TP.HCM đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt
Nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Tuần lễ Chuyển đổi số của TP.HCM cũng như hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt” đã diễn ra vào ngày 17/10/2023.
Sự kiện được tổ chức bởi UBND TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thời báo Ngân hàng, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Hội Tin học TP.HCM.
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo UBND TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cùng một số tỉnh, bộ, ngành. Bên cạnh đó là sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp tài chính, doanh nghiệp công nghệ, công ty trung gian thanh toán trong và ngoài nước, cùng đại diện các hãng thông tấn báo chí.
Phát biểu chào mừng sự kiện, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, dữ liệu cộng với việc phân tích, khai thác và kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thanh toán không dùng tiền mặt, cũng như chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Ngày nay, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp ngân hàng và doanh nghiệp xác định cơ hội, để đưa ra quyết định đúng đắn, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Xác định vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng, cũng như mục tiêu của đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư - định danh - xác thực điện tử, nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và nhiều tổ chức thanh toán đang tích cực ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả hoạt động về tài chính. Điều này nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Tại TP.HCM, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công đã đạt được nhiều kết quả nổi bật thời gian qua. Cơ quan nhà nước như y tế, giáo dục, bảo hiểm và hải quan, đang tiến hành thay đổi mạnh mẽ. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, 100% bệnh viện công của thành phố đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt trên 30%. TP.HCM đang hướng đến dẫn đầu cả nước về thanh toán không tiền mặt.
Có thể nói, thanh toán dịch vụ công thông suốt sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân lẫn doanh nghiệp. Tuy nhiên, thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công vẫn còn nhiều khó khăn, vì nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan.
Từ góc độ thị trường, nhà cung cấp giải pháp công nghệ có nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau với chi phí chênh lệch, làm các đơn vị thực hiện thủ tục hành chính công khó khăn trong lựa chọn giải pháp để áp dụng vào tổ chức của mình.
Từ góc độ ứng dụng, người thực thi nhiệm vụ hành chính công vẫn còn thói quen làm việc bàn giấy và dùng tiền mặt. Đâu đó lãnh đạo chưa quyết tâm thay đổi, thậm chí ngại thay đổi, do thiếu thông tin từ độ ngũ tư vấn để triển khai áp dụng.
Từ góc độ truyền thông, tin tức về cải tiến công nghệ vẫn chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ, rõ ràng và dễ hiểu, nên người dân chưa quen, còn băn khoăn vấn đề bảo mật dữ liệu.
Tại hội thảo, bên cạnh thông tin về kết quả tích cực trong đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và trong dịch vụ công nói riêng, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm. Ví dụ giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động thanh toán trực tuyến chi trả dịch vụ công ở TP.HCM, từ đó nhân rộng những địa phương khác.
Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng tin tưởng, sự kiện này rất hữu ích cho các nhà quản lý và giới chuyên gia để trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong việc khai thác dữ liệu, hướng đến dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ ngành để triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tại đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, kế hoạch chuyển đổi số và Đề án 06 của ngành ngân hàng. Cụ thể, sẽ tập trung vào 3 khía cạnh chính.
Thứ nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chuyển đổi số, bao gồm các chính sách kết nối và khai thác dữ liệu.
Thứ hai, đảm bảo các ứng dụng ngân hàng hoạt động hiệu quả, an toàn và có tích hợp với những hệ thống khác, ví dụ hành chính công, hướng đến mở rộng hệ sinh thái số để phục vụ việc thanh toán một cách liền mạch và nhanh gọn.
Thứ ba, tăng cường đảm bảo an ninh và bảo mật thông tin. Thực hiện công tác tuyên truyền cho người dân, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng và phương pháp tiếp cận dịch vụ ngân hàng một cách dễ dàng nhất.