Thời chán album

QUÂN TRẦN| 24/05/2010 00:37

Album được đầu tư làng nhàng, chất lượng ca khúc thả nổi, tạo “sốc” bằng nhiều kiểu gây tai tiếng từ bìa đến clip... đã khiến thị trường băng, đĩa nhạc Việt từ đầu năm đến nay gần như rơi vào tình trạng đóng băng.

Thời chán album

Album được đầu tư làng nhàng, chất lượng ca khúc thả nổi, tạo “sốc” bằng nhiều kiểu gây tai tiếng từ bìa đến clip... đã khiến thị trường băng, đĩa nhạc Việt từ đầu năm đến nay gần như rơi vào tình trạng đóng băng. Nhiều người nói, đây là thời điểm đáng chán nhất của thị trường album nhạc Việt.

Quả thật, những ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Hồng Nhung, Quang Dũng, Mỹ Linh, Thanh Lam... đều không mặn mà với chuyện ra album. Nếu có hỏi đến, họ cũng chỉ ậm ờ “tôi đang thu âm, đang trong giai đoạn hoàn tất”...

Nhưng có đáng để trông chờ nghệ sĩ kỳ cựu cho ra băng đĩa không, khi mà thực ra album của họ cũng không mấy xuất sắc. CD Ngày mai trời lại sáng của ca sĩ Lam Trường được tung ra vào cuối năm 2009 và sau đó rơi vào quên lãng vì trong album cũng chỉ là những bản pop ballad quen thuộc.

Ca sĩ Mỹ Tâm trình làng Những giai điệu vượt thời gian, nhưng album chỉ được fan của cô thích chứ thật sự chẳng mấy ai quan tâm, vì những ca khúc vượt thời gian mà Mỹ Tâm thể hiện thật ra không qua nổi các nghệ sĩ đã thành danh với dòng nhạc này.

Ca sĩ Mỹ Lệ cũng tung album Tình, vẫn là giọng hát rực lửa, nội lực sâu nhưng để nghe trọn vẹn cả album thì... ít người có đủ kiên nhẫn và lượng người chuộng dòng nhạc của chị cũng không nhiều. Dường như, ngay cả những nghệ sĩ kỳ cựu cũng không đủ sức khiến khán giả phải săn lùng album của mình, vì vậy, các album cứ rơi vào tình trạng phát hành rồi biến mất.

Ngược lại, ca sĩ trẻ lại đổ xô ra album, từ album phát hành trên mạng đến album tung ra thị trường. Nhưng tất cả album đều thực hiện vội vàng, chất lượng ca khúc không đều, giá trị nghệ thuật thấp. Đó là còn chưa nói đến việc ca sĩ dùng đủ chiêu quảng bá khiến tác phẩm của họ càng trở nên phản cảm. Ca sĩ Phạm Nhật Huy ra mắt album Tội lỗi hồi tháng 3/2010, lập tức gây xôn xao dư luận vì clip đồng tính trong album.

Mảng tối của thị trường phát hành album khiến khán giả băn khoăn, nguyên nhân là do đâu? Quy trình thực hiện một album thường đi theo hai kiểu: hoặc ca sĩ tự thực hiện, họ bàn bạc với biên tập, đặt bài hát với nhạc sĩ rồi mời đạo diễn quay video clip; hoặc tìm một nhà sản xuất để dựa vào ý tưởng mới mẻ của họ mà thực hiện album.

Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhiều ca sĩ tự tìm ê-kíp thực hiện. Và đó thực sự là con dao hai lưỡi: mỗi người một hướng, ý tưởng của ca sĩ lại hạn chế càng khiến album thêm rối. Album Hãy yêu dù mất nhau ngày sau của ca sĩ Phạm Huy Du vừa tung ra vào tháng 4/2010 đã vướng tai tiếng liên tục khi ê-kíp mà anh chọn không thể quản lý nổi ca khúc, có hai trong số các ca khúc trong CD là "đạo" ca khúc nước ngoài.

Không chọn cách trên, nhiều ca sĩ tìm đến những nhà sản xuất còn khá trẻ, hoặc tiết kiệm hơn là nhà sản xuất thuộc hạng làng nhàng, chỉ biết chút ít về thị trường showbiz. Những album do họ thực hiện được đầu tư sơ sài, ý tưởng nghệ thuật rẻ tiền, khiến thị trường album càng trở nên rối loạn.

Thật khó để quy lỗi, vì quy trình sản xuất một album có sự tham gia của nhiều người. Điều quan trọng là mỗi ca sĩ phải hiểu được ý nghĩa của việc cho ra mắt một sản phẩm nghệ thuật. Và thay vì đầu tư lan man, chạy theo chuyện gây “sốc” để quảng bá cho sản phẩm, thì hãy tập trung đầu tư cho chất lượng giọng hát của mình. Có như vậy mới mong thị trường album thoát khỏi tình trạng ảm đạm như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thời chán album
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO