Vì sao doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam?

HỒNG NGA - THANH HUYỀN| 22/03/2017 01:38

Có đến 66,6% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Vì sao doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam?

Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, 44 năm qua, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản là lĩnh vực phát triển mạnh nhất. 

Đọc E-paper

Với lợi thế giá gia công rẻ, môi trường đầu tư thuận lợi cùng nền chính trị ổn định, Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư rất lớn từ Nhật Bản, và hiện Nhật Bản xếp thứ 2 trong số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Việc hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng tiến xa hơn và càng được củng cố khi các hoạt động chính trị - kinh tế cấp quốc gia liên tục diễn ra trong thời gian qua.

Vốn đầu tư từ Nhật Bản đứng thứ 2 (sau Hàn Quốc) và chiếm 10% tổng số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép tại Việt Nam. Nhật Bản hiện là một trong những quốc gia có số doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi công bố kết quả khảo sát về thực trạng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản năm 2016 tổ chức tại TP.HCM vào giữa tháng 2/2017, đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết, trong năm 2016, có gần 550 dự án với tổng vốn trên 2,1 tỷ USD của doanh nghiệp Nhật Bản được cấp phép đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, có 336 dự án đầu tư mới với số vốn được cấp phép 867 triệu USD và 213 dự án đầu tư mở rộng với số vốn được cấp phép trên 1,25 tỷ USD.

Theo ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện JETRO tại TP.HCM, có đến 66,6% số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Cụ thể, có đến 88% doanh nghiệp cho biết tiếp tục mở rộng hoạt động là do doanh thu tăng, 46% nhận thấy có tính tăng trưởng, tiềm năng cao, 23% cho rằng có nhiều mối quan hệ với các đối tác. Bên cạnh đó, có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sản xuất, kinh doanh có lãi.

>>Việt Nam - “đất lành” của nhà đầu tư Nhật

Môi trường đầu tư thuận lợi cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam. Cũng theo khảo sát của JETRO, Việt Nam có nhiều thuận lợi trong thu hút đầu tư, xếp thứ 4 (63,4%) trên 15 quốc gia về "tình hình chính trị, xã hội ổn định". Trong đó, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi đánh giá cao "quy mô thị trường, tính tăng trưởng" của Việt Nam và chi phí nhân công rẻ.

Hiện nay, ngoài các dự án lớn đã đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, các dự án nông nghiệp công nghệ cao cũng được các doanh nghiệp Nhật chú trọng, nhất là tại Lâm Đồng, như trang trại hoa của Công ty OTA Kaki, trang trại cà chua của Công ty Nikko Foods...

Tiếp tục xu hướng này, giữa tháng 2/2017, đoàn 14 doanh nghiệp Nhật Bản đã tham gia buổi kết nối với gần 80 doanh nghiệp Việt Nam do JETRO tổ chức.

Các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia tìm hiểu thị trường Việt Nam lần này quan tâm đến các đặc sản như tỏi đen, củ quả sấy khô, rau sạch, củ quả sạch... Với họ, nông nghiệp Việt Nam đang rất hấp dẫn. Thế giới đang chú ý đến việc Việt Nam như một mô hình tốt để trồng rau sạch và hoa chất lượng cao trong khu vực châu Á. Đó là lý do để nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bỏ vốn, chuyển giao công nghệ và ký kết hợp tác với nông dân địa phương ở nhiều tỉnh - thành.

Từ cuối năm 2011 đến nay, Aeon - nhà bán lẻ lớn nhất của Nhật Bản đã khai trương 4 trung tâm mua sắm và 54 siêu thị tại Việt Nam. Cùng với Aeon, một "tân binh" của Nhật là Takashimaya cũng đã có mặt tại TP.HCM. Mới đây, nhà đầu tư chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã rao tuyển nhân sự chuẩn bị cho sự ra mắt tại Việt Nam.

Không chỉ mở rộng lĩnh vực bán lẻ, các doanh nghiệp Nhật còn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Các thống kê cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trên thị trường bất động sản Việt Nam năm 2016.

Cụ thể, Toshin - công ty đứng sau Takashimaya đang có ý định tiếp tục đầu tư một dự án khoảng 100 triệu USD trong năm nay. Trong khi đó, Tập đoàn Mitsubishi cùng với Bitexco thành lập liên doanh để phát triển nhà ở với quy mô vốn khoảng 290 triệu USD ở Hà Nội.

Cũng trong xu hướng này, 2 nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippom Railroad cũng đã hợp tác cùng Công ty CP Đầu tư Nam Long phát triển dự án Kikyo Residence tại quận 9, TP.HCM (tổng vốn đầu tư cho dự án này là 630 tỷ đồng). Mới đây nhất, quỹ đầu tư Lemon Grass Master Fund tuyên bố rót thêm 100 triệu USD vào Sơn Kim Land, sau khi đầu tư 37 triệu USD vào năm 2013.

Nguồn vay ODA từ Chính phủ Nhật Bản là một trong những yếu tố góp phần làm tăng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào lĩnh vực bất động sản. Hiện đã có nhiều công trình của Nhật Bản đã đưa vào khai thác rất hiệu quả, điển hình là cầu Nhật Tân, đường nối cầu Nhật Tân với Sân bay Quốc tế Nội Bài, nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài.

>>Cửa hàng tiện lợi: Tham vọng của nhà đầu tư Nhật Bản

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vì sao doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư ở Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO