Quốc tế

Trung Đông đối mặt khủng hoảng kinh tế toàn diện do chiến sự

Khởi Vũ 24/01/2024 15:00

Dù một cuộc chiến toàn diện vẫn còn có thể tránh được, khủng hoảng kinh tế đã là không thể tránh khỏi ở Trung Đông.

Hơn 100 ngày sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel - sự kiện châm ngòi chiến sự ở Dải Gaza, cuộc xung đột tại Trung Đông tiếp tục leo thang. Ngày 11/1 qua, Mỹ và Anh bắt đầu không kích các căn cứ của Houthi ở Yemen, sau nhiều tháng tổ chức này tấn công các tàu chở hàng ở biển Đỏ. Năm ngày sau đó, đến lượt Israel bắn loạt đạn lớn nhất vào Hezbollah - tổ chức có vũ trang được Iran hậu thuẫn, ở miền Nam Libăng.

trung-dong-doi-mat-khung-hoang-kinh-te-toan-dien.jpg

Cho đến nay, một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực vẫn còn có thể tránh được, phần lớn là nhờ cả Iran lẫn Mỹ đều không muốn nó xảy ra. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế từ các cuộc xung đột đã là rất lớn. Không chỉ các tuyến thương mại bị chặn, làm gián đoạn vận chuyển toàn cầu và tàn phá nền kinh tế địa phương mà kể cả các ngành công nghiệp có năng suất cao nhất ở Trung Đông cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ở Libăng và Bờ Tây, khó khăn ngày càng tăng có nguy cơ gây ra nhiều cuộc bạo lực hơn nữa.

Thiệt hại về thương mại

Thứ nhất, về thương mại, trước cuộc tấn công của Hamas, 1/5 tổng lượng xuất khẩu trung bình của Israel, từ công nghệ cho đến dầu mỏ từ vùng Vịnh, được vận chuyển đến các quốc gia khác trong khu vực. Dù có thể là kẻ thù địa chính trị với nhau, sự giao thương giữa các nước trong khu vực này ngày một tăng. Nhưng hiện các tuyến đường vận chuyển hơn một nửa số hàng hóa đã bị phong tỏa và thương mại nội vùng đã sụp đổ bởi chiến sự. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển hàng hóa ra khỏi Trung Đông đã tăng lên - điều sẽ khiến nhiều nhà xuất khẩu hoạt động với tỷ suất lợi nhuận thấp phá sản trong vài tháng tới.

Đối với một số quốc gia giáp Biển Đỏ, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi gây ra hậu quả tồi tệ hơn nhiều, ví dụ như Eritrea - một nền kinh tế ở Đông Phi vốn được thúc đẩy nhờ xuất khẩu đánh bắt cá, nông nghiệp và khai thác mỏ. Cần biết rằng tất cả mặt hàng của nước này đều được vận chuyển bằng đường biển và giờ đang bị ảnh hưởng do mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng. Còn với Sudan ngập trong khủng hoảng, Biển Đỏ lại là điểm tiếp nhận viện trợ duy nhất và kể từ khi các cuộc tấn công bắt đầu, hầu như không có viện trợ nào trong số đó có thể đến được với 24,8 triệu người đang cần giúp đỡ.

Sự gián đoạn hơn nữa có thể dẫn đến sự sụp đổ tài chính ở Ai Cập - một trong các quốc gia lớn nhất ở khu vực. Với dân số 110 triệu người, Biển Đỏ là nguồn cung cấp USD quan trọng cho Ai Cập và chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm ngoái, chính phủ nước này đã kiếm được 9 tỷ USD từ phí cầu đường trên Kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Nếu không kiếm được tiền, ngân hàng trung ương Ai Cập sẽ cạn kiệt dự trữ ngoại hối, ở mức 16 tỷ USD (hoặc trị giá 2 tháng nhập khẩu) hồi đầu năm 2023. Chính phủ cũng sẽ phải đối mặt với khoản lỗ lớn trong ngân sách mà vốn đã dựa vào nguồn tiền bơm từ các quốc gia vùng Vịnh và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Cuộc khủng hoảng toàn diện

Cả hai cuộc khủng hoảng nói trên có thể xảy ra vào năm 2024. Thu nhập tính đến thời điểm hiện tại của Ai Cập từ Kênh đào Suez đã thấp hơn 40% so với thời điểm này vào năm ngoái. Theo đó, chiến sự đã đặt Ai Cập vào nguy cơ thực sự cạn tiền, đẩy chính phủ vào tình trạng vỡ nợ và ngân sách rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Thứ hai, xung đột cũng đã tấn công các ngành công nghiệp hứa hẹn nhất của Trung Đông. Trước ngày 7/10/2023, lĩnh vực công nghệ của Israel là điểm sáng nhất khi đóng góp đến 1/5 GDP cả nước. Nhưng bây giờ, nó đang gặp khó khăn, trong bối cảnh các nhà đầu tư rút vốn, khách hàng hủy đơn và phần lớn lực lượng lao động của khối doanh nghiệp đã được triệu tập để chiến đấu.

Trong khi đó, Jordan phải đối mặt với thiệt hại cho ngành du lịch, thường chiếm 15% GDP của nước này. Có thể xem những gì đang diễn ra ở Jordan là đại diện cho những nước tại khu vực khi ngay cả các quốc gia vùng Vịnh khác cũng chứng kiến ​​​​số lượng khách du lịch giảm xuống. Trong những tuần sau các cuộc tấn công của Hamas, lượng khách quốc tế đến Jordan đã giảm 54%. Cũng giống như Ai Cập, doanh thu bị mất khiến nước này có nguy cơ gần như vỡ nợ.

Tuy nhiên, đối tượng phải gánh chịu hậu quả kinh tế lớn nhất từ chiến sự có thể là người dân ở Libăng và Bờ Tây - hai thùng thuốc súng có thể dễ dàng bùng nổ thành bạo lực hơn nữa, khi các cuộc không kích qua lại giữa Israel và Hezbollah đang phá hủy miền nam Libăng. Hiện, hơn 50.000 người đã phải sơ tán (cũng như 96.000 người ở miền Bắc Israel). Và, việc khắc phục là gần như không thể, khi chính phủ Libăng đã không còn tiền mặt từ khi tuyên bố vỡ nợ vào năm 2019. Trong những tháng gần đây, nền kinh tế của nước này càng rơi tự do nhanh hơn khi du khách nước ngoài và các ngân hàng, chiếm tới 70% GDP, rời bỏ đất nước theo lời khuyên từ chính phủ của họ.

Còn ở Bờ Tây, mọi thứ cũng không khá hơn. Trong số 3,1 triệu cư dân, 200.000 người là công nhân nhà máy thường đến Israel hằng ngày và đã mất việc sau khi Israel thu hồi giấy phép của họ. Trong khi đó, 160.000 công chức chưa được trả lương kể từ khi chiến sự bắt đầu. Chính phủ Bờ Tây hiện từ chối các khoản thu từ thuế từ Israel (nơi thu chúng) sau khi Israel giữ lại các khoản tiền thường được gửi đến Dải Gaza. Các dịch vụ công đang ngừng hoạt động và việc công chức không trả được tiền thế chấp có nguy cơ gây ra khủng hoảng ngân hàng.

Trung Đông từ lâu đã có nhiều nền kinh tế đang trên bờ vực. Cuộc chiến của Israel với Hamas giờ đây có thể khiến họ sụp đổ. Để trang trải cuộc sống, chính phủ của các nước đã xây dựng gói ngân sách, cân bằng giữa các gói cứu trợ từ các quốc gia vùng Vịnh, các khoản viện trợ từ Mỹ và các khoản vay ngắn hạn đắt đỏ. Và, nguy cơ tất cả sụp đổ là rất cao.

Phần còn lại của nền kinh tế thế giới cho đến nay ít phải gánh chịu hậu quả từ cuộc xung đột. Giá dầu vẫn tương đối ổn định, ngoại trừ đợt tăng đột biến vào đầu tháng 1/2024, và những tác động lên tăng trưởng và lạm phát toàn cầu có thể sẽ ở mức tối thiểu. Nhưng, nếu phần lớn Trung Đông rơi vào khủng hoảng nợ, tất cả điều đó có thể thay đổi nhanh chóng. Khủng hoảng sẽ tấn công các nhóm dân cư trẻ, sống ở thành phố và đang ngày càng thất nghiệp. Thiệt hại thậm chí sẽ còn cực đoan hơn ở một nhóm lớn các quốc gia có tầm quan trọng chiến lược và thường xuyên biến động. Chắc chắn, hậu quả sẽ vang dội trên khắp thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trung Đông đối mặt khủng hoảng kinh tế toàn diện do chiến sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO