Hàng hóa sẵn sàng
Chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm nay, dù nhận định là rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn chuẩn bị lượng hàng tăng so với năm trước. Trong đó, Công ty Bibica dự kiến đưa ra thị trường 3.000 tấn bánh kẹo, tăng 20% so với Tết 2020. Theo lãnh đạo Bibica, để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong dịp Tết Tân Sửu 2021, công ty có trên 80 chủng loại sản phẩm với các phân khúc khác nhau. Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) thì từ tháng 11/2020 đã tung hàng Tết là các loại nước giải khát (nước ngọt không gas, nước trái cây...) ra thị trường với số lượng tăng 5% so với Tết trước.
Ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT) cho biết, để đảm bảo nguồn hàng cho người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán, APT tung hàng vào ba tháng cuối năm nhiều hơn năm trước khoảng 10-15%. Hiện APT có hơn 100 mặt hàng tươi sống và chế biến, được phân phối qua các chuỗi siêu thị lớn như Co.opmart, Satra Food, Big C... và kênh Horeca (nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp).
Công ty Vissan cũng đã hoàn thành việc lên kế hoạch chuẩn bị cho thị trường Tết, trong đó có 2.300 tấn thịt tươi sống, 5.200 tấn thực phẩm tươi sống, tăng 10% so với năm trước. Công ty cũng lên phương án tăng cường hợp tác với các trang trại đồng thời tăng khả năng tự cung ứng để chủ động về giá bán phục vụ Tết. Theo đại diện của Vissan, chiến lược của công ty vẫn là tiếp cận thị trường bằng chất lượng và an toàn thực phẩm với quy trình liên kết khép kín đáp ứng tiêu chuẩn 3F (Feed - Farm - Food). Cùng với đó, công ty đưa ra nhiều sản phẩm mới, nổi bật trong số đó có món thịt heo ướp gia vị.
Công ty Vĩnh Thành Đạt đã làm việc với các trang trại liên kết, trang trại vệ tinh để chuẩn bị nguồn cung trứng gia cầm phục vụ Tết. Theo đó, bắt đầu từ tháng 12 (âm lịch), mỗi ngày sẽ có 1 triệu quả trứng gia cầm được đưa ra thị trường. Những ngày cận Tết, có thể tăng lên 1,5 triệu quả.
Ổn định giá bán
Trong điều kiện kinh doanh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cho biết sẽ không tăng giá bán dù giá nguyên liệu đầu vào đã tăng mạnh so với trước. Theo chia sẻ của đại diện Công ty Bibica, ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trên thế giới kéo dài, một số mặt hàng trong nước khan hiếm nguồn cung nên giá nguyên liệu (như bao bì giấy) tăng đáng kể. Bên cạnh đó, các loại hóa chất, phụ gia cũng tăng đến 7-28%. Dù vậy, công ty vẫn không tăng giá bất cứ sản phẩm nào.
Tương tự, các sản phẩm của APT, Bidrico, Vĩnh Thành Đạt vẫn bán với giá như hiện tại dù chi phí đầu vào tăng cao. Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng, trong điều kiện sức mua quá thấp mà tăng giá thì doanh nghiệp sẽ phải "ôm hàng" vì không kích thích được sức mua. Vì vậy, để chia sẻ với người tiêu dùng cũng đồng thời kích cầu mua sắm trong dịp cuối năm, doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận mới mong đạt được mục tiêu doanh thu đề ra.
Để có những sản phẩm chất lượng cao với giá bán tốt nhất đến người tiêu dùng, Công ty Bibica tập trung kiểm soát quy trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp để tiết giảm các chi phí không cần thiết. Trong khi đó, Công ty APT ngoài quản lý chặt quy trình sản xuất còn đẩy mạnh chống dịch, tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM. Theo ông Trương Tiến Dũng, giảm giá bán để kích cầu là gánh nặng mà doanh nghiệp phải xử lý thay người tiêu dùng. Doanh thu năm 2020 của công ty đạt khoảng 400 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái, trong đó ba tháng cuối năm đạt 50 tỷ đồng. Và dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không thể bằng năm 2019 và lãi gộp hiện chỉ ở mức 3-5%.
Chuẩn bị phương án phòng ngừa
Dù dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng giám đốc Bibica vẫn tin tưởng vào sức mua cuối năm. Ông Hoàng chia sẻ: "Mùa Trung thu vừa rồi dù đang trong cao điểm dịch nhưng sản lượng tiêu thụ của Bibica vẫn bằng 90% so với năm trước. Chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ không cho dịch lây lan mạnh nên tâm lý người dân ổn định nhanh chóng. Tôi tin lần này cũng thế. Hơn nữa, Tết là thời điểm rất có ý nghĩa của người dân Việt Nam nên sức tiêu thụ sẽ không quá ảm đạm".
Tính đến thời điểm hiện tại, Bibica đã đạt 40% kế hoạch cho ba tháng Tết. Lãnh đạo doanh nghiệp này tin rằng thị trường năm nay không quá xấu và trong trường hợp xấu nhất, sản lượng tiêu thụ cũng có thể bằng năm rồi. Dù vậy, công ty sẽ điều tiết sản xuất theo nhu cầu thị trường.
Theo ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty Tân Quang Minh, dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng người dân vẫn cần chăm lo cho gia đình trong những ngày Tết nên dự kiến, năm nay lượng hàng tiêu thụ của công ty sẽ tăng 5%, đạt khoảng 220 tỷ đồng doanh thu.
Tin vào sức mua dịp Tết nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, bên cạnh việc gia tăng sản xuất, các doanh nghiệp đã chuẩn bị những phương án dự phòng cho tình huống xấu nhất. Cụ thể, ngay từ tháng 8/2020, Công ty Vĩnh Thành Đạt đã xây dựng thêm kho và xưởng sơ chế gần nguồn nguyên liệu ở Bà Rịa - Vũng Tàu để phòng nếu dịch bùng phát có thể tổ chức sơ chế, đông lạnh kịp thời trứng gia cầm trong điều kiện vận chuyển khó khăn. "Xưởng sơ chế 1.000m2 đã được xây dựng để chúng tôi tổ chức làm trứng muối, trứng vịt bắc thảo, đông lạnh lòng đỏ trứng nếu việc vận chuyển gặp khó khăn và đầu ra bị tắc. Tuy nhiên, việc đông lạnh lòng đỏ mới chỉ được tính đến vì còn khó khăn khi tâm lý tiêu dùng của người Việt vẫn chưa quen với việc dùng trứng đông lạnh. Hơn nữa, để bảo quản trứng đông lạnh cần nhiều tiêu chuẩn nên bất quá chúng tôi mới dùng biện pháp này", ông Trương Chí Thiện chia sẻ.
Cũng lên phương án phòng ngừa cho trường hợp xấu nhất khi dịch bệnh bùng phát, Công ty Bidrico cho rà soát lại tất cả kênh bán hàng để cân đối lại từng mặt hàng và sản lượng sản xuất. Song song đó, công ty cũng thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ các đại lý như cho nhân viên phân tích cho họ hiểu mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và giúp họ nhập hàng với số lượng phù hợp với tình hình thực tế. Chính sách thu hồi sản phẩm không bán được trong mùa Tết hoặc đổi sản phẩm khác cũng lần đầu tiên được Bidrico triển khai trong dịp Tết này.