Nâng cao hiệu quả PPP bằng cơ chế chính sách

Chuyên gia kinh tế CÙ THANH THÚY| 15/06/2016 06:17

Việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng là lời giải cho bài toán ngân sách eo hẹp và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA giảm mạnh.

Nâng cao hiệu quả PPP bằng cơ chế chính sách

Việc huy động sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng là lời giải cho bài toán ngân sách eo hẹp và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA giảm mạnh.

Đọc E-paper

Chính sách đổi đất lấy hạ tầng những năm 90 (thế kỷ XX), Nhà nước thu được mức lợi cao từ các dự án hợp tác công - tư (PPP), theo dạng hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao), BT. Tuy nhiên, theo thời gian, một số dự án bị "biến thể”, như dự án cầu Phú Mỹ, gây thêm khó khăn cho Nhà nước.

Các nguyên nhân thất bại được xác định là do đối tác tham gia đáng lẽ phải là khu vực tư nhân, thì lại là doanh nghiệp nhà nước, hay đa phần nguồn vốn vay vẫn do Chính phủ bảo lãnh, hoặc năng lực quản lý yếu kém, thiếu thể chế pháp luật, cũng như phụ thuộc vào đơn vị tiêu thụ độc quyền.

Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư là việc Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án. Khuôn khổ pháp lý riêng cho PPP của Việt Nam hiện nay chưa thực sự tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư, cũng như khi triển khai thí điểm trong thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế.

Tại Hà Nội, PPP được coi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề của giao thông đường bộ. Với hơn 60% tổng vốn đầu tư vào các dự án giai đoạn 2007 - 2014, giao thông trở thành lĩnh vực được các cơ quan quản lý ở Hà Nội cấp phép thực hiện nhiều nhất. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong triển khai thí điểm PPP cho giao thông đường bộ, cũng như 7 lĩnh vực khác là đường hàng không, đường sắt, đường sông, hệ thống xử lý nước thải (lỏng và rắn), điện năng và y tế, theo quyết định số 71/2010/QĐ-TTg, đã không như kỳ vọng.

Tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quản lý, ngày 7/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách để có thể huy động tối đa nguồn lực từ xã hội.

Các cơ quan quản lý ở địa phương này đã không tính hết việc nhiều nhà đầu tư không mặn mà với các dự án PPP theo dạng hợp đồng BT đối ứng bằng đất trong điều kiện kinh tế khó khăn, vốn tín dụng khó huy động, giải phóng mặt bằng chưa quyết liệt. Điều này đã khiến năm 2012, chỉ có 9 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào 8/15 dự án mà Sở kế hoạch và Đầu tư Hà Nội công bố.

Nhìn lại thực trạng quá trình triển khai các dự án PPP, bộ máy quản lý nhà nước và cơ chế chính sách là hai nhóm giải pháp chính cần được tập trung nghiên cứu. Bởi, đây là những vấn đề cơ bản quyết định thành công khi áp dụng hình thức PPP cho một dự án. Có thể, việc sớm ban hành Luật về hợp tác công - tư sẽ thúc đẩy PPP ở nước ta trong dài hạn.

Hơn nữa, cần xây dựng đạo luật riêng về PPP vì quyết định hay một văn bản dưới luật nào cũng chưa đủ để nhà đầu tư yên tâm về những rủi ro mà họ có thể gặp. Khung thể chế, pháp lý đầy đủ và ổn định sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để quản lý PPP. Hợp đồng hiệu quả sẽ không dẫn đến hiện tượng tăng giá trị vốn đầu tư và điều này góp phần giảm chi phí giao dịch, tăng tính minh bạch cho các mô hình PPP và khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia tích cực hơn.

Một việc cần làm là hoàn thiện các chính sách để thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, trong chính sách tài chính, phải cho các nhà đầu tư thấy họ sẽ nhận được gì khi tham gia. Hiện tại, các ưu đãi đưa ra trong Quyết định 71/2010/QĐ-TTg được đánh giá là chưa đủ hấp dẫn. Theo quy chế này, phần tham gia của Nhà nước giới hạn không quá 30%. Do vậy, để tăng tính hấp dẫn, phần tham gia của Nhà nước trong dự án PPP không nên giới hạn như hiện nay.

Thay vào đó, nên đặt ra nguyên tắc Nhà nước sẽ cấp bù chênh lệch đủ để nhà đầu tư thu hồi vốn và dùng mức yêu cầu hỗ trợ làm tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư có mức bỏ thầu yêu cầu hỗ trợ thấp nhất sẽ được chọn. Khoản chênh lệch này được gọi là quỹ bù đắp thiếu hụt tài chính. Các đô thị lớn có thể vận dụng quy chế đặc thù hoặc xin cơ chế để ban hành quy định cho riêng mình, nhằm tăng tính hiệu quả cho phương thức đầu tư PPP.

Thêm nữa, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông cần nguồn vốn lớn nhưng lại khó thu hồi vốn nên Nhà nước cần có chính sách bảo lãnh để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất dưới 10%. Bên cạnh đó, các hợp đồng PPP cần có "điều khoản khó khăn". Đây là một điều khoản đã được quốc tế hóa từ lâu nhằm chia sẻ rủi ro, nếu khi xảy ra tình huống khó lường, hai bên có quyền ngồi lại để thương lượng thay đổi một số điều khoản trong hợp đồng. Điều này, phải được đưa vào hợp đồng hoặc luật PPP.

Hải Vân ghi

>Việt Nam đẩy mạnh triển khai mô hình đối tác công - tư

>9 lĩnh vực thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nâng cao hiệu quả PPP bằng cơ chế chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO