Trong một động thái bất thường, các thương hiệu hạng sang như Prada, Gucci hay Chanel đua nhau giảm giá tại châu Á.
Trong nhiều năm qua, các nhãn hàng sang trọng của Pháp, Ý và Mỹ đã ăn nên làm ra tại thị trường Trung Quốc khi giới trung lưu tại đây bùng nổ. Tuy nhiên, những ngày tươi đẹp đó đang dần tắt, kèm theo kết quả kinh doanh thất vọng trong thời gian gần đây. Ngày 30/3, Prada thông báo lợi nhuận năm 2014 đã giảm 28% so với năm trước (chỉ đạt 451 triệu euro).
Đây là lần đầu tiên mà Prada báo cáo giảm lợi nhuận hằng năm kể từ khi thương hiệu này niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông vào năm 2011. Châu Á - Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ đồ Prada lớn nhất thế giới, đóng góp tới gần 36% doanh số toàn tập đoàn.
Trong năm 2014, tỷ lệ này giảm 3,1%, mức giảm sút tại châu Âu là 4,9%. Riêng tại Trung Quốc, doanh số của Prada giảm 6,3%.
Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm khiến dân tình dè sẻn hơn với những món hàng xa xỉ. Chưa kể chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" chống tham nhũng khiến nhu cầu biếu xén giảm mạnh, tác động xấu tới các mặt hàng quà biếu cao cấp.
Nhãn hàng cao cấp của Pháp, Hermès, cho biết doanh số đồng hồ của họ giảm 11% phần lớn vì Trung Quốc, và công ty dự đoán tăng trưởng cho năm nay sẽ vẫn giữ mức thấp so với mức trung bình hiện nay. Prada, một tập đoàn thời trang của Ý, đã trở thành cái tên mới nhất gia nhập danh sách những thương hiệu sang trọng bị sụt giảm doanh thu tại thị trường Trung Quốc.
Đầu năm nay, LVMH cũng thông báo sụt giảm lợi nhuận lần đầu tiên trong 5 năm. Trong khi đó, thương hiệu từng có sự bùng nổ tại đại lục là Gucci cũng báo cáo doanh thu cả năm 2014 giảm 1,1% so với năm trước, là 3,5 tỷ euro.
Để giải quyết khó khăn trước mắt, Giám đốc Điều hành Prada tuyên bố tiến hành cải tổ quá trình thiết kế, bao gồm cắt giảm chi phí, hạn chế mở thêm cửa hàng.
Ở động thái tương tự, Chanel cũng giảm giá cả ngàn USD một số dòng túi xách tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Thương hiệu đồng hồ TAG Heuer của LVMH cũng giảm giá tại thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và một số thị trường khác.
Giải thích cho hành động chưa từng có này, các thương hiệu xa xỉ cho rằng họ phải tuyên chiến với nạn bán hàng trực tuyến của các nhà phân phối không được cấp phép, kéo theo đó là nạn hàng nhái, hàng giả.
Bởi vì, giá đồ hiệu ở Trung Quốc thường cao hơn 30-40% ở châu Âu, thậm chí có những sản phẩm chênh giá 50 - 80%. Tuy nhiên, một lý do không hãng nào thừa nhận là họ phải giảm giá để tăng doanh số trong một thị trường mà túi xách, đồng hồ, phụ kiện... đang đua nhau ế ẩm.
Đây là giải pháp tình thế để tiếp tục chờ đợi sự phục hồi sức mua của giới nhà giàu đại lục. Tới năm 2020, dự báo lượng tài sản của giới trung lưu Trung Quốc trị giá 100.000USD tới 2 triệu USD/người, đạt mức 53 ngàn tỷ USD, so với 27 ngàn tỷ USD ở Mỹ.
Khi đó, các món hàng của Prada, Gucci, Tiffany & Co và Hermes tiếp tục những tháng ngày thành công tại Trung Quốc. Rõ ràng, sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc được các thương hiệu sang trọng xem như là một vấn đề nhỏ phải chịu đựng.
>Thị trường hàng hiệu thế giới gặp khó
>Hàng hiệu phớt lờ suy thoái
>Châu Á khát hàng hiệu
>Hàng hiệu: Thật giả khó lường