ vọng về sự tăng giá trong những tháng cuối năm 2017 và quý I/2018.

>>Bitcoin: Đấu trường may rủi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TTCK: Nhìn lại giai đoạn mua ròng mạnh nhất 7 năm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO