Kinh doanh

Để vượt qua khủng hoảng Biển Đỏ: Doanh nghiệp phải tối ưu hóa quy trình vận chuyển

TS. Majo George - TS. Irfan Ulhaq (*) 26/03/2024 - 07:58

Cuộc khủng hoảng leo thang ở Biển Đỏ đã phủ bóng đen lên thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động logistics và chuỗi cung ứng sản phẩm trên thế giới. Những doanh nghiệp Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế phải đối mặt với áp lực lớn dần từ chi phí logistics ngày càng tăng do cuộc khủng hoảng này…

Để ứng phó với thách thức ấy, doanh nghiệp phải có một số giải pháp khả thi để giảm thiểu khó khăn và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

bien-do.jpg

Cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đã gây ra sự gián đoạn trong các tuyến đường thương mại hàng hải, buộc các công ty vận tải biển phải chọn hướng đi mới và chịu thêm chi phí. Kết quả là chi phí logistics tăng cao, tạo gánh nặng đáng kể đối với doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu. Chi phí tăng liên quan đến thời gian vận chuyển kéo dài hơn, mức giá cước vận chuyển cao hơn và các khoản phí bảo hiểm đã làm suy giảm lợi nhuận và làm căng thẳng nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam

Tối ưu hóa hiệu quả chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp Việt Nam nên tối ưu hóa quy trình vận chuyển và tăng cường phối hợp với các đối tác logistics để giảm chi phí. Tận dụng công nghệ, như hệ thống theo dõi tiên tiến và phân tích, dự báo, có thể cung cấp thông tin thời gian thực để tối ưu hóa lộ trình và cải thiện hiệu quả hoạt động.

Đa dạng hóa các tuyến vận chuyển. Để đối phó với sự gián đoạn của các tuyến vận chuyển truyền thống, doanh nghiệp nên đa dạng hóa các tuyến hàng hải để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các cung đường biển dễ bị tổn thương. Bằng cách xác định các tuyến đường và phương thức vận chuyển thay thế, doanh nghiệp có thể giảm sự phụ thuộc vào kênh đào Suez và di chuyển qua các hành lang thương mại khác, giảm thiểu tác động của sự gián đoạn logistics.

Đàm phán giá cả. Doanh nghiệp nên chủ động đàm phán giá cước với các nhà cung cấp dịch vụ logistics để đảm bảo các điều khoản có lợi trong điều kiện thị trường đầy biến động. Bằng cách tăng cường các mối quan hệ đối tác chiến lược và tận dụng lợi thế theo quy mô hàng hoá, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí và duy trì mức giá cạnh tranh.

Đầu tư vào công nghệ mới. Nắm bắt công nghệ mới để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của logistics. Doanh nghiệp Việt nên đầu tư vào giải pháp kỹ thuật số như blockchain, các nền tảng logistics dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống theo dõi hỗ trợ IoT để tối ưu hóa khả năng hiển thị của chuỗi cung ứng, từ đó giảm chi phí và nâng cao khả năng ra quyết định.

Hợp tác với đối tác trong ngành. Mối hợp tác trong ngành có thể giúp doanh nghiệp huy động nguồn lực, chia sẻ phương pháp tốt nhất và cùng nhau giải quyết thách thức về logistics. Bằng cách tham gia hiệp hội ngành hàng, diễn đàn thương mại và chia sẻ kiến thức, doanh nghiệp có thể thu thập thông tin quý báu và tạo ra sức mạnh tập thể để điều hướng trong điều kiện thị trường không ổn định.

Hỗ trợ của Chính phủ

Các cơ quan Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những thách thức do chi phí logistics tăng cao. Cụ thể:

Ủng hộ các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, cắt giảm thuế quan và đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả logistics. Việc hỗ trợ tài chính thông qua các khoản trợ cấp, vốn, hoặc vay vốn lãi suất thấp có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ việc tăng chi phí logistics. Hỗ trợ này có thể hướng đến việc đầu tư vào công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng hoặc các chương trình đào tạo nguồn nhân lực. Hợp lý hóa các quy trình quản lý và giảm bớt rào cản quan liêu để đẩy nhanh thủ tục thông quan, giảm thời gian và chi phí liên quan đến hoạt động logistics. Đơn giản hóa các quy định thương mại và yêu cầu về tài liệu có thể cải thiện sự thuận tiện trong kinh doanh và cải thiện hiệu quả logistics. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông để cải thiện kết nối hậu cần và giảm chi phí vận chuyển nhằm tăng cường thuận lợi hóa thương mại và hỗ trợ vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới một cách hiệu quả. Việc triển khai các chương trình đào tạo và sáng kiến phát triển kỹ năng có thể nâng cao năng lực của chuyên gia logistics và cải thiện các tiêu chuẩn chung của ngành. Chính phủ có thể hợp tác với các bên liên quan trong ngành để tổ chức chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của ngành logistics.

Bằng cách áp dụng những chính sách ấy, các cơ quan chính phủ có thể hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp Việt Nam vượt qua thách thức do chi phí logistics tăng cao và đảm bảo khả năng phục hồi và sức cạnh tranh của chuỗi cung ứng trong nước trước những gián đoạn từ bên ngoài.

(*) Đại học RMIT Việt Nam

70% là cước phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ. Trước đây, cước phí vận chuyển một container hàng sang châu Âu khoảng 2.000 USD, thì nay đã tăng lên gần 4.000 USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Để vượt qua khủng hoảng Biển Đỏ: Doanh nghiệp phải tối ưu hóa quy trình vận chuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO