Doanh nghiệp lại đứng trước nguy cơ trở về… vạch xuất phát

Hồng Nga - Ngọc Dương| 01/12/2020 05:36

Ngay trong ngày 1/12, Báo Doanh nhân Sài Gòn nhận được nhiều chia sẻ, lo lắng từ cộng đồng doanh nghiệp về các trường hợp bệnh nhân Covid-19 vừa công bố. Doanh nghiệp cho biết họ mới bắt đầu ổn định sản xuất, kinh doanh và hy vọng vào mùa làm ăn cuối năm thì nay, đứng trước nguy cơ trở lại vạch xuất phát khi đợt dịch thứ ba nhen nhóm bùng phát.

Doanh nghiệp lại đứng trước nguy cơ trở về… vạch xuất phát

Doanh nghiệp vừa sản xuất vừa hy vọng đợt dịch Covid-19 này sẽ sớm được khống chế.

Kích hoạt lại biện pháp phòng dịch

Ngay từ tối 30/11/2020, lãnh đạo Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã họp nhanh và tái thiết các biện pháp phòng dịch trước đây. Công ty cũng thông báo đến các nhân viên thị trường tạm thời không đến chăm sóc khách hàng ở những khu vực có người nghi nhiễm.

“Chúng tôi kích hoạt lại biện pháp sản xuất, kinh doanh như trong thời kỳ giãn cách. Toàn bộ nhân viên giao nhận đều được trang bị đồ bảo hộ, tổ chức họp trực tuyến toàn công ty… Chúng tôi chọn giải pháp phòng bệnh từ xa, không để có người bị lây nhiễm vì như vậy sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của công ty, đặc biệt là trong thời điểm quan trọng này", ông Trương Chí Thiện - Tổng  giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết.

Trong khi đó, theo đại diện Công ty CP Thế Giới Di Động, trong tối ngày 30/11, khi nhận được thông tin từ cơ quan chức năng có người nghi nhiễm Covid-19 ghé cửa hàng Bách hoá Xanh ở 172 đường số 8, phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, công ty đã thuê đơn vị phun khử khuẩn tại cửa hàng này. Cùng lúc đó, 4 nhân viên cửa hàng có tiếp xúc với bệnh nhân được đưa đi xét nghiệm (kết quả lần 1 đều âm tính) và cách ly tập trung, những nhân viên còn lại cách ly tại nhà để theo dõi. Trong hôm nay, công ty đã điều chuyển và thay mới toàn bộ nhân viên để phục vụ khách hàng tại cửa hàng này.

Cũng theo đại diện của Thế Giới Di Động, lâu nay, các chuỗi cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, Bách hoá Xanh luôn tuân thủ sát sao các biện pháp phòng chống dịch như khử khuẩn, dùng nước rửa tay cho nhân viên và khách mua hàng, đeo khẩu trang… Hiện tại, các biện pháp này tiếp tục được tăng cường để khách hàng yên tâm mua sắm, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm này. 

Tương tự, từ đầu năm đến nay, Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) luôn tuân thủ các quy tắc chống dịch. Tất cả nhân viên ra vào công ty, đều phải đo thân nhiệt và đeo khẩu trang, nhà máy cũng được sát trùng định kỳ. Ba ngày trước, lãnh đạo APT đã gửi cảnh báo cho nhân viên không được chủ quan với Covid-19. 

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food cho biết, công ty vẫn duy trì các biện pháp phòng dịch kể từ đợt dịch thứ nhất đến nay. Hơn 2.500 công nhân đang làm việc tại nhà máy hằng ngày đều tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng dịch như đo nhiệt độ thân nhiệt, rửa tay, mang khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn… trước khi vào làm việc.

“Người lao động trước khi vào ca đều qua 5 - 7 lớp kiểm tra. Vì thế, trước thông tin về ca lây nhiễm trong cộng đồng, lãnh đạo Sài Gòn Food đã nhắc nhở thêm nhân viên phải cảnh giác cao độ”, bà Thanh Lâm cho biết. 

san-xuat-8720-1606810751.jpg

Công ty Sài Gòn Food tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch từ đầu năm đến nay

Vừa sản xuất vừa hy vọng

Đó là tâm lý chung của các doanh nghiệp hiện nay. Ông Trương Chí Thiện cho biết, các kế hoạch sản xuất Tết phải thực hiện nhưng trong tâm thế “vừa làm vừa ngóng vì không thể biết dịch bệnh sẽ diễn biến như thế nào”. Hiện tại, công ty đang triển khai các kế hoạch hàng Tết và cũng đã có biện pháp ứng phó nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhưng,  phải “tuỳ cơ ứng biến” và chỉ mong dịch không bùng phát. 

“Tết tới nơi mà nếu phải áp dụng các biện pháp nhẹ nhẹ như giãn cách xã hội thôi là doanh nghiệp cũng đủ “chết” rồi. Chỉ mong sao Thành phố nhanh chóng dập được mầm mống này vì cuối năm là cơ hội lớn nhất để doanh nghiệp có thể có được doanh thu. Nếu phải trở lại như thời điểm giãn cách thì thật sự là quá khó cho doanh nghiệp. Vì trong 2 tuần giản cách trước đây, kênh bán hàng cho các doanh nghiệp làm bánh, cung cấp suất ăn công nghiệp vốn chiếm 50% sản lượng tiêu thụ của công ty tê liệt hoàn toàn”, ông Trương Chí Thiện cho biết.

Cũng như thế, ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty APT cho rằng, sức mua trong nước khá ảm đạm, giờ dịch bùng phát có thể khiến tình hình kinh doanh khó khăn hơn. Dịch bùng phát sẽ khiến các kênh nhà hàng, khách sạn, bếp ăn… (các đối tác của APT) bị ảnh hưởng nhiều và vì vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu công ty. Hơn nữa, năm nay thời tiết khô hạn khiến nguồn lợi thủy sản vào mùa nước nổi hầu như không còn, nguyên liệu khan hiếm khiến giá tăng cao hơn so với năm ngoái rất nhiều. Ước tính chi phí sản xuất năm nay tăng khoảng 5%.

“Tuy vậy, để đảm bảo nguồn hàng trong dịp Tết Nguyên đán, APT vẫn tăng sản lượng khoảng 10-15% so với dịp Tết năm ngoái. Chúng tôi cũng không dám đặt chỉ tiêu lợi nhuận mà chỉ xem phân lời của công ty năm nay chính là sức khoẻ và sự tín hiệm của khách hàng”, ông Trương Tiến Dũng chia sẻ.

Lo lắng là vậy nhưng doanh nghiệp cũng rất tin tưởng và hy vọng các biện pháp phòng chống dịch của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. “Dịch mới chỉ nhen nhóm nên tôi tin Chính phủ sẽ dập được như đã làm tốt trong hai đợt vừa qua”, bà Lê Thị Thanh Lâm tin tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp lại đứng trước nguy cơ trở về… vạch xuất phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO