Xây dựng thương hiệu: CMO phải bắt đầu tại “sân nhà”
Vai trò của giám đốc marketing (CMO) thường hướng ra ngoài, do đây là vị trí tiếp thị, quảng cáo, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp (DN) và tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, công việc đầu tiên CMO phải “chinh phục” là “sân nhà”, bằng cách xây dựng thương hiệu nội bộ mạnh…
Lợi ích của thương hiệu nội bộ mạnh
Theo bà Lauren Maynard - Giám đốc Tăng trưởng Công ty Tư vấn quản lý FutureBrand, nhiệm vụ của CMO hay cấp quản lý giữ vai trò tương tự là phải đưa ra được “lời kêu gọi chung” cho toàn bộ tổ chức. Theo Maynard, các DN thành công đều được xây dựng dựa trên sự gắn kết nhân viên, CMO cần thấu hiểu điều ấy cũng như phải thấu hiểu kỳ vọng ngày một tăng của người tiêu dùng để điều chỉnh công việc.
Phần lớn thành công của những DN lớn với thương hiệu và sản phẩm sáng tạo, như Google, Lego, Netflix, Nike… đều đến từ việc sở hữu lực lượng lao động nhiệt huyết với công việc. Điều này có được nhờ quá trình xây dựng thương hiệu nội bộ mạnh mẽ. Điểm chung của các DN ấy là sở hữu tầm nhìn xa và sứ mệnh rõ ràng, thường được tóm tắt bằng khẩu hiệu hay phương châm nổi bật.
Ví dụ, khẩu hiệu của Netflix là “Hãy xem những gì bạn muốn khi bạn muốn” thể hiện cam kết về tính linh hoạt và sự lựa chọn. Về phía nhân viên, điều này gắn với chính sách làm việc và nghỉ phép linh hoạt. Còn Nike lại rất chăm chút ngôn từ sử dụng để nhân viên hướng tới mục tiêu chung.
Trong bối cảnh mức độ hạnh phúc của người lao động toàn cầu giảm đều từ 2020 đến nay - theo khảo sát của BambooHR, việc xây dựng thương hiệu nội bộ mạnh mẽ là tối cần thiết.
Chìa khóa cho một thương hiệu nội bộ mạnh là đảm bảo nhân viên cảm thấy họ được lắng nghe. Do đó, CMO nên hợp tác chặt chẽ với trưởng bộ phận nhân sự để tìm hiểu và giải quyết mọi thiếu sót, dù đó là vấn đề liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà DN đang cung cấp hay hoạt động hằng ngày của tổ chức.
Báo cáo “Tình trạng nơi làm việc toàn cầu” mới nhất của Gallup cho thấy tình trạng tương tự, khi chỉ 10% nhân viên công sở ở Vương quốc Anh thấy hứng thú tại chỗ làm. Trên khắp châu Âu, năm 2023, 72% lực lượng lao động nghỉ việc trong âm thầm, 15% «lớn tiếng» nghỉ việc và 56% thấy đây là thời điểm tốt để tìm việc mới.
Giống như phải “tề gia” trước khi có thể “trị quốc”, DN muốn tiếp cận và “chinh phục tấm lòng khách hàng” trước tiên phải chinh phục tấm lòng nhân viên. Không chỉ thúc đẩy sự gắn kết giữa nhân viên với nhau và với tổ chức, một thương hiệu mạnh từ bên trong sẽ biến nhân sự trở thành những đại sứ hiệu quả cho bên ngoài. Hơn nữa, cảm hứng từ sứ mệnh lẫn tầm nhìn của DN sẽ được người lao động tiếp tục mang theo cả khi họ rời tổ chức, góp phần tạo ra cơ hội tốt cho việc tuyển dụng sau này. Do đó, việc xây dựng thương hiệu nội bộ mạnh nên được CMO ưu tiên quan tâm. Dưới đây là một số bí quyết để tham khảo.
Tận dụng tối đa thương hiệu trực quan
Một thiết kế logo hấp dẫn và vật phẩm gắn thương hiệu không nên được xem là tài sản chỉ dành cho bên ngoài, mà thay vào đó chúng được tận dụng để mang đến cảm giác thân thuộc cho nhân viên. Theo Zoe Vafadari - Giám đốc Thương hiệu và Quan hệ DN tại Công ty Dịch vụ chăm sóc sức khỏe Bupa, quần áo hay thiết bị của tổ chức không chỉ là tiện ích bổ sung bình thường mà có thể nâng cao tinh thần của nhân sự.
Zoe Vafadari nói: “Các CMO nên xem nhân sự của mình là những người ủng hộ mình nhiều nhất. Nếu nhân viên tự hào về công ty thì họ xem thương hiệu như một huy hiệu danh dự. Sở hữu những thứ như thế sẽ giúp họ có cơ hội thể hiện điều đó”.
Ngoài quần áo và vật phẩm, không gian văn phòng của DN hay tổ chức có thể được tận dụng để tăng cảm giác thân thuộc, thông qua việc đặt logo, sử dụng màu sắc hay bài trí cây xanh, tác phẩm nghệ thuật... Khi DN có nhiều văn phòng ở các nơi, cách thiết kế đồng nhất cũng giúp nhân viên cảm thấy bản thân là một phần của một cộng đồng lớn.
Khi làm việc ở văn phòng hoặc từ xa, nếu không thể sử dụng tài sản thương hiệu trực quan, CMO hãy cân nhắc giải pháp số để thay thế. Chúng có thể là phần mềm liên lạc hay mạng nội bộ, bản tin nhóm, truyền thông xã hội hoặc podcast, miễn tuân thủ nguyên tắc tạo ra không gian nơi nhân viên có thể bày tỏ và trải nghiệm cảm giác kết nối, liên hiệp.
Lắng nghe và hành động dựa trên phản hồi
Theo Vafadari, nhân viên cảm thấy được hỗ trợ và giúp đỡ để thực hiện công việc cũng quan trọng như cảm giác hài lòng của khách hàng vậy. “Một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu nội bộ là đảm bảo nhân viên cảm thấy họ có thể làm chủ được tình huống. Tại Bupa, chúng tôi khuyến khích nhân viên chia sẻ ý tưởng nếu họ có bất kỳ cách nào để thực hiện mọi việc theo một cách khác”, bà Vafadari nói.
Khi ai đó cảm thấy bản thân được tham gia vào việc ra quyết định, dù là thông qua thăm dò ý kiến, khảo sát hay cuộc họp thường kỳ, thì họ có nhiều khả năng trở thành nhân sự xuất sắc của tổ chức.
Ba điều lưu ý để xây dựng thương hiệu nội bộ mạnh
1. CMO nên tìm cách làm nổi bật thành công của nhân sự: DN cần công nhận đóng góp của mỗi cá nhân và phải đảm bảo mọi người không làm việc chiếu lệ.
2. Thành tích của mọi người ở các cấp bậc trong tổ chức: Nên được chúc mừng bằng nhiều cách, như đề cập trong bản tin DN, công nhận trong ứng dụng nhắn tin nội bộ hay lời khen công khai tại các cuộc họp mặt toàn công ty.
3. Nhân viên luôn muốn biết công việc của họ rốt cuộc dẫn tới điều gì: Họ muốn biết điều đó có ý nghĩa ra sao và rằng họ không chỉ làm điều đó chỉ vì được yêu cầu. Hoặc chí ít, họ cảm thấy bản thân đã học được điều gì đó từ những gì đang làm để có thể sử dụng nó trong công việc khác”.
(Theo Yael Alaton - Công ty agency thiết kế thương hiệu Pearlfisher)