Tiếp tục phá giá VND: Doanh nghiệp cần "vững lòng"

P.T (tổng hợp)| 19/08/2015 05:58

Tỷ giá được điều chỉnh nhằm tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Tiếp tục phá giá VND: Doanh nghiệp cần

Quyết định nới biên độ tỷ giá lên +/-3% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào sáng 19/8 được cơ quan này giải thích là nhằm tạo dư địa đủ lớn để đồng Việt Nam có thể linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước, không chỉ từ nay đến cuối năm mà cả những tháng đầu năm 2016, “tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”.

Trước đó, hôm 12/8, ứng phó trước tình hình kinh tế thế giới biến động khi nhân dân tệ (CNY) - đồng tiền của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc liên tục bị phá giá, NHNN đã đưa ra quyết định tăng biên độ tỷ giá của đồng USD/VND từ +/-1% lên +/-2%.

Giới kinh doanh tài chính khá thấu hiểu điều này và thể hiện sự đồng tình của mình.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng biên độ tỷ giá tăng sẽ kích thích xuất khẩu, việc mua bán ngoại tệ của ngân hàng và doanh nghiệp sẽ linh hoạt hơn. Theo ông, nếu Việt Nam cứ neo tỷ giá trong khi nhiều nước như Indonesia, Malaysia đã phá giá nội tệ và đồng CNY của Trung Quốc đã bị phá giá mạnh thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Tùng, doanh nghiệp cần phải dùng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá như: option, forward, swap… để “bảo an”.

Ông phân tích: "Nếu cho rằng tỷ giá tăng khiến doanh nghiệp nhập khẩu máy móc thiết bị từ các nước Châu Âu thiệt thòi do giá cả tăng thì cũng chưa đúng. Vì việc mua bán có thể thương lượng về giá, nếu trước kia giá của một máy móc là 200.000 USD, tương đương 2,1 tỷ đồng, nay tỷ giá tăng thì giá khoảng 2,2 tỷ đồng, doanh nghiệp có thể thương lượng giá khoảng 199.000 USD… Vì nền kinh tế của các nước Châu Âu gần đây cũng rất ảm đạm, nên việc thương lượng giá là có thể".

Đại diện Ngân hàng HSBC Việt Nam - ông Phạm Hồng Hải cũng nhận định đây là "bước đi cần thiết để giúp thị trường ổn định".

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hải cho rằng các doanh nghiệp không nên chạy theo và mua bằng mọi giá để tránh tạo thêm biến động nữa.

Tổng giám đốc HSBC phân tích: "Thông thường sau đợt biến động thị trường sẽ điều chỉnh ổn định trở lại quanh một mức cân bằng mới. Một ví dụ là đồng nhân dân tệ (CNY) sau tuần giảm giá hiện tại đã được giao dịch ổn định hơn và tâm lý thị trường cũng bình ổn trở lại. Các doanh nghiệp giữ vững tâm lý và nên chủ động có các biện pháp quản trị rủi ro tỷ giá thay vì chỉ trông chờ vào việc bảo hộ tỷ giá của NHNN".

Ngay cả đối với các doanh nghiệp xuất khẩu - được cho là sẽ hưởng lợi về giá - nhưng theo ông Hải, "các bạn hàng cũng sẽ nhanh chóng yêu cầu người bán điều chỉnh giá để có thể cùng hưởng lợi từ việc Việt Nam điều chỉnh tỷ giá. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn cạnh tranh với Trung Quốc, từ mặt hàng cho tới thị trường xuất khẩu, nên lợi thế từ việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không kéo dài lâu".

"Về dài hạn, chúng ta vẫn phải đầu tư vào chất lượng, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của hàng Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh.

>Kinh tế toàn cầu nhận "cú đấm" mang tên CNY

>Đầu tư ngoại vào Việt Nam sau động thái phá giá CNY

>Đồng nhân dân tệ rẻ đi: Điện thoại xuống, chuối lên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiếp tục phá giá VND: Doanh nghiệp cần "vững lòng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO