Quốc tế

Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu lại tái hiện

Khả Hân 27/07/2023 06:00

Giá lương thực toàn cầu đã tăng vọt trong những ngày gần đây, cộng thêm chuỗi cung ứng lại bị đứt gãy, đe dọa thế giới đứng trước một cuộc khủng hoảng lương thực mới.

Giá lương thực leo thang vì đâu?

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã tăng cao nhất trong 10 năm qua. Giá các loại ngũ cốc, lúa mì trên thị trường quốc tế cũng tăng mạnh, trước tác động từ rủi ro thời tiết và chuỗi cung ứng lại bị đứt gãy.

luong-thuc.png

Khu vực châu Á - nơi 90% lượng gạo trên thế giới được trồng và tiêu thụ - đang đối mặt với những tác động tiêu cực từ hiện tượng El Nino, khiến các vụ mùa nguy cơ thất thu vì thiếu nước.

Mọi việc càng trầm trọng hơn khi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, vốn được ký kết vào ngày 22/7/2022 cho phép thiết lập một hành lang nhân đạo đảm bảo an toàn cho các tàu vận chuyển lương thực từ Ukraine đi qua Biển Đen, đã hết hạn vào ngày 17/7/2023, nhưng phía Nga vẫn chưa đồng ý tiếp tục gia hạn thỏa thuận. Ngay sau sự kiện này, giá lúa mì, bắp (ngô) và đậu nành đều tăng vọt, với giá lúa mì tăng đến 3% chỉ trong một ngày 17/7/2023.

Nguyên nhân chính khiến Nga rút khỏi thỏa thuận, theo phía Moscow cho rằng những điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận ngũ cốc đã không được thực hiện, như việc cho phép xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, nối lại hoạt động cung ứng máy móc và phụ tùng máy móc nông nghiệp, dỡ bỏ các hạn chế với bảo hiểm và tái bảo hiểm, tiếp cận các cảng, nối lại đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa và ngừng phong tỏa tài sản cũng như tài khoản của các công ty Nga.

Còn theo Tổng thống Putin, mục tiêu chính của thỏa thuận là cung cấp ngũ cốc cho các nước có nhu cầu như châu Phi đã không được thực hiện. Ngược lại, hầu hết ngũ cốc của Ukraine được chuyển đến các quốc gia khá thịnh vượng của Liên minh châu Âu (EU), trái với thỏa thuận mà họ từng ký. Ông Putin cũng khẳng định Moscow sẵn sàng cung cấp miễn phí ngũ cốc cho các nước nghèo nhất trên thế giới, thay thế nguồn cung từ Kiev sau khi rút khỏi thỏa thuận.

Giới phân tích cũng cho rằng, các nước có thu nhập thấp ở châu Phi và Trung Đông có thể sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào lúa mì của Nga - quốc gia chiếm hơn 20% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Nhưng trong tương lai, nguy cơ Nga có dùng việc xuất khẩu lúa mì của họ để làm vũ khí hay không là chưa biết được. Trong chu kỳ thu hoạch vừa qua, Nga là nhà cung cấp lớn nhất thế giới, xuất khẩu khoảng 45 triệu tấn.

Nguy cơ khủng hoảng lương thực

Biển Đen đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khi có đến 90% số lương thực Ukraine bán ra nước ngoài được xuất qua đường biển này, trong đó châu Á là điểm đến của khoảng 1/4 lượng hàng. Các mặt hàng chủ yếu là ngô đến Trung Quốc cùng lúa mì, hạt hướng dương và đậu nành đến Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và nhiều quốc gia khác.

bieu-do.jpg

Từ khi ký kết, thỏa thuận Biển Đen đã đảm bảo việc xuất khẩu hơn 32 triệu tấn ngũ cốc đến 45 quốc gia thuộc 3 châu lục. Riêng chương trình lương thực thế giới theo thỏa thuận đã vận chuyển hơn 725.000 tấn lương thực để hỗ trợ hoạt động nhân đạo, giúp giảm nạn đói ở một số nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Afghanistan, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Yemen. Vì vậy, nếu thỏa thuận Biển Đen không gia hạn, nhiều quốc gia châu Á, châu Âu và cả châu Phi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Hiện có khoảng 770 triệu người, tức gần 10% dân số thế giới bị đói và hơn 3 tỷ người không có khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh. Người nghèo trên thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc nhất trước tình trạng mất an ninh lương thực.

Trước nguy cơ này, một số quốc gia đã bắt đầu hành động tích trữ để ứng phó, khiến cuộc khủng hoảng có thể càng trầm trọng hơn. Cụ thể, Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu hầu hết loại gạo nhằm giảm nguy cơ lạm phát do giá cả trong nước tăng cao, khiến giá gạo toàn cầu có thể tăng cao hơn. Nếu lệnh cấm này được thực hiện, khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng. Ấn Độ hiện cung cấp gạo cho hơn 100 quốc gia, trong đó Benin, Trung Quốc, Senegal, Bờ Biển Ngà và Togo là những khách hàng lớn nhất.

Các nước nhập khẩu gạo như Indonesia, Trung Quốc và Philippines cũng đang nhanh chóng tích trữ gạo trong năm nay. Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 18/7/2023 kêu gọi Bộ Nông nghiệp nước này cần đảm bảo kho dự trữ lương thực, đặc biệt là gạo để đối phó với tác động của hiện tượng El Nino. Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Syahrul Yasin Limpo cho biết, lệnh của Tổng thống phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đủ dự trữ gạo và các mặt hàng thiết yếu khác để đối phó với tình trạng khan hiếm có thể xảy ra.
Nigeria đang vật lộn với một loạt thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm xung đột giữa nông dân và người nuôi gia súc, tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ gia tăng côn trùng và sâu bệnh. Còn tại Thái Lan, dự báo lượng mưa sẽ giảm 5% trong năm nay và tình trạng này có thể kéo dài đến giữa năm 2024. Sản lượng gạo của nước này dự đoán sẽ từ 34,98 triệu tấn xuống chỉ còn 31,7 triệu tấn và hạn hán có thể tác động kéo dài đến sản xuất lúa gạo trong nửa cuối năm sau.

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam dự kiến sẽ giảm lần lượt là 12% và 7%. Số lượng người cần viện trợ lương thực khẩn cấp đã tăng từ 193 triệu lên 258 triệu người vào năm ngoái. Hơn 53 triệu người dân đã phải di dời trong nước tại 25 quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực; hơn 19 triệu người tại 55 quốc gia bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng lương thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu lại tái hiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO