Đằng sau 77 dự án mang thế chấp ngân hàng được công bố

THIÊN YẾT| 28/07/2016 03:32

Hệ thống dữ liệu cho thị trường bất động sản (BĐS) dù đã được đề cập bao nhiêu năm nhưng đến nay chỉ mới bắt đầu manh nha thực hiện.

Đằng sau 77 dự án mang thế chấp ngân hàng được công bố

Hệ thống dữ liệu cho thị trường bất động sản (BĐS) dù đã được đề cập bao nhiêu năm nhưng đến nay chỉ mới bắt đầu manh nha thực hiện. 

Đọc E-paper

Những tranh chấp về quyền sở hữu giữa cư dân và chủ đầu tư diễn ra trong suốt thời gian qua chứng tỏ mức độ nắm thông tin của người mua về hiện trạng của dự án quá ít.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã công bố danh sách 77 dự án nhà ở trên địa bàn thành phố được chủ đầu tư đem cầm cố ngân hàng. Đây là thông tin tích cực, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nạn "tiền mất tật mang" cho người mua do thiếu thông tin về dự án giao dịch. Nhưng, nhìn vào danh sách 77 dự án có thể thấy, đa phần những dự án này đã tiến hành giao dịch, thậm chí có dự án đã hoàn tất công đoạn này.

Trên thực tế, vấn đề công bố thông tin về dự án đã được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề cập tại một cuộc họp về tháo gỡ vướng mắc cho thị trường BĐS cách đây gần 3 năm ở TP.HCM, có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và thành phố.

Thời điểm đó, các cơ quan quản lý mà cụ thể là Bộ Xây dựng cũng đang nghiên cứu chính sách, kinh nghiệm liên quan đến thị trường BĐS của một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Úc... để tìm kiếm những nội dung phù hợp trong việc xây dựng dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi.

Tuy nhiên, việc "tầm sư học đạo" đó nghe có vẻ giống bài toán xử lý chất thải rắn ở các đô thị, công nghệ nước ngoài dù tiên tiến đến đâu cũng khó bề phù hợp với tình trạng rác hỗn hợp, chưa phân loại của nước ta.

>>77 dự án BĐS thế chấp ngân hàng: Cần thông tin rõ ràng hơn

Ở những quốc gia có thị trường BĐS đã phát triển như Mỹ, Singapore, Úc hay Hàn Quốc, hầu hết các giao dịch BĐS thường được thực hiện thông qua trung tâm, văn phòng môi giới BĐS độc lập, các luật sư..., họ là những người kiểm duyệt thông tin về BĐS đăng tải, tư vấn cho người mua về giá cả, pháp luật và quan trọng hơn nữa, các thanh toán trong giao dịch BĐS đều thông qua ngân hàng nên đảm bảo được tính minh bạch.

Chẳng hạn, ở Mỹ, tại các thành phố lớn đều có hội ngành nghề để giúp cho người môi giới BĐS hành nghề. Các tổ chức này cung cấp đầy đủ mọi thông tin chi tiết về tình trạng mua, bán BĐS trong khu vực (thông qua mạng internet). Khi những thông tin này được sử dụng thành công, những người môi giới (broker) phải chia một phần thù lao cho tổ chức đã cung cấp thông tin gốc. Còn ở Singapore, chỉ luật sư có chứng chỉ hành nghề mới được phép triển khai dịch vụ tư vấn chuyển nhượng BĐS.

Riêng ở Việt Nam, vai trò của đơn vị môi giới chưa được đặt nặng, hệ thống thông tin về thị trường BĐS khá sơ sài, hiện nay, theo như chia sẻ của Bộ Xây dựng, tại một số địa phương, người mua vẫn biết được tình trạng pháp lý của dự án BĐS bằng cách gửi văn bản đề nghị đến văn phòng đăng ký đất đai của địa phương. Nhưng thời điểm hồi âm cũng khó nói trước!

Do đó, nhiều chuyên gia cũng đã hiến kế, việc xây dựng hệ thống dữ liệu (điện tử) về các dự án trên địa bàn TP.HCM nói riêng hay cả nước nói chung, ngoài các cơ quan quản lý, sự tham gia hỗ trợ của các ngân hàng là điều cần thiết, vì phần lớn dự án BĐS ở Việt Nam đều sử dụng vốn vay để triển khai, hơn ai hết, ngân hàng là bộ lọc quan trọng nắm rõ tình trạng pháp lý, sức khỏe tài chính của chủ đầu tư.

Khi cơ sở dữ liệu đã hình thành, người mua sẽ tránh được thiệt hại trong giao dịch, còn cơ quan quản lý cũng giảm được thời gian thực hiện công tác... rà soát.

>>Chủ đầu tư thế chấp chung cư: Người mua nhà chịu thiệt?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đằng sau 77 dự án mang thế chấp ngân hàng được công bố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO