Quốc tế

Sau kỳ họp Quốc hội, kinh tế Trung Quốc vẫn bi quan?

NVP 17/03/2024 06:01

Sau kỳ họp Quốc hội thường niên diễn ra đầu tháng 3/2024, mà kinh tế là 1 trong những chủ đề quan trọng, giờ đây câu hỏi được nhiều nhà đầu tư đặt ra: Chính quyền trung ương sẵn sàng chi bao nhiêu, để vực dậy thị trường chứng khoán đang lao dốc của Trung Quốc?

Bà Wendy Liu, người đứng đầu chiến lược vốn của JPMorgan Chase tại Hồng Kông cho biết: “Các nhà đầu tư trong nước nghĩ rằng, 2 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 280 tỷ USD) có thể được bơm vào thị trường, khi tất cả đồng thuận.”

z5244932581003_6d245a828fb3b14ce526adaf0d18f51a.jpg
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Lý Cường đặt mục tiêu tăng trưởng 5% năm 2024 - Ảnh: Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, kỳ vọng về sự can thiệp mạnh mẽ của Chính phủ, có thể là nguyên nhân khiến chứng khoán Trung Quốc không chìm sâu hơn, từ khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Chuyên gia Albert Edwards từ Societe Generale nói: “Số liệu yếu kém ảnh hưởng đến các nhà đầu tư. Họ đang rất mong đợi những gói kích thích của Chính phủ. Điều này đã từng nhiều lần xảy ra trong quá khứ.”

Tuy nhiên mong đợi trên vẫn chưa xảy ra. Thậm chí, các cơ quan quản lý dường như miễn cưỡng cho phép một số công ty lớn liên quan đến công nghệ, như Ant Group hay Shein niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước lẫn ngoài nước. Làm như vậy cũng gửi một tín hiệu tích cực đến các nhà đầu tư, nhưng vẫn chưa rõ liệu tín hiệu có dẫn đến thay đổi cụ thể nào hay không.

Thật không may, thị trường chứng khoán chỉ xoay quanh những kỳ vọng về tương lai. Theo 1 số chuyên gia, phiên họp Quốc hội năm nay, đã không giải quyết được sự thiếu tin tưởng của nhà đầu tư, về tương lai kinh tế đất nước.

Hy vọng về một gói kích thích lớn, nhằm giải quyết nhu cầu trì trệ đã không thành hiện thực. Các biện pháp hỗ trợ đến nay, như cắt giảm lãi suất cơ bản 5 năm đối với vay thế chấp, đã tác động lên phía cung, nhưng ở khía cạnh nào đó, lại làm cho sự mất cân bằng giữa cung và cầu trở nên tệ hơn.

Trong chừng mực các ngân hàng đang giảm lãi suất, cho cả tiền vay và tiền gửi, nhiều hộ gia đình đã đốt tiền vào bất động sản và chứng khoán, đơn giản là để nhận được lợi nhuận từ khoản tiết kiệm khó khăn lắm họ mới kiếm được.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% mà Thủ tướng Lý Cường đặt ra tại phiên họp Quốc hội, phù hợp với các chính sách hiện hành. Năm 2023, mục tiêu tăng trưởng 5,5% là không quá tham vọng, vì 2022 chỉ tập trung vào phong tỏa COVID-19. Mục tiêu 5% cho 2024 được dự đoán sẽ khó hơn rất nhiều. Tăng trưởng chất lượng cao mà ông Lý nói đến trong bài phát biểu trước Quốc hội, vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng.

Giảm phát, bắt đầu từ việc giá thịt lợn đi xuống vào năm ngoái, vẫn nghiêm trọng. Trung Quốc đang có xu hướng cắt giảm lương của công nhân cổ trắng, cho thấy sự thịnh vượng chung mà các lãnh đạo hứa hẹn, có thể đồng nghĩa với tình trạng nghèo khó chung.

Trung Quốc gần đây cam kết đầu tư nhiều hơn vào khoa học công nghệ. Nhưng vẫn còn là câu hỏi mở, về việc nhà nước có thể thúc đẩy đổi mới tới mức độ nào?

Trong mắt giới đầu tư, khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một lớn trong không ít lĩnh vực, như trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học. Hơn nữa, các nước phát triển đang áp dụng biện pháp bảo hộ ngày càng chặt, để đối phó lĩnh vực Trung Quốc lợi thế, như thiết bị năng lượng tái tạo và xe điện.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu Chính phủ Trung Quốc vẫn lao đao. Ngày 29/2, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức thấp nhất mọi thời đại, là 2,34%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chỉ là 2,46%, giảm hơn 0,5% trong bốn tháng qua.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc muốn giữ khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu ở nước này và Mỹ không rộng hơn, vì điều đó sẽ khuyến khích nhiều dòng vốn chảy ra. Kết quả, bất chấp lo ngại ở phương Tây rằng Trung Quốc muốn đồng nhân dân tệ rẻ hơn để hỗ trợ xuất khẩu, mọi thứ từ pin đến xe điện, trên thực tế, Trung Quốc không có nhiều điều kiện để giảm giá, ngoại trừ trợ cấp cho các công ty sản xuất.

Các thị trường từ Ấn Độ đến Nhật Bản, được hưởng lợi từ tình trạng bất ổn của Trung Quốc - ít nhất là nhà đầu tư có quyền lựa chọn điểm đến.

Một số chuyên gia cho rằng, công bằng mà nói, ý định của Chính phủ trong việc ngăn đầu cơ bất động sản và giảm đòn bẩy đầu tư của chính quyền địa phương, thì khó có thể chê trách. Vấn đề là, Trung Quốc cần khuyến khích những nguồn tăng trưởng khác.

Kỳ họp Quốc hội năm nay đã kết thúc, mà không có họp báo thường lệ của Thủ tướng. Điều này dường như phản ánh sự minh bạch ngày càng giảm của Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhưng các nhà quan sát khó có thể trách Thủ tướng Lý Cường, vì ông không muốn đối mặt với những câu hỏi nan giải, liên quan tới triển vọng phục hồi nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sau kỳ họp Quốc hội, kinh tế Trung Quốc vẫn bi quan?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO