Du lịch

Tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 và tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn

P.V.T.H 19/08/2023 11:00

Các chuyên gia về quy hoạch, lịch sử, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng như đại diện một số sở, ban ngành của TP.HCM đã hội đàm để tìm ra phương án thiết kế tối ưu cho cây cầu trọng điểm ven sông Sài Gòn, trong hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn” do Báo Nhân Dân tổ chức vào chiều 18/8/2023 tại TP.HCM.

Phát triển kinh tế song hành cùng lịch sử - văn hóa

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, trong những năm qua, để mở rộng không gian phát triển đô thị, giải quyết sự quá tải về hạ tầng giao thông, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng vượt sông Sài Gòn.

do.jpg
Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn”

Cụ thể, năm 2008, TP.HCM khánh thành cầu Thủ Thiêm 1; năm 2009 khánh thành cầu Phú Mỹ; 2011 thông xe hầm Thủ Thiêm, năm 2022 khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son). Cùng với đó, cầu Thủ Thiêm 4 đang trong quá trình lập dự án, thiết kế, xúc tiến đầu tư... qua đó, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính của thành phố, nhất là khu vực phía Đông và phía Nam; mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là khai thác tối đa lợi thế của dòng sông Sài Gòn.

Theo ông Lê Quốc Minh, sau cầu Phú Mỹ (tĩnh không thông thuyền 45m) thì cầu Thủ Thiêm 4 là cây cầu cửa ngõ của khu vực cảng Sài Gòn. Do vậy, thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả TP.HCM.

Do vậy, ông Minh cho rằng, thiết kế tĩnh không cầu cao hay phương án cầu xoay, cầu mở sẽ giúp khu vực cảng Sài Gòn đón nhận được tàu biển cập bến, từ đó có thể quy hoạch lại cảng Sài Gòn thành cảng du lịch quốc tế để phát triển kinh tế ven sông. Ngược lại, thiết kế tĩnh không cầu thấp sẽ đánh mất đi tiềm năng phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch tại khu vực này.

Cũng tại hội thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng, khi xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nói riêng và các cây cầu bắc qua sông Sài Gòn nói chung cần phải cân nhắc toàn diện giá trị lịch sử - văn hóa của cảng Sài Gòn.

Theo TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, thành phố nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, TP.HCM chính là thành phố cảng xuất hiện sớm nhất của Việt Nam theo những tiêu chí phổ quát của thế giới. Ôn lại những giá trị lịch sử liên quan đến cảng Sài Gòn cũng như thành phố mang tên Bác, vị chuyên gia này khẳng định, nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu, thì sông Sài Gòn - “vốn đi sâu vào trong lòng thành phố” sẽ có khả năng bị đứt đoạn, qua đó “khai tử không gian cốt lõi” cũng như danh vị “thành phố cảng”.

“Bài học về cây cầu Ba Son và có thể còn liên quan những cây cầu với độ thông thủy rất thấp sẽ chặn đứng những con tàu đi sâu vào thành phố như biểu trưng sống động và đầy “nhớ nhung” về một thành phố cảng đang dễ bị phai mờ và có thể mất hẳn cho dù các cơ sở của công nghệ cảng và logistics có mạnh mẽ đến đâu…”, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.

PGS-TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu nhìn rộng và xa cho TP.HCM, các con sông như Sài Gòn, Đồng Nai là những con sông thuần Việt rất hiếm. “Những con sông này cần được chúng ta tìm mọi cách để bảo vệ, ngay từ thời điểm này”, PGS-TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia khẳng định, nếu tính toán phương án tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 hợp lý, trong đó đặt cảng Sài Gòn vào vị trí thích hợp, đây sẽ chính là “cánh cửa” mở ra tương lai cho TP.HCM.

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm - Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn thông tin, 95% du khách tới TP.HCM bằng đường thủy tiếp tục muốn đi sâu hơn vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện duy nhất khả thi vẫn chủ yếu là xe cơ giới. Do đó, ông Tâm nhận định, nếu hệ thống giao thông được kết nối tốt hơn sẽ tạo nên một lợi thế cực kỳ lớn về du lịch cho TP.HCM.

toanh-canh.jpg
Toàn cảnh hội thảo

“Sông Sài Gòn là một tài sản quý giá, không chỉ về kinh tế mà còn về cả lịch sử - văn hóa. Do đó, chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố nghiên cứu đưa ra phương án tĩnh không cầu Thủ Thiêm phù hợp để tiếp tục khai thác và duy trì một thương cảng đã có lịch sử rất lâu đời”, Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn bày tỏ.

Ông Nguyễn Hải Linh - Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) nêu quan điểm, nếu thực sự quyết tâm, TP.HCM có thể biến được không gian quanh khu vực sông Sài Gòn thành cảnh “trên bến, dưới thuyền” - nơi mà mỗi du khách sẽ đều phải tìm đến.

Ông Phan Xuân Anh - Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn khẳng định, TP.HCM đang có một lợi thế rất lớn để phát triển du lịch đường biển mà ít thành phố nào trên thế giới có được. Cảng Sài Gòn cũng là nơi kết nối với các tuyến du lịch nội khu Đông Nam Á.

“Sông Sài Gòn chính là nền văn minh Nam bộ. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải tính toán kỹ phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, bởi chỉ cần tĩnh không sai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải - du lịch trên sông. 90% du khách của tôi vào Vũng Tàu đều về TP.HCM. Tại sao chúng ta tự cắt nguồn lợi lớn như vậy? Xin giữ lại cảng Sài Gòn vì đây là nguồn lực nếu chúng ta biết khai thác đúng mức”, ông Xuân Anh bày tỏ.

Nên xem xét lại quy hoạch tổng thể

Cho rằng đằng sau câu chuyện tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 còn có một câu chuyện lớn hơn về tư duy quy hoạch để phát triển hài hòa trên nhiều khía cạnh khác nhau, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, các địa phương nói chung, TP.HCM nói riêng đang đứng trước một cơ hội rất lớn cần được tận dụng khi Luật Quy hoạch mới cho phép các tỉnh, thành phố được làm lại quy hoạch theo tư duy tích hợp.

“Nhìn trên hiện trạng của khu vực Thủ Thiêm, chúng ta có thể thấy quy hoạch hiện tại đang là sự ráp nối của các quy hoạch đã có trước đó. Tôi hy vọng, với việc TP.HCM đang làm lại quy hoạch, thành phố nên xem xét toàn diện dự án cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ về tĩnh không, thiết kế hay vị trí…”, ông Nam Sơn kiến nghị.

Ngoài ra, nhắc lại giá trị của di sản Bến Nhà Rồng, ông Nam Sơn cũng cho rằng, các cây cầu được xây dựng cần có sự liên kết giữa cái mới và cái cũ, đặc biệt với các công trình di sản.

“Chúng ta cần cân nhắc về tỷ lệ của cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4, tránh để Bến Nhà Rồng bị mất đi bản sắc và giá trị lịch sử. Tôi cho rằng, cây cầu Thủ Thiêm 4 có độ tĩnh không như thế nào, thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật ra sao thì TP.HCM phải tính toán cẩn trọng. Tôi mong muốn thiết kế hai cây cầu này sẽ nằm trong chương trình định hướng lại quy hoạch TP.HCM gắn với quy hoạch sông Sài Gòn trong tương lai”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn kỳ vọng.

phoi-canh-cau-thu-thiem-4.jpg
Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) đồng tình với ý kiến quy hoạch cầu tại khu vực Thủ Thiêm đã “quá cũ” khi đã có từ… 20 năm trước. Là người đi sau, ông Kỳ cho rằng, chúng ta có thể kiểm nghiệm được và tránh vấp phải những sai lầm về quy hoạch cũ.

Về khía cạnh du lịch, ông Kỳ cho rằng, cảng Sài Gòn còn tạo ra cơ hội để TP.HCM có thể đón du khách với số lượng cao gấp 10 lần số lượng khách của một tàu bay.

“Du lịch biển tiếp cận được vào trung tâm thành phố là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có được. Chúng ta không thể giải thích được lý do vì sao cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45m mà tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 lại dự kiến chỉ có 10m. Nâng tĩnh không cầu có thể tăng chi phí hiện tại nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu nhìn vào tương lai. Chúng tôi thực sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, thời gian gần đây, thành phố hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị ven sông. Thành phố đặt ra mục tiêu phát triển tương xứng với tiềm năng to lớn của sông Sài Gòn.

Nói về cầu Thủ Thiêm 4, ông Lâm cho rằng, quy hoạch của cây cầu này đã có từ lâu. Do đó, trong quá trình triển khai, Sở Giao thông Vận tải đã rất thận trọng; thường xuyên lắng nghe và tiếp thu các ý kiến liên quan; đồng thời nghiên cứu nhiều phương án, kịch bản thiết kế, trong đó có cả phương án làm hầm.

Người đứng đầu Sở Giao thông Vận tải TP.HCM khẳng định, qua hội thảo, cơ quan chức năng cũng đã sáng tỏ nhiều vấn đề. Sở Giao thông Vận tải, với trách nhiệm cơ quan chuyên môn sẽ báo cáo tiếp thu và báo cáo lại với lãnh đạo UBND TP.HCM; cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc tham mưu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở tầm nhìn dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 và tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO