Cùng với dự án xây dựng nút giao An Phú (TP Thủ Đức), Hội đồng Thẩm định TP.HCM cũng thông qua hồ sơ báo cáo tiền khả thi dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Cụ thể, Hội đồng đánh giá dự án đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo.
Theo phương án thiết kế, nút giao An Phú có 3 tầng, gồm hầm chui hai chiều nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông; trên cao sẽ xây hai cầu vượt.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 3.926 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương khoảng 1.800 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách TP. Thời gian thực hiện dự án từ nay đến năm 2025.
Nút giao An Phú (TP Thủ Đức) |
Theo Hội đồng Thẩm định Thành phố, việc đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú sẽ góp phần giải tỏa ách tắc giao thông tại đầu tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Việc xây dựng nút giao cũng giúp đồng bộ với dự án mở rộng tuyến cao tốc này lên 8 làn xe (giai đoạn 2) mà Bộ Giao thông vận tải đang triển khai. Đây là tuyến huyết mạch kết nối giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong tương lai gần, khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác, lưu lượng xe cộ trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ ngày càng gia tăng. Như vậy, khi hoàn thành nút giao này sẽ làm tăng kết nối với cao tốc, nâng cao hiệu quả khai thác sân bay Long Thành.
Nhiều tín hiệu khả quan
Tại buổi gặp gỡ báo chí nhằm thông tin về việc tháo gỡ hàng loạt dự án giao thông lớn trên địa bàn TP.HCM được Sở GTVT Thành phố tổ chức vào sáng 20/4, đại diện Sở GTVT cho biết đang xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến thi công các dự án trọng điểm, cấp bách theo danh mục công trình trọng điểm ngành GTVT.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết năm 2021 sẽ tập trung "gỡ khó" các dự án trọng điểm, tập trung triển khai các công trình quan trọng như các dự án cao tốc, đường vành đai và đường nối ở khu vực cửa ngõ Thành phố, đơn cử như nút giao An Phú (TP Thủ Đức), hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nút giao thông Mỹ Thủy, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cầu Thủ Thiêm 2, cầu vượt tại khu vực Bến xe Miền Đông mới.
Thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ |
Riêng về dự án nâng cấp "rốn ngập" đường Nguyễn Hữu Cảnh, theo Sở GTVT TP.HCM, các đơn vị thi công sẽ phấn đấu hoàn thành và đưa vào nghiệm thu sử dụng trước ngày 30/4 tới đây.
Đáng chú ý, hiện nay dự án cầu Cần Giờ đã được thông qua chủ trương đầu tư và lập dự án trong năm 2021 với tổng mức đầu tư của dự án đạt gần 10.000 tỷ đồng. Cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ được đầu tư theo hình thức PPP và đây là danh mục các dự án trọng điểm cần triển khai trong năm 2021, giai đoạn 2021-2025 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt từ đề xuất của Sở GTVT Thành phố.
Cần quyết tâm cao hơn nữa
Theo TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, từ trước đến này, có giai đoạn mà chúng ta từng duy trì quan điểm “liệu cơm gắp mắm” trong đầu tư cho hạ tầng, tức có bao nhiêu tiền thì làm bao nhiêu mà không tính tới nhu cầu chiến lược của giao thông.
"Không thấy hết được ý nghĩa chiến lược của cơ sở hạ tầng giao thông, cho nên làm manh mún, chắp vá, không có động lực, không có quyết tâm để huy động những nguồn lực lớn hơn cho giao thông", TS. Võ Kim Cương nói, "Chúng ta (TP.HCM - PV) cũng đã làm tốt, rất cố gắng rồi, nhưng mà cần cố gắng nhiều hơn hoặc phải có tầm nhìn mạnh mẽ, bao quát hơn từ lãnh đạo thì lúc đó mình mới có được quyết tâm thật cao để có nguồn lực cho giao thông".
TS. Võ Kim Cương nhận định rằng, gần đây, ngành giao thông TP.HCM dám đưa ra những nhu cầu thực sự về kinh phí cho giao thông thì điều đó sẽ tạo động lực để đạt các mục tiêu, nhưng vẫn bày tỏ quan điểm "có khi con số còn nhiều hơn nữa nếu như chúng ta thực sự muốn cải thiện trạng thái giao thông của thành phố".
Tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ vào các cảng biển, khu công nghiệp được đánh giá là trở ngại khiến kinh tế TP.HCM gặp khó trong thời gian qua. |
Nói về "hạ tầng giao thông" dẫn vào Cảng và Khu công nghiệp Hiệp Phú (huyện Nhà Bè), TS. Võ Kim Cương chia sẻ rằng, Hiệp Phước hiện nay là một vấn đề mà kể cả các nhà quy hoạch cũng còn phải xem xét, nghiên cứu tiếp bởi vì lâu nay người ta không phát triển vì thực tế là sông Xoài Rạp bồi lắng quá nhanh, mà nếu có nạo vét xong thì chi phí duy tu quá lớn, mỗi năm cần hàng trăm tỷ đồng.
"Tất cả điều này làm cho cảng Hiệp Phước trong thời gian qua phát triển chậm, khi cảng này phát triển chậm thì cũng ảnh hưởng đến động lực để phát triển hạ tầng nối kết", TS. Võ Kim Cương phân tích, "Sau nữa là cũng phải tính đến việc cạnh tranh với các cảng khác, ví dụ như Cát Lái gần nguồn hàng trên bộ hơn (so với Hiệp Phước), hay Cái Mép – Thị Vải với ưu thế tàu lớn đến nhanh, đường vào cảng cũng thuận lợi hơn".
Trong khi đó, kết vào Khu công nghiệp Hiệp Phước thì chỉ có trục đường Bắc - Nam, tức là tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ và Huỳnh Tấn Phát. Phân tích sâu hơn, cửa ngõ này vẫn chỉ được xem là cửa ngõ một phần bởi vì theo TS. Võ Kim Cương, sản xuất hàng hóa để vận tải đường biển mà trong nội thành TP.HCM thì không được, mà phải tập trung ở khu vực ngoại thành và cả các tỉnh thành khác như: Bình Dương, Tây Ninh và Đồng bằng Sông Cửu Long.
"Tất cả nguồn hàng đó vào cảng, chờ đường Bến Lức nối qua Nhơn Trạch sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên con đường này cũng đang ì ạch chưa xong", TS. Võ Kim Cương nhấn mạnh, "Mấy năm nay con đường bắt qua sông Lòng Tàu cũng đã có "ra hình" rồi nhưng cầu vẫn chưa xong, còn đường thì chỉ có từng đoạn".
Do đó, TS. Võ Kim Cương cho rằng, để hoàn thiện một cách dứt điểm những con đường, dự án như thế thì cần phải có sự tập trung, tránh tình trạng chỗ nào cũng rải vốn, hay nói cách khác là cần sử dụng vốn có hiệu quả tại từng địa phương và từng dự án.