Góc chuyên gia

Cảng Sài Gòn phải trở thành cảng du lịch quốc tế

Nguyễn Thị Hậu (*) 27/08/2023 11:00

Những con sông chảy qua thành phố được xem là một lợi thế về cảnh quan tự nhiên, bên cạnh lợi thế về giao thông, môi trường và kinh tế. Quy hoạch bờ sông tốt sẽ góp phần nâng cao, làm đẹp hơn cho cảnh quan và tạo điều kiện cho mọi người hưởng thụ giá trị văn hóa ở đôi bờ là trách nhiệm của chính quyền.

home-slide-1.jpg

Như nhiều đô thị ở Nam bộ, Sài Gòn - TP.HCM trải qua hơn 300 năm đã định hình là một thành phố ven sông. Trước đây, sông Sài Gòn thường được biết qua khúc sông ở khu vực trung tâm thành phố với Bến Bạch Đằng tấp nập người xe, công xưởng Ba Son lâu đời, hệ thống thương cảng lớn nhất nước. Rồi từ cầu Mống vào Chợ Lớn là rạch Bến Nghé hai bên là nhà máy, bến cảng, phố chợ. Do đó, sông Sài Gòn - rạch Bến Nghé được xem là “mặt tiền” của đô thị Sài Gòn trước đây vì ở đó hiện diện khá đầy đủ những đặc trưng kinh tế, văn hóa của thành phố.

Những con sông chảy qua thành phố được xem là một lợi thế về cảnh quan tự nhiên, bên cạnh lợi thế về giao thông, môi trường và kinh tế. Quy hoạch bờ sông tốt sẽ góp phần nâng cao, làm đẹp hơn cho cảnh quan và tạo điều kiện cho mọi người hưởng thụ giá trị văn hóa ở đôi bờ là trách nhiệm của chính quyền.

Từ đầu năm 2022, TP.HCM đã hoàn thành việc chỉnh trang khu vực Bến Bạch Đằng, mang lại diện mạo hiện đại cho nơi này, đồng thời mở ra hướng chỉnh trang toàn bộ “mặt tiền” sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đoạn qua thành phố nhằm thay đổi cả hai bên bờ không chỉ ở đoạn trung tâm mà xa hơn, về phía Đồng Nai, Bình Dương, ra phía Nhà Bè, Cần Giờ.

Từ nhiều năm nay, do sự phát triển của thành phố và nhu cầu cải tạo môi trường nên nhiều cơ sở công nghiệp đã phải dời ra khỏi nội thành, trong đó có khu vực thương cảng Sài Gòn rộng lớn thuộc khu vực quận 4. Trong năm 2022-2023, TP.HCM đã có kế hoạch phát triển đôi bờ sông Sài Gòn vì lợi ích cộng đồng và mới đây là đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045, sẽ giúp khai thác hiệu quả 7 khu vực có tiềm năng dọc bờ sông từ ngã ba Mũi Đèn Đỏ, quận 7 đến Bến Củi, tỉnh Tây Ninh với quy mô 2.289ha.

du-thuyen-02-4372-1652979833(1).jpg

Tuy nhiên, dù phát triển đường sông hay đường bộ ven sông, nhưng nếu không còn “cảng thị” thì thành phố sẽ mất đi một đặc trưng văn hóa quan trọng, bởi tính chất “cảng thị” duy trì và phát triển sự năng động, đồng thời cũng mất đi tính chất “hướng biển” của sông Sài Gòn và thành phố từ khi khởi lập.

Vì vậy, khu vực cảng Sài Gòn ở quận 4 cần phải trở thành cảng du lịch quốc tế (bên cạnh cảng hàng không Tân Sơn Nhất). Cảng Sài Gòn với cơ sở hạ tầng sẵn có hoàn toàn phù hợp chuyển đổi công năng thành cảng du lịch để vừa đón tàu trọng tải lớn, vừa thuận tiện cho các đoàn du khách tham quan thành phố mà không gây sức ép lên giao thông nội đô, vừa có không gian rộng lớn kết hợp trên bờ và dưới sông để tổ chức những hoạt động văn hóa - nghệ thuật phục vụ du lịch, như chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện trong Lễ hội Sông nước lần thứ nhất của TP.HCM vừa tổ chức rất thành công vừa qua.

TP.HCM là trung tâm du lịch lớn nhất phía Nam, mang đặc trưng “thành phố sông nước” tiêu biểu cho cả vùng Nam bộ, vì vậy cần khai thác tính chất thông thương và thông thoáng của những dòng sông và kênh rạch, hình thành hệ thống buýt đường sông và các bến tàu kết hợp những trung tâm thương mại (theo mô hình truyền thống: bến và chợ). Đó là sự khôi phục “văn hóa sông nước”. Cùng với đó là xây dựng những khu du lịch ngoài trung tâm thành phố với hệ thống lưu trú, thương mại, dịch vụ thân thiện, thuận tiện cho du lịch đường thủy nên không phá hủy vùng lõi của di sản đô thị.

Ngoài việc cải tạo và xây dựng thêm hạ tầng cơ sở chuyển đổi chức năng cảng Sài Gòn thành cảng du lịch, quy hoạch quận 4 thành một trung tâm dịch vụ du lịch thì việc xây dựng thêm cầu qua sông Sài Gòn cũng phải phù hợp với sự vận hành và phát triển cảng du lịch. Những cây cầu này cần có độ tĩnh không và những yếu tố kỹ thuật khác thích hợp cho tàu lớn ra vào. Có như vậy thì sông Sài Gòn mới thực sự “thông thương, thông thoáng”, khúc sông Sài Gòn trong nội thành và Bến Bạch Đằng sẽ không bị biến thành “ao hồ” khi không còn tàu lớn từ biển ra vào. Đồng thời những chiếc cầu mới, hiện đại này sẽ trở thành “điểm nhấn” đẹp đẽ, độc đáo để chào đón du khách đến với TP.HCM.

(*) Tổng thư ký Hội Sử học TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cảng Sài Gòn phải trở thành cảng du lịch quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO