Khu vực nhà nước đang hưởng lợi lớn từ quỹ BHXH

08/11/2013 04:49

Ông Carlos Galian, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng hệ thống hưu trí hiện tại của Việt Nam đang có sự bất bình đẳng nghiêm trọng, mà ở đó khối quân nhân và công chức đang được hưởng lợi lớn từ quỹ này.

Khu vực nhà nước đang hưởng lợi lớn từ quỹ BHXH

Ông Carlos Galian, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, cho rằng hệ thống hưu trí hiện tại của Việt Nam đang có sự bất bình đẳng nghiêm trọng, mà ở đó khối quân nhân và công chức đang được hưởng lợi lớn từ quỹ này.

Ông Carlos Galian

Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 20% lực lượng lao động, đặc biệt là tỷ lệ trốn đóng BHXH ở khu vực tư nhân rất lớn.

Cuối năm 2014, theo dự kiến dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được thông qua. PV đã trao đổi với ông Carlos Galian qua email, về một số vấn đề đang được dư luận quan tâm.

*Trong hội thảo về sửa đổi Luật BHXH diễn ra gần đây, ILO đã đưa ra quan điểm khu vực nhà nước đang được hưởng lợi lớn từ quỹ BHXH do công thức tính lương hưu có sự khác biệt giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này?

- Sự bất bình đẳng là một vấn đề đáng lo ngại của hệ thống lương hưu. Các nhóm lao động khác nhau như khối quân nhân, công chức, viên chức, và khối lao đông tư nhân có tỷ lệ hưởng so với mức đóng góp thực tế là khác nhau.

Sự đối xử không công bằng này dẫn tới hai vấn đề: đó là sự đố kỵ về lương hưu và sự trốn đóng BHXH của nhóm đóng nhiều hơn hưởng mà ở đây là lao động ở khu vực tư nhân.

Hệ thống hưu trí hiện tại đang chưa thu hút được một bộ phận người lao động trong khối tư nhân. Đây có thể là lý do tại sao việc mở rộng tỷ lệ bao phủ đang chậm lại trong khối này. Trừ khi tất cả các nhóm đối tượng được đối xử công bằng, nếu không thì có thể việc trốn đóng bảo hiểm sẽ trở thành đặc trưng của hệ thống hưu trí Việt Nam.

ILO cho rằng hệ thống lương hưu cần công bằng, bình đẳng với mọi người lao động. Một cuộc cải tổ như vậy không chỉ tốt đối với hệ thống hiện tại mà còn giúp tăng độ bao phủ. Hiện nay, hệ thống hưu trí hầu như chỉ có thể tăng độ bao phủ ở khu vực tư nhân bởi phần lớn nhân viên nhà nước đã tham gia.

Lý do vì sao khu vực tư nhân không mặn mà với hệ thống hưu trí có lẽ là bởi lương hưu của họ ít hơn rất nhiều so với các nhóm khác. Bởi vậy, bằng cách thay đổi công thức tính lương hưu, đối xử công bằng với tất cả các nhóm (quân nhân, nhân viên nhà nước và lao động trong khư vực tư nhân), đó có thể là một cách mở rộng độ bao phủ tới khu vực tư nhân.

*Mặc dù có sự bất công trong cách tính lương hưu như vậy nhưng trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2014, lại không đề cập đến sự thay đổi trong cách tính lương hưu giữa các khu vực. Vậy với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực BHXH của ILO, ông có kiến nghị gì về vấn đề này?

- Dự thảo luật hiện tại có bao gồm một thay đổi nhỏ trong cách tính lương hưu và một số thay đổi khác trong tương lai đối với các viên chức nhà nước. Tuy nhiên, ILO cho rằng những thay đổi này chưa đủ để có thể giải quyết được vấn đề mất cân đối tài chính nghiêm trọng.

Hiểu rõ được nguyên nhân của sự mất cân đối quỹ rồi thì cần phải có cải cách cấp bách. ILO đã khuyến cáo Chính phủ cân nhắc phương án tăng dần tuổi nghỉ hưu của lao động nữ và nam lên 65 vào năm 2036, thay đổi công thức tính lương hưu, bỏ mức hưởng trần 75% và áp dụng cách tính mỗi năm đóng BHXH được hưởng là 1,5% hoặc nhiều nhất là 2%; điều chỉnh lại lương hưu cho người lao động ở cả khu vực công và tư phù hợp với mức tăng lương; áp dụng được hệ số giảm cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi phù hợp (5- 6%/năm); thiết lập được hệ thống hưu trí đa trụ cột, bao gồm hệ thống hưu trí bổ sung và sự gắn kết rõ rệt với trợ cấp xã hội cho người già.

Những cải cách này sẽ giúp cho hệ thống cải thiện về tài chính, hỗ trợ cho việc tính toán mức hưởng dễ dàng hơn và mang lại động lực làm việc cho những người tham gia bảo hiểm.

* Vừa qua, nhiều tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có ILO đã đưa ra dự báo quỹ BHXH sẽ cạn kiệt. Vậy nguyên nhân gì dẫn tới việc hệ thống này bị vỡ? Liệu có phải là do quỹ BHXH hoạt động và đầu tư không hiệu quả hay không?

- Dự báo tài chính quỹ lương hưu của ILO cho thấy Việt Nam không có nhiều thời gian để thay đổi hệ thống lương hưu. Theo các phân tích của chúng tôi, nếu như không cải cách kịp thời thì tới năm 2034, toàn bộ quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt.

Cần phải nói rõ thêm rằng kết quả này tương tự với một phân tích trước đây của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Phân tích của Bảo hiểm xã hội Việt Nam dự báo quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt vào năm 2037. Những dự báo này cho thấy chương trình lương hưu hiện tại cần được cải tổ càng sớm càng tốt.

Ngay cả khi Việt Nam vẫn chưa phải là một nước có dân số già, tốc độ già hóa dân số trong 2 thập kỷ qua nhanh một cách kinh ngạc. Năm 1990, tuổi thọ trung bình là 66; bây giờ đã là 75.

Quan trọng hơn, tuổi thọ trung bình cho nhóm người trên 60 tuổi – nghĩa là đối với những người đã sống đến 60 tuổi – là 81. Tuổi thọ này cao ngang với các nước phát triển hơn như Brazil, Thái Lan, và chỉ thấp hơn 3-4 năm so với các nước Tây Âu. Và khi tuổi thọ tăng, thời gian nhận lương hưu cũng tăng theo.

Hơn nữa, hệ thống lương hưu ở Việt Nam không chỉ đối mặt với những thách thức về cơ cấu dân số mà còn thừa hưởng những yếu kém về bản thân cấu trúc của nó.

Người nghỉ hưu nhận được phúc lợi từ quỹ hưu trí nhiều hơn những gì họ đã đóng góp. Công thức tính lương hưu hiện tại đưa lại một tỷ lệ hưởng cao quá mức trong mối tương quan giữa lương hưu với mức lương đóng bảo hiểm trung bình khi còn làm việc.

Theo các thông số phân tích của ILO, tỷ lệ hưởng của công chức, viên chức là hơn 100%, có nghĩa là họ hưởng nhiều hơn mức lương đóng BHXH thực tế của họ. Thông thường, hệ thống hưu trí chỉ cho phép một tỷ lệ hưởng trong khoảng từ 40 đến 60%. Trên thực tế, đây là tỷ lệ cao nhất các chuyên gia của ILO từng biết đến.

Mặc dù quỹ bảo hiểm xã hội chưa đạt được mức lãi đầu tư cao, nhưng cần phải nói rõ rằng kể cả việc cải thiện hiệu quả đầu tư của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng không thể giải quyết được vấn đề.

Theo tính toán của ILO, ngay cả khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể đạt được mức lãi đầu tư cao hơn 2- 3%, tuổi thọ của quỹ cũng chỉ tăng được 2- 3 năm. Vì vậy, rõ ràng là vấn đề không nằm ở lãi đầu tư, mà ở công thức tính lương hưu và tuổi nghỉ hưu.

Sự kết hợp giữa những lỗi cấu trúc của quỹ và quá trình già hóa dân số nhanh chóng đã đẩy hệ thống lương hưu của Việt Nam tới bờ vực, đòi hỏi các biện pháp cải tổ cấp bách.

* Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khu vực nhà nước đang hưởng lợi lớn từ quỹ BHXH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO