Đời thường

Nhân ngày 27/7: Kể chuyện “O du kích nhỏ giương cao súng” năm xưa

Nguyễn Văn Mỹ (*) 28/07/2024 14:56

Tôi vừa đưa các cựu cán bộ Đoàn phía Nam tham gia chương trình “Nghệ An – Hà Tĩnh, Hào kiêt, Nghĩa tình”. Đoàn nghỉ 2 đêm ở Hương Khê (Hà Tĩnh). Đến Hương Khê nhiều lần, lần này mới biết, O du kích nhỏ năm xưa quê xã Phú Phong, cách thị trấn Hương Khê hơn 2km. Nhân kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, tôi kể lại câu chuyện về o du kích năm xưa.

Thế hệ U60 trở lên, ai cũng được học bài thơ ngắn, súc tích, phác họa chân dung và khí phách tuổi trẻ Việt Nam “O du kích nhỏ giương cao súng. Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu. Ra thế! To gan hơn béo bụng. Anh hùng đâu cứ phải mày râu!” (Tố Hữu). Hình ảnh cô du kích dẫn giải tên lính Mỹ khẳng định ý chí và niềm tin tất thắng, là niềm tự hào dân tộc.

Dò hỏi, biết cô đã dời quê về thành phố Hà Tĩnh từ những năm 1970. Grabbike chạy lòng vòng vì cô không ở nhà cố định. Xin được số điện thoại, mới hay cô đang ở Vinh. Phải chờ mấy ngày sau, mới gặp cô ở nhà con gái tại thành phố Hà Tĩnh. Dù đã bước sang tuổi 78, mấy năm nay bị ung thư phổi hành hạ, cô vẫn lạc quan, minh mẫn, nhớ từng chi tiết nhỏ của cuộc đời gian nan và lý tưởng.

Người phụ nữ bình dị, kiên cường

Gia đình cô thuần nông, có 5 anh chị em, cô là con út, mồ côi cha từ trong bụng mẹ. Vất vả trăm bề, 10 tuổi mới vào lớp 1 và tối mặt phụ mẹ việc đồng áng. Chiến tranh ác liệt, Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại, cày nát Hương Khê nhưng người dân vẫn kiên cường sản xuất, đảm bảo thông đường, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Mặc mưa bom, bão đạn; rất nhiều gia đình ở Hương Khê sẵn sàng dỡ nhà, lấy cột kèo lót đường để giao thông nối mạch với miền Nam; không tiếc sức người, sức của. 17 tuổi, học hết lớp 7, cô bé Lai nhỏ thó cũng hăng hái tham gia lực lượng dân quân; đào hầm chống bom, đào giao thông hào chiến đấu, tập sử dụng vũ khí, trực chiến, giúp bộ đội ngụy trang…

hai-cuoc-hoi-ngo-chien-tranh-1965-va-hoa-binh-1995-1-.jpg

Sáng 20/9/1965, một trong nhiều máy bay Mỹ đang bắn phá cầu Lộc Yên bị trúng đạn bốc cháy, phi công nhảy dù xuống vùng rừng núi Hương Khê ẩn nấp. Ðể giải cứu phi công, Mỹ huy động 3 trực thăng tìm kiếm. Một trong số đó trúng đạn của dân quân, phi hành đoàn nhảy dù thoát thân.

Trên trời, máy bay Mỹ vần vũ nhả đạn tìm cách cứu đồng bọn. Dưới đất, bộ đội, du kích, dân quân càn quét khắp vùng, truy lùng giặc lái. Thông báo khẩn, máy bay Mỹ bị bắn rơi, dân quân các xã cùng du kích, bộ đội siết vòng vây từ đêm trước. Chỉ có cơm vắt với muối mè qua bữa. Nước uống, có sẵn dưới khe, mương.

Cứ cách nhau vài chục mét, từng người lùng sục, ngay trong chiều 20/9 bắt được phi công và xạ thủ, còn 2 người đang lẩn trốn. Tại khu rừng nay thuộc xã Hương Trà, tổ dân quân của cô Lai phát hiện có dấu hiệu lạ trong bui rậm, ngay hốc đá lớn, chưa biết người hay thú. Giật mình, Lai lấy lại bình tĩnh, bắn liền 3 phát súng trường CKC chỉ thiên, cảnh cáo.

Từ trong bụi rậm, viên lính Mỹ khổng lồ (so với cô Lai) bò ra, rúm ró, chấp tay sợ hãi, vái liên tục, ra hiệu xin đừng bắn và giơ tay hàng. Lập tức, nhiều người chạy đến hỗ trợ, khống chế và áp giải về Huyện đội. Hoàn thành nhiệm vụ, ai cũng vui vẻ trở lại cuộc sống thời chiến, chẳng nghĩ gì về công lao, thành tích. Cũng chẳng biết “giặc lái” tên gì. Tổ dân quận được Huyện Đội tặng giấy khen.

co-lai.jpg
O du kích nhỏ năm xưa nay đã tuổi về chiều

Mấy tháng sau, cô Lai được cử làm Xã Đội phó, học lớp y tá, chuyển sang làm việc ở các đội Điều trị thuộc quân khu 4 rồi xung phong vào chiến trường Quảng Trị. Chiến sự ngày càng ác liệt. Năm 1966, bức ảnh của nhà báo Phan Thoan (báo Hà Tĩnh) chụp cảnh cô Lai dẫn độ lính Mỹ được trưng bày tại triển lãm ảnh toàn quốc, gây xúc động mạnh đến người xem, là mạch cảm hứng để nhà thơ Tố Hữu viết ngay bài tứ tuyệt bất hủ.

Năm 1967, nhân máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc, bức ảnh lịch sử về O du kích nhỏ được đưa lên tem thư Việt Nam và gửi đi 167 nước, trong đó có nước Mỹ. Năm 1968, đang ở chiến trường, đồng đội cho cô xem bức ảnh tem thư. Xúc động, ngỡ ngàng. Không ngờ chuyện rất nhỏ của mình lại quan trọng như vậy. Cô thú thật là không biết nhà báo chụp lén mình lúc nào.

Tấm ảnh O du kích nhỏ còn hơn cả lời hiệu triệu, động viên tuổi trẻ Việt Nam, dồn sức cho tiền tuyến; đạt Huy chương Vàng cuộc thi ảnh “Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới” lần thứ 9 tại Bungary năm 1968. Người Cuba phóng lớn bức ảnh cao 8m x 5m, dựng ở trung tâm thủ đô Lahabana. Bức ảnh cũng được in trên cột thép ở quảng trường Berlin (Cộng hòa Dân chủ Đức)…

Truyền thông quốc tế săn lùng khắp nơi tìm chân dung O du kích nhỏ, vì cho rằng bức ảnh được dàn dựng để tuyên truyền. Chiến tranh kết thúc, sự tìm kiếm vẫn không ngừng nghỉ. Năm 1995, hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) phối hợp Xưởng phim Tài liệu và Khoa học TW sản xuất bộ phim “Kim Lai - Robinson và Phan Thoan”.

Năm 2007, tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, có mặt trong “Trăm năm kiệt tác nhiếp ảnh Việt Nam”.

Năm 1971, cô Lai xuất ngũ, về quê làm y tá ở bệnh viện quân y Thạch Hà. Duyên số đưa cô gặp thương binh Nguyễn Anh Đức đang điều trị. Hai người nên duyên, có với nhau 2 gái, 1 trai. Năm 1977, cô chuyển công tác về bệnh viện Đông y Hà Tĩnh cho đến khi nghỉ hưu. Ba con nhỏ, chồng ốm đau, không thể làm việc nặng; thương binh Nguyễn Thị Kim Lai vẫn một mình “vượt bão”, xem đó là việc bình thường, như nhiều phụ nữ Việt Nam thời chiến.

Dưới bóng mẹ, ba con ăn học nên người, lập thân rồi lập nghiệp ổn định. Chồng thương binh nặng, đau ốm liên miên nhưng gần cuối đời, mới làm được sổ. Về hưu, cô vẫn tất bật với nghề Đông y, giúp bà con làng xóm. Năm 2005, chồng mất. Những tháng năm làm việc kiệt sức và nỗi đau mất chồng, sức khỏe cô kém dần.

Mấy năm nay, bác sĩ phát hiện cô bị ung thư phổi do lao động quá mức, ăn uống thiếu thốn, chồng và con trai đều hút thuốc nhiều. Nhìn bề ngoài hoặc trò chuyện chốc lát, không ai nghĩ cô đang trọng bệnh. Nói chuyện lâu, mới gặp những cơn ho hành hạ, như muốn quật ngã người phụ nữ nhỏ bé, bình dị, kiên cường.

Cuộc hội ngộ của hai nhân vật trong tấm ảnh lịch sử

Đúng 30 năm ngày bức ảnh lịch sử ra đời, hai nhân vật trong bức ảnh bất ngờ hội ngộ vào tháng 9/1995. Ba thập niên bể dâu, O du kích nhỏ ngày nào, vẫn nghèo khó nhưng đã có một gia đình đầm ấm, đủ đầy; như kết cục thường thấy trong chuyện cổ tích Việt Nam. William Andrew Robinson, phi công phụ bị cô Lai và đồng đội bắt sống. Sau 2.703 ngày bị giam giữ, Robinson được trao trả vào tháng 12/1973.

Sáng hôm đó, cô Lai đang bồng cháu sang nhà hàng xóm chơi thì nghe tiếng gọi về vì có người nước ngoài tìm. Gặp lại nhau, cả hai sững sờ, xúc động. Hai con người từng ở hai chiến tuyến, gác lại quá khứ, cởi mở kể cho nhau nghe về cuộc sống, công việc, gia đình như bạn thân lâu ngày gặp lại. Robinson đi cùng vợ, cho biết rất muốn trở lại Việt Nam để tìm gặp cô Lai, nhưng vì quá nghèo nên không thể.

Khi hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) mời ông sang Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu, ông mới có cơ hội. Nhìn bức ảnh năm xưa treo trong nhà, Robinson nói với cô “Chúng ta cầu mong không có bức ảnh này lần thứ hai. Nếu hồi đó, một trong hai người chĩa súng bắn đối phương, tôi và bà sẽ không có ngày hôm nay”. Lúc bị bắt, Robin còn giữ 1 súng ngắn và 1 tiểu liên.

Gặp nhau lần đầu, O du kích nhỏ 17 tuổi, cao 1m48, nặng 37kg. Robinson 22 tuổi, cao 2m2, nặng 125kg. 30 năm sau, cả hai không cao thêm. Cô Lai nặng 45kg, Robinson sụt mất mấy ký. Đôi bạn rôm rả chuyện trò như tri âm, cùng về thăm lại hốc đá ngày xưa. Dấu cũ rêu phong, cây cỏ vô tình, xóa sạch vết tích.

Gặp lại sau 30 năm, cô Lai hạnh phúc với gia đình nhỏ. Robinson kém may mắn hơn. Về nước, sau gần 7 năm rưỡi giam giữ, ông bị strees, thất nghiệp khá lâu. Người vợ đầu mất khi hai người chưa kịp có con. Ông tái hôn người vợ hai, không có con chung, chỉ có con riêng của vợ. Dù Robinson không nói ra, cô Lai hiểu ông gặp quá nhiều gian truân trong việc hội nhập cuộc sống ở Mỹ, dù chiến tranh đã lùi xa 20 năm.

Lúc chia tay, cô Lai tặng vợ Robinson chiếc nón lá Hương Khê làm kỷ niệm.

Mong ước cuối đời

Năm sau, 2025, đúng 60 năm cuộc gặp lịch sử, bất ngờ và 30 năm cuộc hội ngộ lịch sử cố tình, thắm đẫm nhân văn. Từ sau cuộc gặp 1995, cô Lai không nhận được tin gì về Robinson. Không biết ông còn sống hay đã mất. Thời đại công nghệ, kết nối khắp thế giới nhưng hai người bạn lịch sử vẫn không thể liên lạc.

Cô Lai ước có tin về Robinson. Hai người có thể trao đổi qua zalo, whatsapp hay viber. Trong một trận không kích, máy bay Mỹ đã cướp mất hai đồng đội của cô là y tá Lê Thị Luyến, người Quảng Bình và nhân viên hậu cần Trần Thị Nam, người Hà Tĩnh. Dù đã nhiều lần cung cấp thông tin, nhưng cô vẫn chưa giúp gia đình liệt sĩ Trần Thị Nam tìm được phần mộ để quy tập về quê.

Hiện cô Lai vẫn mang trong mình những viên bi bom Mỹ. Lương hưu 4.400.000 đồng tháng, vừa đủ mua toa thuốc ung thư, truyền đạm và hộp sữa ensure. Khi còn khỏe, cô ở riêng. Nay bệnh tật, sống nhờ hai con gái. Con trai ở xa, không dư dả gì. Cô không nói ra, vẫn lạc quan trò chuyện nhưng tôi biết, cô đang cố “Vượt qua chính mình

(*) Lửa Việt Tours

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhân ngày 27/7: Kể chuyện “O du kích nhỏ giương cao súng” năm xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO