Gia Lai - Kon Tum đồng bộ hạ tầng cao tốc, mở rộng không gian phát triển liên vùng
Gia Lai và Kon Tum đẩy mạnh công tác chuẩn bị hạ tầng giao thông trọng điểm, hướng đến mục tiêu hình thành mạng lưới cao tốc liên vùng, kết nối Tây Nguyên với duyên hải miền Trung. Việc đồng bộ hóa hạ tầng không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo nền tảng cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trong tương lai.
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Sở Xây dựng tỉnh đang tích cực phối hợp các sở, ngành và địa phương triển khai công tác chuẩn bị cho dự án cao tốc Kon Tum - Quảng Ngãi, với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 44.355 tỷ đồng.
Chính quyền tỉnh đã yêu cầu các huyện khẩn trương hoàn thiện quy hoạch và cấp quyền khai thác đối với các điểm mỏ vật liệu xây dựng, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ công tác thi công.
Hiện tại, quãng đường từ TP. Kon Tum đến TP. Quảng Ngãi khoảng 200km, chủ yếu di chuyển qua Quốc lộ 24 và Tỉnh lộ 676. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi, đường hẹp, nhiều đèo dốc nên thời gian di chuyển thường kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Việc đầu tư tuyến cao tốc mới được kỳ vọng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông, tăng hiệu quả vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Theo phương án được đề xuất, tuyến cao tốc dài 144km, dài hơn 8km so với quy hoạch ban đầu, do cần vượt qua các khu vực địa hình phức tạp như đèo Violắk và đèo Măng Đen.
Tuyến đường có điểm đầu tại Km0+000, kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), và điểm cuối giao với cao tốc Bắc - Nam phía Tây tại TP. Kon Tum.
Nguồn vốn xây dựng sẽ do ngân sách Trung ương đảm bảo cho các hạng mục xây lắp và chi phí liên quan, trong khi tỉnh chịu trách nhiệm bố trí kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 12/2026 và hoàn thành vào tháng 12/2029 theo kế hoạch của Bộ Xây dựng.
Tại tỉnh Gia Lai, công tác chuẩn bị cho tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang được triển khai đồng bộ, tập trung vào quy hoạch nguồn vật liệu và đảm bảo vốn đầu tư.
Ông Lưu Trung Nghĩa - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết: Sở đã tiến hành rà soát, cập nhật quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, gồm Mang Yang, Đak Đoa, Đak Pơ và An Khê.
UBND tỉnh Gia Lai đã phân bổ 1.800ha đất phục vụ khai thác vật liệu san lấp, đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khảo sát 60 mỏ đất đắp với tổng trữ lượng khoảng 4 triệu m³, cùng 38 mỏ đá xây dựng với trữ lượng khoảng 3 triệu m³. Đây là nguồn vật liệu quan trọng không chỉ phục vụ dự án cao tốc mà còn đáp ứng nhu cầu thi công các công trình trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, tỉnh đã làm việc với Ban Quản lý dự án 2 và thống nhất cơ bản các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến vật liệu khoáng sản phục vụ thi công.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, một dự án lớn được Chính phủ giao cho hai tỉnh Gia Lai và Bình Định phối hợp triển khai.
Nhằm đảm bảo nguồn vốn đối ứng, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 492/QĐ-HĐND, phê duyệt việc bố trí 500 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để tham gia đầu tư. Khoản vốn này sẽ được trích từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2024, tiết kiệm chi thường xuyên và vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.
Dự án được kỳ vọng sẽ kết nối hiệu quả khu vực Tây Nguyên với các cảng biển nước sâu của Bình Định, mở ra cơ hội lớn trong việc đưa hàng hóa và nông sản địa phương vươn ra thị trường quốc tế, từ đó tạo cú hích cho phát triển kinh tế vùng, tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư.