Những "tay chơi" lớn
Trong vòng một tháng qua, giá "vàng đen" trở lại ngang mức tại thời điểm đầu tháng 4, giúp những nhà đầu tư bắt đáy thành công với khoản lãi kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn.
Việc giá dầu rớt về mức âm được giải thích bằng một lý do nghe qua có vẻ khá hài hước, đó là do kho dự trữ đã hết sức chứa, nên khi sắp đến ngày hết hạn giao dịch, nhiều nhà đầu tư vì không muốn nhận dầu nên đã chấp nhận bán tháo và trả tiền cho người mua. Dù vậy, nhiều người cho rằng mức giá âm chỉ là "cuộc chơi" của những nhà đầu tư phái sinh, thực tế rất ít người có thể mua được dầu tại mức giá âm như vậy.
Chính vì vậy, thị trường đã phục hồi ngay sau đó và duy trì xu hướng tăng suốt từ đó đến nay. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đầu năm, giá dầu vẫn giảm gần 40%, trở thành một trong những tài sản mất giá mạnh nhất vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trước các chính sách phong tỏa, giãn cách xã hội, ngành hàng không, vận tải ngưng trệ và đối mặt với khả năng phá sản ngày càng gần, dễ hiểu vì sao giá các nhiên liệu nói chung và giá dầu nói riêng lao dốc mạnh đến như vậy.
Trong khi nhu cầu sụt giảm đột ngột, nguồn cung dầu vẫn tràn ngập khiến thị trường mất cân bằng và đó cũng là lý do khiến dự trữ gia tăng mạnh và kho chứa không còn năng lực dự trữ. Về phần mình, Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga trong tháng 4 chẳng những không thể đạt được thỏa thuận cắt giảm lượng dầu khai thác mà còn tuyên chiến với nhau, đẩy giá dầu giảm sâu thêm.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Ả Rập Saudi là hành động có tính toán nhằm tiêu diệt ngành dầu đá phiến của Mỹ. Dĩ nhiên trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Ả Rập Saudi lẫn Nga cũng chịu tổn thất nặng nề do giá dầu sụp đổ, tuy nhiên về lâu dài, hai nước này có thể hưởng lợi lớn khi nhu cầu phục hồi trở lại, trong khi nguồn cung sẽ tiếp tục bị thao túng bởi hai gã khổng lồ này do đã loại được "tay chơi" dầu đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường.
Cuộc chiến dài hơi?
Thống kê hiện nay cho thấy, những quốc gia có mỏ dầu trên đất liền có chi phí khai thác thấp hơn nhiều so với các quốc gia phải khai thác dầu ngoài biển hoặc dầu đá phiến. Cụ thể, Kuwait là nước có chi phí khai thác chỉ quanh mức 8,5 USD/thùng, Ả Rập Saudi và Iraq quanh 10 USD/thùng, trong khi điểm hòa vốn của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến của Mỹ lên đến 36 USD/thùng, một số công ty thậm chí phải cần đến mức giá dầu từ 40-55 USD/thùng mới đạt được điểm hòa vốn.
Do đó, khi giá dầu còn duy trì mức thấp đủ lâu, một số công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ phá sản là tất yếu. Hồi đầu tháng 4, Công ty Dầu đá phiến Whiting Petroleum, có trụ sở ở bang Colorado, đã nộp đơn xin phá sản, trở thành công ty dầu đá phiến lớn đầu tiên ở Mỹ gục ngã trước cơn khủng hoảng thị trường dầu mỏ.
Đầu tháng 5, đến lượt gã khổng lồ Chesapeake Energy - một trong những công ty dẫn đầu trong cơn bùng nổ dầu đá phiến của Mỹ thập kỷ qua, đang chuẩn bị thủ tục nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Công ty này đang gánh khối nợ gần 9 tỷ USD và đang đối mặt với nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi hơn 1 tỷ USD trong năm nay.
Cuộc khủng hoảng giá dầu sẽ khiến nhiều công ty dầu đá phiến giảm sản lượng khai thác. Vào cuối tuần trước, dữ liệu từ Tập đoàn Dịch vụ Dầu khí Baker Hughes cho biết, số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm 34 giàn, xuống còn 258 giàn, cho thấy đà sụt giảm sắp tới của sản lượng dầu thô của Mỹ.
Chính vì vậy, việc Tổng thống Trump ra sức thuyết phục OPEC và Nga ký lại thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu là có thể hiểu được. Mới đây, Ả Rập Saudi và Nga đã đưa ra cam kết ổn địnhthị trường dầu mỏ vốn bị xáo trộn vì khủng hoảng nguồn cầu và cuộc chiến giá.
Gần đây, các thành viên OPEC+ đã đáp ứng hoặc vượt quá mục tiêu cắt giảm lượng dầu khai thác. Ả Rập Saudi sẽ cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2020, trong khi Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Kuwait sẽ cắt giảm nhiều hơn so với mức mục tiêu, sản lượng khai thác của Nga cũng gần đạt được mục tiêu.
Cuộc khủng hoảng giá dầu sẽ khiến nhiều công ty dầu đá phiến giảm sản lượng khai thác. Vào cuối tuần trước, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm 34 giàn, xuống còn 258 giàn, cho thấy đà sụt giảm sắp tới của sản lượng dầu thô của Mỹ.
Về phần mình, sản lượng khai thác của Mỹ liên tiếp sụt giảm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Mỹ sẽ có vai trò quan trọng trong việc làm sụt giảm 12 triệu thùng/ngày, đưa tổng nguồn cung dầu toàn cầu trong tháng 5/2020 xuống còn 88 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong 9 năm.
Với nguồn cung thắt chặt hơn, trong khi nhu cầu đang dần phục hồi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, giao thương và vận tải, hàng không quốc tế sắp được nối lại, giá dầu được kỳ vọng sẽ còn khởi sắc hơn khi mà đã có một số dự báo lạc quan cho rằng dầu mỏ có thể quay lại mốc 100 USD/thùng vào cuối năm nay. Dù vậy, dự báo cũng chỉ là dự báo, khi mà chưa ai biết chắc liệu virus SARS-CoV-2 có lan rộng trở lại và tiếp tục gây nên những thiệt hại khó lường hay không.