Thời sự

TP.HCM lắng nghe và giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp FDI

Hồng Nga 15/03/2024 07:47

Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài mong muốn TP.HCM tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả thu hút nguồn đầu tư…

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong cuộc gặp gỡ 16 DN nước ngoài và 27 DN tiêu biểu trên địa bàn TP.HCM năm 2024 chiều ngày 14/3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khẳng định chính quyền TP.HCM luôn đồng hành với các DN, trong đó có các DN FDI. Năm 2023 tình hình thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

mai-2.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tặng quà lưu niệm cho đại diện các doanh nghiệp FDI dự buổi gặp mặt

Trong bối cảnh đó, TP.HCM cũng đã kiên cường đối phó, vượt qua cơn gió ngược, thu hút đầu tư. Trong năm 2023, TP.HCM thu hút gần 6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng gần 50% so với năm 2022, chiếm 16% vốn của cả nước. Điều này khẳng định việc thực thi cam kết của TP.HCM với các nhà đầu tư, DN.

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, đóng góp của DN đầu tư nước ngoài rất quan trọng, không chỉ mang đến nguồn lực đầu tư, mà còn tạo cơ hội cho TP.HCM học tập kinh nghiệm quản lý, công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Dominik Meichle - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá cao nền kinh tế năng động và những nỗ lực của chính quyền Thành phố (TP) trong việc tạo ra một thể chế hòa nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh cho DN trong nước và quốc tế.

Hiệp hội đã phối hợp với TP trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết lập thị trường tín chỉ carbon, xây dựng khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 98 và khung chính sách toàn diện cho sự phát triển xanh của TP đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2050. Eurocham mong muốn tiếp tục hợp tác với thành phố trong các lĩnh vực phát triển xanh và bền vững.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng vượt bậc của số lượng DN Nhật Bản đầu tư vào TP.HCM, là kết quả của sự nỗ lực của chính quyền Thành phố trong việc đồng hành cùng sự phát triển của DN.

Tiêu biểu là sự kiện thường niên Hội nghị Bàn tròn giữa chính quyền Thành phố và DN Nhật Bản. Trải qua 22 lần tổ chức, đến nay “Hội nghị Bàn tròn” đã thảo luận và giải quyết 625 nội dung thuộc 4 lĩnh vực pháp luật - lao động, thuế, hải quan và môi trường đời sống.

Thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn cho DN

Chia sẻ về những vấn đề cần cải tiến, đại diện Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV) cho rằng, thủ tục hành chính vẫn còn nặng nề (so với Singapore) và có thể là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc xin các giấy phép cần thiết thường liên quan đến việc phải làm việc với nhiều cơ quan chính phủ có sự khác nhau về cách giải thích và áp dụng luật và thủ tục.

ong-mai.jpeg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Thành phố sẽ khẩn trương thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN FDI

Dù có dân số đông và trẻ nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao, đặc biệt trong các ngành đòi hỏi chuyên môn về kỹ thuật tiên tiến, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả của các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong nước.

Mạng lưới giao thông, cảng biển, nguồn điện vẫn còn tụt hậu so với một số nước trong khu vực, làm tăng chi phí hậu cần và đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư tham gia vào các ngành sản xuất và có định hướng xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Ramachandran A.S - Chủ tịch Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, trong năm 2024 này, có 4 vấn đề TP.HCM cần tập trung giải quyết. Cụ thể, phải củng cố hệ sinh thái sản xuất giá trị cao gồm các lĩnh vực như giáo dục đại học, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số giữa các ngành, logistcs, cơ sở hạ tầng, năng lượng và phát triển bền vững. Cùng với đó, phải đầu tư cơ sở hạ tầng, y tế và cải thiện môi trường với những chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư.

Ở góc độ khác, bà Đỗ Thị Hồng Duyên - Thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) cho rằng, nhiều chính sách cần rõ ràng hơn để dễ thực thi, như gần đây ưu đãi thuế giá trị gia tăng từ 10% còn 8%, nhưng DN rất khó thực hiện. Có 5 lĩnh vực thành phố cần cải thiện là môi trường đầu tư, chính sách, cải cách giáo dục; thúc đẩy nội địa hóa của chuỗi cung ứng; nâng cao tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng và kho vận; cải thiện hạ tầng giao thông; đơn giản hóa chính sách visa làm việc và kinh doanh.

"Bằng cách này, chúng ta tạo ra công bằng minh bạch và một quy trình phê duyệt đáng tin cậy, nhanh chóng, nhất quán cho các nhà đầu tư", bà Hồng Duyên chia sẻ.

Ghi nhận những góp ý của các DN, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, ngay sau buổi gặp gỡ này, Thành phố sẽ khẩn trương thành lập tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN FDI trên địa bàn.

Đây là đầu mối tổ chức tiếp nhận và giải quyết các khó khăn vướng mắc, giúp chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo điều phối hoạt động giữa các sở ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận huyện trong công tác giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh của DN.

Tổ công tác do chủ tịch UBND TP.HCM trực tiếp làm tổ trưởng, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) được giao là cơ quan thường trực. Tổ công tác còn có lãnh đạo 10 sở ngành, những sở thường xuyên có những vấn đề DN gặp phải cần giải quyết khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM lắng nghe và giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp FDI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO