Khi đồng USD mạnh lên

GIA LÊ| 20/10/2017 03:20

USD là kênh đầu tư được ưa thích, nhất là trong những thời điểm rủi ro của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán cũng là một kênh đầu tư ngày càng phổ biến và được xem là báo trước các diễn biến của nền kinh tế. Vậy hai kênh đầu tư này ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào?

Khi đồng USD mạnh lên

Điều đầu tiên dễ nhận thấy là khi một tài sản đầu tư nào đó mạnh lên, trở nên hấp dẫn hơn thì sẽ thu hút dòng tiền và tác động lên các kênh đầu tư còn lại. Do đó, khi đồng USD mạnh lên thì dòng tiền có thể chuyển từ kênh chứng khoán sang lướt sóng hoặc thậm chí đầu tư dài hạn vào đồng USD, trong khi các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu liên tiếp tăng càng khiến việc chốt lời dễ xảy ra và khả năng bán tháo hàng loạt là có thể.

Đối với những nền kinh tế như Việt Nam, rủi ro kinh tế vẫn luôn được cảnh báo và có nhiều trải nghiệm về tình trạng mất giá tiền tệ, nên tâm lý muốn nắm giữ ngoại tệ để tránh mất giá tiền đồng vẫn tồn tại. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có hơn hai năm kiểm soát thị trường ngoại hối khá ổn định, nhưng nếu có bất kỳ yếu tố tiêu cực nào ảnh hưởng lên thị trường ngoại hối thì áp lực tỷ giá sẽ bị nhân lên bởi yếu tố tâm lý, và do đó càng khiến kênh đầu tư này thêm hấp dẫn và thu hút dòng tiền lớn.

Và như đã nói, khi đồng USD mạnh lên sẽ tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán, nhất là khi chỉ số VN-Index đang nằm vùng cao nhất trong 10 năm qua. Do đó, những bất ổn nếu như hỗ trợ cho đồng đô la Mỹ tăng giá thì ngược lại khiến thị trường chứng khoán chịu áp lực do tâm lý lo ngại của giới đầu tư.

Link bài viết

Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hiện có các khoản vay ngoại tệ khá lớn, do đó nếu đồng USD mạnh lên có thể phát sinh những khoản lỗ tỷ giá, ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận, và do đó cũng gây áp lực giảm giá lên cổ phiếu. Thực tế cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp lỗ nặng vì tỷ giá trong những năm qua, nhất là khi chưa có thói quen sử dụng các hợp đồng mua bán ngoại tệ kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Đồng USD mạnh lên tất yếu tiền đồng giảm giá, từ đó gây áp lực tăng lãi suất VND. Thị trường chứng khoán là một trong những kênh đầu tư rất nhạy cảm với vấn đề lãi suất và rõ ràng không ưa môi trường có lãi suất cao. Do đó, khi lãi suất bắt đầu tăng sẽ khiến áp lực bán tăng. Mặt bằng lãi suất tăng cũng khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng, kết quả kinh doanh chịu áp lực tăng trưởng chậm hoặc thậm chí sụt giảm, vì vậy cổ phiếu cũng trở nên kém hấp dẫn.

Đồng USD mạnh lên khiến hàng hóa nhập khẩu đắt hơn, chỉ số giá nhập khẩu tăng và góp phần đẩy lạm phát chung tăng. Nếu lạm phát tăng thì cũng gây áp lực tăng lãi suất VND, và như đã nói, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán nói chung và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng.

Các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không muốn tiền đồng bị giảm giá quá lớn so với USD, vì khiến các khoản đầu tư muốn chuyển sang đô la Mỹ có thể bị lỗ về mặt tỷ giá. Do đó, nếu nhận thấy đồng USD có xu hướng mạnh lên trở lại thì họ có thể sớm thoái bớt vốn và rút dần khỏi thị trường, do đó cũng không tốt cho thị trường chứng khoán.

Chỉ số USD Index hiện đang giao dịch quanh vùng 93, có dấu hiệu phục hồi trở lại trong những tuần gần đây sau khi chạm mức thấp nhất kể từ năm 2015 trở lại đây tại vùng quanh 91 điểm. Nếu Mỹ theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng hoặc rủi ro địa - chính trị tăng cao trở lại thì đồng USD có thể sớm phục hồi, khi đó các dòng vốn đầu tư có thể đảo chiều quay lại nước Mỹ và những nền kinh tế mới nổi sẽ đối diện với rất nhiều thách thức và khó khăn.

>>Zimbabwe: Bất ổn chính trị, giá Bitcoin tăng lên 13.500 USD

Trong 13 ngày đầu tháng 10 vừa qua, khối ngoại đã bán ròng 259 tỷ đồng trên sàn HoSE và gần 548 tỷ đồng trên sàn HNX. Quý IV hằng năm, các nhà đầu tư nước ngoài thường bán ròng trên thị trường chứng khoán, như quý IV/2016 mức bán ròng hơn 100 tỷ đồng trên sàn HNX và 2.590 tỷ đồng trên sàn HoSE. Việc bán ròng với giá trị lớn như thế tất yếu gây áp lực lên thị trường cổ phiếu và có thể đẩy các chỉ số giảm.

Quý IV là thời điểm khối ngoại thường tái cơ cấu danh mục đầu tư. Riêng năm nay, với việc các chỉ số đã tăng mạnh và hiện đang nằm tại vùng giá cao kỷ lục, việc chốt lời có thể diễn ra. So với đầu năm nay, chỉ số VN-Index đã tăng 23,6% và là thị trường tăng mạnh thứ 9 trên thế giới, trong đó nhiều mã cổ phiếu nằm tại vùng giá cao nhất trong lịch sử.

Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường cổ phiếu vào khoảng 19,2% và trên thị trường trái phiếu là 5,3%. Mặc dù khối ngoại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường chứng khoán nhưng những giao dịch của các nhà đầu tư này thường tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư trong nước, khi mà kinh nghiệm, chiến thuật và thông tin đầu tư của các quỹ nước ngoài vượt trội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi đồng USD mạnh lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO