Tranh Tô Ngọc Vân: Không mất, dù đã xa

KHẢI LY| 05/06/2014 07:32

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng vừa giới thiệu cuốn sách khảo cứu "Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954" do NXB Tri Thức ấn hành thì những người quan tâm tới hội họa một lần nữa ngậm ngùi vì một kho tàng mỹ thuật của danh họa Tô Ngọc Vân đã thật sự không còn ở Việt Nam.

Tranh Tô Ngọc Vân: Không mất, dù đã xa

Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng vừa giới thiệu cuốn sách khảo cứu "Tô Ngọc Vân - Tấm gương phản chiếu xã hội Việt Nam 1906-1954" do NXB Tri Thức ấn hành. Những người quan tâm tới hội họa một lần nữa ngậm ngùi vì một kho tàng mỹ thuật của danh họa Tô Ngọc Vân đã thật sự không còn ở Việt Nam.

Đọc E-paper

Phần lớn các tác phẩm của Tô Ngọc Vân được một nhà sưu tập Thái Lan mua, hệ thống lại và đưa về nước, sau đó có đưa trở lại triển lãm, giới thiệu tại Việt Nam một vài lần. Nhà sưu tập Thái Lan này còn đầu tư kinh phí để nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng hoàn tất công trình khảo cứu mỹ thuật về họa sĩ Tô Ngọc Vân, làm rõ cuộc đời, sự nghiệp và những giá trị văn hóa ẩn chứa trong tác phẩm của một danh họa Việt.

Đến nay thì công trình ấy ra mắt và để lại cho chúng ta niềm tiếc nuối về những giá trị quý giá của nền mỹ thuật Việt Nam đã lần lượt rời khỏi đất nước, làm cho các bảo tàng mỹ thuật trong nước không đủ điều kiện giới thiệu sự phát triển của mỹ thuật Việt thế kỷ XX, cũng như không có tác phẩm quý để lưu giữ.

Nhưng dù sao, phải cảm ơn nhà sưu tập Thái Lan đã rất chuyên nghiệp khi đồng thời mua tác phẩm, triển lãm và cuối cùng là đầu tư cho việc nghiên cứu ra sách giới thiệu giá trị tác giả - tác phẩm, một việc mà bao nhiêu năm các hội mỹ thuật, các nhà sưu tập, nghiên cứu chưa làm được cho họa sĩ Tô Ngọc Vân và nhiều danh họa Việt Nam khác.

Phải cảm ơn thêm lần nữa nhà sưu tập này khi ông đã cho phép in công trình khảo cứu này bằng tiếng Việt để những người trong nước quan tâm có cơ hội tiếp cận với các giá trị văn hóa này. Những việc nhà sưu tập Thái Lan làm vừa qua sẽ giúp cho giá trị tác phẩm và tên tuổi của họa sĩ Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến.

Mỹ thuật nhanh chóng hòa nhập vào quy luật thị trường. Trong nhiều thập niên, giá tranh của người Việt tăng lên, cùng với việc mua bán tranh bắt đầu chuyên nghiệp. Hiện nay, nhiều gallery tranh của người Việt cũng đã tham gia các hội chợ tranh uy tín như Base Art Hồng Kông.

Chúng ta phải chấp nhận việc các họa sĩ rất mong muốn bán được tranh với giá cao, được người nước ngoài mua lại càng tự hào vì tác phẩm của mình có thể hội nhập một bước ngắn ra châu Á. Đó chỉ là cố gắng đơn lẻ của từng họa sĩ, vì vậy, hội họa Việt Nam còn yếu ớt trên bản đồ văn hóa thế giới cũng một phần do các hoạt động mỹ thuật mang tính đơn lẻ và không chuyên nghiệp.

Nhiều họa sĩ hợp tác thẳng với các gallery nước ngoài và đứng chung trong dòng tranh Đông Nam Á. Ở trong nước, các triển lãm mỹ thuật mang tính chính danh nhưng rất hội hè quần chúng, không tạo được uy tín trong mắt các nhà sưu tập.

Muốn tạo ra những thành tựu cho mỹ thuật không thể chỉ dựa vào nỗ lực của các họa sĩ, mà còn cần đến một đội ngũ các nhà sưu tập chuyên nghiệp, các đại gia am hiểu văn hóa hỗ trợ để làm "bà đỡ” cho tác phẩm từ lúc ra khỏi xưởng đến khi có giá trị trên thị trường, có mặt trong các sàn đấu giá lớn và bước vào các công trình nghiên cứu. Mỹ thuật vẫn đang chờ các đại gia văn hóa Việt xuất hiện, như trường hợp nhà sưu tập Thái Lan kia đã làm!

Tranh của Tô Ngọc Vân đã ra nước ngoài, nói mất nhưng thật ra cũng không mất gì, vì tranh của ông đã được tôn thêm giá trị nhờ tính chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh Tô Ngọc Vân: Không mất, dù đã xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO