Không dễ hợp tác với quỹ đầu tư ngoại

LÂM TUẤN MINH (*)| 19/08/2018 06:43

Làn sóng đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup hoặc các doanh nghiệp gia đình đang phát triển mạnh mẽ và được nhiều quỹ đầu tư chú ý, đặc biệt là quỹ đầu tư có nguồn vốn nước ngoài.

Không dễ hợp tác với quỹ đầu tư ngoại

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường bị giới hạn về khả năng tài chính, không có đội ngũ cố vấn chuyên sâu cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận những khoản đầu tư lớn.

Mặt khác, nhu cầu huy động vốn để tăng trưởng đột phá đôi lúc trở thành gánh nặng và áp lực đè lên các chủ sở hữu doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển, từ đó nhiều khi đưa doanh nghiệp vào "thế khó" trên bàn đàm phán. Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp không hiểu rõ các quy trình, điều khoản đầu tư cũng như rủi ro về mặt pháp lý nhưng vẫn đồng ý với các đề nghị đầu tư. Điều đó dễ dàng dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp trong tương lai.

Sự "chia tay" mới đây giữa Công ty CP Ba Huân với VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) được xem là lời nhắc nhở đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gia đình hoặc công ty cổ phần chưa niêm yết khi nhận vốn của các quỹ đầu tư lớn.

Link bài viết

Dưới góc độ pháp lý, theo tôi, các doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:

Thứ nhất là về quyền sở hữu và điều hành. Doanh nghiệp cần nắm chắc được tỷ lệ sở hữu trước và sau khi tiếp nhận vốn, trong đó phân định rõ tỷ lệ sở hữu. Việc hiểu rõ biến động cơ cấu sở hữu qua từng giai đoạn, từ khi nhà đầu tư bắt đầu giải ngân cho đến khi thoái vốn cũng rất cần thiết. Cuối cùng, cần xác định chính xác các vấn đề liên quan tới quyền tự quyết, quyền phủ quyết trong mối quan hệ với nhà đầu tư để từ đó đảm bảo kế hoạch kinh doanh được ổn định, hạn chế tình trạng bị thâu tóm và mất quyền kiểm soát.

Thứ hai là thẩm định nguồn vốn và phương án đầu tư. Cần hiểu rõ cách thức và tư cách của nhà đầu tư. Doanh nghiệp nên xác minh và ghi nhận nguồn gốc hợp pháp của nguồn vốn tiếp nhận, đảm bảo rằng nhà đầu tư được quyền đầu tư và giải ngân theo đúng thẩm quyền và quy định. Đặc biệt, với các phương án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục đối với cơ quan nhà nước là tương đối phức tạp.

Thứ ba là các vấn đề pháp lý dựa theo đặc thù doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần tự xác định đặc thù của mô hình kinh doanh, từ đó có phương án kiểm soát và phòng chống rủi ro pháp lý.

Chẳng hạn với doanh nghiệp về công nghệ, cần chú trọng đến quyền kiểm soát quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự kỹ thuật cấp cao, vấn đề bảo mật thông tin hoặc quyền sở hữu trí tuệ. Ngược lại, với doanh nghiệp sản xuất, quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, công nghệ là vấn đề cần kiểm soát.

Khi phát sinh tranh chấp hay mâu thuẫn, ngoài 2 hình thức giải quyết là qua tòa án và trọng tài thương mại, mâu thuẫn về đầu tư thường được xử lý bằng thỏa thuận qua đàm phán giữa đôi bên để tiết kiệm thời gian và chi phí cũng như bảo mật thông tin giao dịch. Một số cách xử lý không chính thống cũng thường được lựa chọn, như hòa giải trung gian, thông tin đến cơ quan có chức năng, hoặc đề nghị can thiệp nếu tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

(*) Tác giả là Giám đốc Điều hành LP Investment & Consulting

THANH NHÃ ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không dễ hợp tác với quỹ đầu tư ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO