Cuộc thi ảnh "Tự hào hàng Việt 2015": Không chỉ là cái đẹp nghệ thuật

BÍCH TRÂM| 13/10/2015 04:38

Gần 2.500 ảnh dự thi với đề tài sự hiện diện của "hàng Việt" trong đời sống, có thể xem là một con số "trong mơ” của một cuộc thi ảnh.

Cuộc thi ảnh

Gần 2.500 ảnh dự thi trong một đề tài tưởng rất gần gũi nhưng lại rất khó để "bắt" được những khoảnh khắc mang tính nghệ thuật, đó là sự hiện diện của "hàng Việt" trong đời sống, có thể xem là một con số "trong mơ” của một cuộc thi ảnh.

Đọc E-paper

"Tự hào hàng Việt 2015" là cuộc thi ảnh lần thứ tư do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức. Một "cây đa cây đề” trong làng ảnh như nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Đồng Đức Thành - Phó chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cũng phải thừa nhận đây là một cuộc thi "khó”.

Ông phân tích: "Nhiều lần thi cho cùng một đề tài là một việc rất khó. Khó cho đầu vào của Ban tổ chức (BTC), khó cho tác giả thể hiện, và khó cho cả Hội đồng giám khảo (HĐGK) khi chấm thi. Bởi đề tài đã quen thuộc lắm rồi, và các tác giả cũng không phải chỉ đau đáu với cuộc thi này". Tuy nhiên, đã có gần 2.500 tác phẩm ảnh của 165 tác giả dự thi. NSNA Đồng Đức Thành cho rằng "đó là một con số trong mơ của các cuộc thi ảnh".

Hầu hết các tác phẩm dự thi đều bám sát tiêu chí của cuộc thi là ghi lại hình ảnh về sản xuất, kinh doanh, quảng bá, phân phối sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, từ sản xuất thủ công như nghề gốm sứ, mây tre, đến các dây chuyền công nghệ hiện đại sử dụng trong ngành dệt may, thực phẩm, từ hoạt động nông nghiệp như trồng mía, trồng hoa đến sản xuất công nghiệp như đóng ghe tàu, từ đặc sản của miền xuôi như cây trái miền Tây đến sản phẩm riêng có của vùng cao như vải thổ cẩm...

38 trong số gần 2.500 ảnh được chọn vào vòng chung khảo đã chứng tỏ tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc của HĐGK với "kim chỉ nam" là đảm bảo chất lượng và uy tín cho cuộc thi. Không chỉ xem xét các ảnh dự thi năm nay để tìm ra các tác phẩm nghệ thuật, phản ánh đúng thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước, các giám khảo còn xem lại những ảnh đã đoạt giải của những năm trước để tránh sự trùng lặp. 

Giải nhất - tác phẩm "Phủ sóng về bản làng vùng cao" - là sự phản ánh một vấn đề thời sự, đó là việc thực hiện nhiệm vụ kéo giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng miền bằng cách đưa công nghệ (sóng truyền hình, sóng điện thoại) đến các vùng sâu vùng xa. Tác giả Huỳnh Phạm Anh Dũng đã rất khéo léo bắt được khoảnh khắc hành động của nhân vật, đó là nụ cười thể hiện niềm vui khi được sử dụng các ứng dụng công nghệ cao vào đời sống thường nhật.    

"Nguyên liệu làm chiếu Long An" - tác phẩm đoạt giải nhì là một đề tài không mới nhưng cách thể hiện của tác giả Dương Hoàng Hạnh đã thuyết phục được các giám khảo. Khoảnh khắc sóng và ánh sáng trên cánh đồng cói đã tạo nên sự sinh động cho bức ảnh.

Tác phẩm đoạt giải ba "Muối Bạc Liêu" là sự quảng bá cho một thương hiệu xuất khẩu của Việt Nam. Tác giả Phan Thanh Cường đã ghi nhận được một quy trình sản xuất muối sạch Bạc Liêu.

Các giải khuyến khích cũng được lựa chọn một cách khoa học, với các đề tài được phân bố đều chứ không đơn thuần là cảm tính về cái đẹp.

Chia sẻ sau buổi chấm thi, NSNA Đồng Đức Thành - Chủ tịch HĐGK cho biết ông rất hài lòng về bộ ảnh đoạt giải. Nhưng ông cũng mong rằng trong cuộc thi năm sau, các tác giả sẽ tìm tòi và sáng tạo nhiều hơn ở đề tài công nghiệp để có được những tác phẩm phản ánh đúng xu hướng phát triển của Việt Nam là công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Cuộc thi cũng nhận được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp với những bộ ảnh ghi lại dây chuyền hoạt động của mình từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm đưa ra thị trường như một minh chứng cho việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đáng tiếc là chưa có bộ ảnh nào trong số này đáp ứng được tiêu chí nghệ thuật để có thể nhận được giải thưởng cao nhất của cuộc thi - giải đặc biệt với trị giá giải thưởng là 15 triệu đồng.

Phát biểu tại Lễ Công bố và Trao giải cuộc thi (tổ chức hôm 6/10/2015), Trưởng BTC cuộc thi - Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: "Điều đáng tiếc này trở thành nhiệm vụ mà chúng tôi tự đặt ra cho mình trong mùa giải sau, đó là tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền về sân chơi nghệ thuật này cũng như tạo mọi điều kiện có thể để doanh nghiệp tận dụng được lợi thế của kênh quảng bá này".

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Minh cũng chia sẻ kỳ vọng ở mùa giải sau: "BTC và các tác giả ảnh quan tâm nhiều hơn đến vấn đề hội nhập (nhất là trong bối cảnh đàm phán TPP vừa kết thúc thành công) và tạo nên những tác phẩm đề cập đến những ngành kinh tế mũi nhọn như cơ khí, dược, hóa mỹ phẩm, lương thực - thực phẩm..., để nâng tầm hàng Việt ra xa hơn nữa, ít nhất là đến với nhóm 12 quốc gia thành viên TPP".

Ông Trần Tấn Ngời - Phó chủ tịch UBMTTQVN TP.HCM, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP.HCM:

Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Bộ Chính trị phát động đến nay là năm thứ sáu, cuộc thi "Tự hào hàng Việt 2015" cũng đã lần thứ tư được tổ chức. Thông qua việc ghi lại những khoảnh khắc hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất trong nước, những tác phẩm này vừa mang tính nghệ thuật, đáp ứng được yêu cầu về mặt nhiếp ảnh vừa giúp tuyên truyền hàng Việt cho người tiêu dùng. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa và nên được phát huy.

Tác giả Huỳnh Phạm Anh Dũng (giải nhất "Phủ sóng về bản làng vùng cao"):

Tác phẩm "Phủ sóng về bản làng vùng cao" ra đời khi tôi tham gia một khóa học của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Khi đó, tôi và nhiều nhiếp ảnh gia khác được tạo điều kiện đến tỉnh Quảng Ngãi để chụp ảnh. Thật trùng hợp vì Quảng Ngãi cũng là quê hương của tôi. Trong lần trở về đó, tôi mong muốn có thể chụp được những bức ảnh thật mới mẻ. Và tôi đã tìm thấy điều đó ở huyện Ba Tơ - một vùng núi rất nghèo của tỉnh Quảng Ngãi. Tôi thấy được niềm vui của người dân nơi đây khi đã được sử dụng tivi, điện thoại. Đời sống của họ tuy vẫn còn nghèo nhưng đã phần nào tốt hơn, thoải mái hơn.

Tác giả Đặng Hồng Long (2 giải khuyến khích "Công đoạn cuối" và "Nuôi cá tầm ở Bình Thuận"):

Tôi đã tham gia cuộc thi ảnh "Tự hào hàng Việt" được 2 năm rồi và may mắn là đều có giải. Tôi nhận thấy cứ qua mỗi năm, chất lượng ảnh lại càng được nâng cao, hình ảnh ngày càng đẹp, chỉn chu hơn và sâu sát với chủ đề hơn. Công tác tổ chức rất chu đáo, tạo cơ hội cho các nhiếp ảnh gia ở khắp mọi miền đất nước có cơ hội giao lưu và học hỏi lẫn nhau.

>Đẩy mạnh kết nối hàng Việt

>Ưu tiên hàng Việt: từ Chính phủ đến nhà sản xuất

>Tự hào đưa hàng Việt lên tầm quốc tế

>2.418 tác phẩm dự thi ảnh "Tự hào hàng Việt 2015"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cuộc thi ảnh "Tự hào hàng Việt 2015": Không chỉ là cái đẹp nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO