Bán hàng đa kênh và sử dụng tiền mặt chiếm ưu thế trong ngành bán lẻ

Minh Hào| 05/01/2023 07:00

Ngành bán lẻ có nhiều khởi sắc, xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng được nhân rộng nhưng thanh toán bằng tiền mặt vẫn được chọn nhiều nhất.

Bán hàng đa kênh và sử dụng tiền mặt chiếm ưu thế trong ngành bán lẻ

Theo Tổng cục Thống kê, ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm 2021, trong đó ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị nền kinh tế. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước và tăng 15% so với năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. 

Sự phục hồi của nền kinh tế đã thúc đẩy ngành bán lẻ tăng trưởng trở lại. Khảo sát 15.000 nhà bán hàng của nền tảng quản lý và bán hàng Sapo vừa công bố cho thấy, năm 2022 các doanh nghiệp đều có sự phục hồi về doanh thu. Cụ thể, có 37,72% doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30,7%). Số lượng nhà bán hàng tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%. 

Trong sự tăng trưởng ấy, xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh thể hiện rõ. Có đến 57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh: tại cửa hàng và một số kênh online. Tỷ lệ người kinh doanh chỉ bán offline tại cửa hàng chiếm 23,71% và người kinh doanh chỉ bán online chiếm 17,35%.

Nhà bán hàng đa kênh thể hiện ưu thế về doanh thu so với các nhà bán hàng chỉ bán trực tiếp tại cửa hàng hoặc chỉ bán online. Cụ thể, người bán hàng đa kênh ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu chiếm 68,01%, trong khi đó với người bán hàng online là 16,9% và người chỉ bán tại cửa hàng là 15,07%.

Năm 2022, thị trường cũng chứng kiến sự thay đổi của hình thức thanh toán. Tiền mặt quay trở lại ngôi vị số một trong nhóm phương thức thanh toán được người mua hàng sử dụng nhiều nhất và nhà bán hàng chấp nhận. Năm 2021, hình thức thanh toán không tiền mặt - chuyển khoản lần đầu tiên vượt qua tiền mặt và lên vị trí top 1. Tuy nhiên, năm 2022 chuyển khoản đã lùi xuống thứ hai. 

-5576-1672893441.jpg

Quét mã QR là hình thức thanh toán ưa thích thứ ba, sau tiền mặt và chuyển khoản

Sự bùng nổ của hình thức quét mã QR ngân hàng trong năm 2022 đã đưa phương thức này lên top 3 loại hình thanh toán được chấp nhận nhiều nhất, vượt qua ví điện tử. Chính xu hướng phát triển ngân hàng số - chuyển đổi số toàn diện trong ngành ngân hàng năm 2022 đã tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ. 

Tuy nhiên, chuyển khoản lại được các nhà bán hàng chấm điểm cao nhất về mức độ tiện lợi, dễ dàng sử dụng và đối soát (8,8/10 điểm). Xếp hạng tiếp theo là tiền mặt (8,5 điểm), ví điện tử (8,3 điểm), quét mã QR ngân hàng (8,2 điểm). Hình thức mua trước trả sau (Fundinn, Shopee Pay Later) mới được ra mắt và tích hợp trên sàn thương mại điện tử trong năm 2022 nên chưa được sử dụng nhiều. 

Theo các chuyên gia, năm 2023 ngành bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố rủi ro đối với kinh tế cả nước: sự bất ổn địa chính trị thế giới, dấu hiệu tăng mạnh của lãi suất ngân hàng, lạm phát gia tăng ảnh hưởng đến chi tiêu và sức mua của người dân… Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng trong năm 2023. Vì vậy, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động. Cụ thể, có 36,18% nhà bán hàng có kế hoạch mở rộng quy mô kinh doanh, 29,03% nhà bán hàng cho biết sẽ đa dạng hóa mặt hàng kinh doanh và chỉ 2,85% nhà bán hàng dự định duy trì và tối ưu chi phí.

Trong năm 2023, xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ vẫn là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến và bán hàng đa kênh vẫn là ưu thế. 

Người tiêu dùng Việt rất cởi mở trong lựa chọn, sẵn sàng thay đổi thương hiệu, thay đổi địa điểm khi mua hàng. Thương mại điện tử sẽ tiếp tục trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số. Người mua hàng của ngành bán lẻ sẽ trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số”, tiếp tục duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trong 12 tháng tới.

-9404-1672893441.jpg

Shoppertainment - mua sắm giải trí là xu hướng chủ đạo trong những năm tới

Xu hướng thứ hai là shoppertainment - mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Hình thức kinh doanh này đã khởi sinh từ đại dịch và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới. Lượng bán hàng liên quan tới các nền tảng giải trí, streaming và các sản phẩm liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung sẽ tăng mạnh. 

Xu hướng thứ ba là cải tiến vận hành, quản trị doanh nghiệp. Sau thời gian chống chọi với dịch bệnh, các nhà bán lẻ bước vào thời kỳ khôi phục và tăng trưởng doanh thu, chú trọng đến yếu tố duy trì và phát triển kinh doanh từ bên trong như nguồn lực nội tại từ nhân sự, vận hành cửa hàng và quản trị doanh nghiệp bán lẻ. 

Các chuyên gia cho rằng, ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý bán hàng sẽ giúp chủ cửa hàng ngành bán lẻ mở rộng kinh doanh và vận hành hiệu quả. Các nhà bán hàng có thể lựa chọn phần mềm quản lý và bán hàng không chỉ hỗ trợ vận hành cửa hàng offline truyền thống, mà thúc đẩy kênh bán hàng online và tăng trưởng đa kênh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán hàng đa kênh và sử dụng tiền mặt chiếm ưu thế trong ngành bán lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO