Bay đi giấc mơ thần tượng

QUÝ YÊN| 15/06/2012 09:45

Câu chuyện thiếu hoàn hảo của ngành giải trí Việt Nam khiến những sân chơi tìm kiếm tài năng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu đến công chúng những gương mặt mới, còn tương lai của tài năng ra sao thì vẫn trong tình trạng “hạ hồi phân giải”.

Bay đi giấc mơ thần tượng

Câu chuyện thiếu hoàn hảo của ngành giải trí Việt Nam khiến những sân chơi tìm kiếm tài năng chỉ dừng lại ở việc giới thiệu đến công chúng những gương mặt mới, còn tương lai của tài năng ra sao thì vẫn trong tình trạng “hạ hồi phân giải”.

Đọc E-paper

Gần hai năm sau chiến thắng của Trần Nguyễn Uyên Linh trong mùa Idol 2010, hành trình tìm kiếm “Thần tượng Âm nhạc - Vietnam Idol 2012” đã quay trở lại với buổi công bố thông tin tuyển sinh chính thức hồi cuối tháng 5 vừa qua.

Trong sự kiện này, Ban tổ chức đã công bố Ban giám khảo chính thức, thể lệ dự thi chương trình, những thay đổi trong định dạng mới, gu thẩm mỹ về âm nhạc của chương trình... cũng như những định hướng trong năm 2012. Hàng ngàn bạn trẻ đã đến với sự kiện này để có thể biến giấc mơ trở thành thần tượng âm nhạc thành hiện thực.

Hai năm sau mới có sản phẩm


Không thể phủ nhận sức hút của những sân chơi âm nhạc trên sóng truyền hình ngày càng mạnh. Theo thống kê của Ban tổ chức chương trình Vietnam Idol, riêng năm vừa qua, toàn quốc đã có đến hơn 20.000 bạn trẻ đăng ký tham dự.

Không đạt đến con số này, nhưng những cuộc thi hát như: Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Sao Mai điểm hẹn, hay đang diễn ra thời điểm này là Ngôi nhà âm nhạc... luôn có đông thí sinh. Việc tuyển sinh ở những sân chơi này bao giờ cũng trong tình trạng quá tải.

Chẳng hạn, ở cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam, số tiết mục khoe giọng cũng lấn át về mặt số lượng. Chỉ cần có năng khiếu là một bước có thể được tiếp sức trở thành “sao” trên bầu trời âm nhạc, hấp lực này quyến rũ những người trẻ cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, số phận của những người được vinh danh tại các cuộc thi có tỷ lệ với mức độ thu hút người tham dự hay không thì lại là chuyện cần xem lại.

Tạo nên “hiện tượng” ở sân chơi Vietnam Idol 2010, “cơn sốt” Uyên Linh là tâm điểm chú ý của khán giả suốt một thời gian dài. Thế nhưng, mãi đến 2012, hai năm sau đăng quang, Uyên Linh mới có album, chính thức hoạt động trong làng âm nhạc Việt.

Album Giấc mơ của tôi của Uyên Linh được đánh giá cao, nhưng album này có được cũng là nhờ nhạc sĩ Quốc Trung, một thành viên trong Ban giám khảo cuộc thi, đầu tư sản xuất chứ không phải đơn vị đã phát hiện và giới thiệu tài năng này đến công chúng. Đơn vị tổ chức Vietnam Idol chỉ có vai trò hỗ trợ.

Tương tự, Phương Vy, Idol năm 2007, cũng phải nhờ đến nhạc sĩ Đức Trí và số phận của Trà My, top 5 Idol 2007, là do nhạc sĩ Hà Dũng định đoạt.

Rõ ràng, nếu không có những “ông bầu” này, việc những người trưởng thành từ các sân chơi âm nhạc có thể gắn bó với sân khấu âm nhạc thuận lợi hay không là tùy thuộc vào mắt xanh của nhà sản xuất.

Tự “bơi” là chính

Ca sĩ Trà My

Bốn năm sau khi tham gia sân chơi Idol 2007, Trà My mới phát hành được album thứ hai mang tên mình. Đây là album đánh dấu sự trở lại của cô ca sĩ gốc Hà Nội này sau gần hai năm vắng bóng trên sân khấu ca nhạc.

Thất bại trong việc hợp tác với công ty quản lý, Trà My chính thức trở thành ca sĩ tự do và bắt đầu tìm cho mình dòng nhạc phù hợp, hát ở các sự kiện và trong các bar, vũ trường... để tích lũy tài chính cho ngày phát hành album.

“Ra khỏi các cuộc thi âm nhạc, dù có đăng quang hay không, nếu muốn theo nghề thì phải tự lực cánh sinh”, Trà My chia sẻ. Đến với các cuộc thi, hầu hết thí sinh đều là người không chuyên.

Khi cuộc thi khép lại, tính chất không chuyên cũng chỉ được cải thiện ở mức độ quen biết thêm các nhân vật hoạt động trong ngành. “Nhân lực thiếu, thị trường chưa đủ lớn, bản thân ca sĩ cũng không dám gửi số phận mình vào tay các đơn vị quản lý không chuyên như hiện nay”, ca sĩ Trà My cho biết. Như vậy, chuyện tài năng quay về điểm xuất phát cũng là điều dễ hiểu.

Đứng ở phía đơn vị sản xuất, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc BHD, cho biết, ngành công nghiệp giải trí ở Việt Nam đang ở giai đoạn chưa hoàn thiện. Những đơn vị sản xuất chương trình chỉ dừng lại ở việc tạo nên sân chơi chứ chưa phát triển thêm các công ty quản lý tài năng. Đây chính là lý do thí sinh sau cuộc thi phải tự lo liệu số phận của mình.

So sánh với công nghiệp giải trí ở các nước, mà gần nhất là Hàn Quốc, rất dễ thấy, sau mỗi cuộc thi tài năng sẽ có hàng loạt công ty quản lý sẵn sàng hỗ trợ và đầu tư cho tài năng ấy phát triển. Họ vừa tận dụng được tài năng và tài năng cũng không bị mai một.

Sự cộng hưởng này giúp ngành giải trí ở Hàn Quốc trở thành một ngành công nghiệp thu lợi cao và có ảnh hưởng đến các quốc gia khác. Tìm kiếm được tài năng, rồi để tài năng ấy tự “bơi”, phải chăng các nhà sản xuất Việt Nam đang lãng phí tài nguyên của chính mình?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bay đi giấc mơ thần tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO