Ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể phát triển bền vững |
Đổi mới tư duy sản xuất
Xuất khẩu nông sản mang về hàng chục tỷ USD mỗi năm và trong 11 tháng năm nay đã cán mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021. Thế nhưng, nông nghiệp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), mỗi năm sản xuất nông nghiệp thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn khí thải CO2, chiếm trên 30% tổng lượng khí nhà kính toàn quốc. Trong đó, gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% từ hoạt động canh tác lúa nước.
Các chuyên gia cho rằng, không chỉ đơn thuần là sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sang kinh tế nông nghiệp và phát triển bền vững. Bởi theo số liệu của Bộ NN&PTNT, khoa học công nghệ hiện đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Khoa học công nghệ giúp nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến từng cho rằng, chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững sẽ tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững với đổi mới, sáng tạo về khoa học, công nghệ và thị trường.
Theo bà Dipanwita Chakraborty - Giám đốc phụ trách Trách nhiệm doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Cargill, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển nông nghiệp bền vững. Cụ thể, Việt Nam có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, nhờ đó có thể đưa các ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn có lợi thế về dân số trẻ, nắm bắt công nghệ nhanh và nhờ vậy dễ ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhanh chóng. Hiện Chính phủ Việt Nam đang số hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy ngành nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều lợi thế để tiếp tục phát triển và phát triển bền vững.
Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp tăng trưởng kỷ lục trong năm nay |
Vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam là làm thế nào để người nông dân tiếp tục gắn với sản suất và thu hút người trẻ. Muốn vậy, Chính phủ phải có chính sách giữ người, không để “thất thoát” lao động nông nghiệp đồng thời với việc xây dựng các chương trình, chính sách hấp dẫn để thu hút các bạn trẻ, bà Dipanwita Chakraborty gợi ý.
Hỗ trợ phát triển bền vững
Nhưng để tận dụng những lợi thế đang có, ngoài các chính sách của Chính phủ, sự nỗ lực của nông dân cần có sự chung tay của các doanh nghiệp. Trong một hội thảo mới đây, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng cho rằng, trong giai đoạn mới nếu muốn nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân, bắt buộc phải hợp tác.
Với nông dân, kinh tế hợp tác, tổ hợp tác, các câu lạc bộ… là mô hình tốt đã được khẳng định nên cần thúc đẩy phát triển hơn nữa. Bên cạnh đó, việc phát triển theo chuỗi liên kết không chỉ với ngành hàng chủ lực mà cả những ngành hàng nhỏ có lợi thế của địa phương để chuyển theo hướng từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển, thời gian qua, các doanh nghiệp đã cải tổ lại công ty, tổ chức nhiều chương trình dành cho nông dân. Trong đó, Công ty Yara Việt Nam chuyển đổi toàn diện mô hình hoạt động, sản xuất và cung cấp cho nhà nông các sản phẩm phân bón phù hợp tiêu chí nông nghiệp xanh. Công ty cũng ứng dụng công nghệ hiện đại (Yara CheckIt, Yara Connect, YaraBodega...) cung cấp thông tin, kiến thức cho nhà nông, giúp nông dân tương tác, kết nối…
Theo bà Trần Ngọc Thanh Trúc - Tổng giám đốc Công ty Yara Việt Nam, sự chuyển đổi của công ty không chỉ mang đến những giá trị thiết thực cho các đối tác trong chuỗi cung ứng, mà còn đồng hành cùng nông dân trong canh tác hiệu quả, góp phần tạo ra giá trị bền vững cho môi trường.
Để phát triển bền vững, các nông dân rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, Công ty Cargill Việt Nam ngoài việc cung cấp thức ăn chăn nuôi còn kết hợp với các tổ chức xã hội thực hiện nhiều dự án hỗ trợ người nông dân. Mới đây, Cargill Việt Nam đã phối hợp với tổ chức CARE tạo sinh kế cho nông hộ, đặc biệt là phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Chương trình giúp nông dân thay đổi phương thức làm nông nghiệp thông qua việc bảo vệ nguồn đất, nước, vay vốn để chăn nuôi hiệu quả hơn. Những người thực hiện tin rằng, khi trao cho người nông dân kiến thức và chỉ cho họ cách làm sẽ giúp họ mang lại hiệu quả tốt hơn cho môi trường, đồng thời nâng cao đời sống của họ,
Bà Dipanwita Chakraborty cho biết, Cargill cam kết đào tạo 10 triệu người nông dân trong thời gian từ nay đến năm 2030 và Việt Nam là thị trường trọng điểm của Cargill tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công ty đang mở rộng quy mô các chương trình đào tạo, đưa nhiều bài huấn luyện trên nền tảng trực tuyến bằng tiếng Việt để người nông dân có thể tiếp cận thông tin dễ dàng.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định 8 định hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới. Cụ thể là hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường; tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, bảo đảm phát triển bền vững; thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Song song đó, phải xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; phát triển bao trùm, bảo đảm công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; xây dựng cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu. Hiện Bộ NN&PTNT đang xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. |