Doanh nghiệp SME: Khơi nguồn nội lực để phát triển

TRÌNH TIÊU thực hiện| 27/03/2014 09:11

Tính chất quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa là sự năng động, nhưng để tồn tại, phát triển được, cần tăng cường tính quy trình, quy chế trong các quyết định quản lý và nâng cao tính công bằng

Doanh nghiệp SME: Khơi nguồn nội lực để phát triển

Ông Hoàng Hải Âu, Tổng giám đốc Công ty Hoang Gia Media Group, cho rằng: "Tính chất quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là sự năng động, nhưng để tồn tại, phát triển được, cần tăng cường tính quy trình, quy chế trong các quyết định quản lý và nâng cao tính công bằng trong chính doanh nghiệp (DN) của mình".

Đọc E-paper

* Hơn 90% DN của Việt Nam là SME. Ông nhận định như thế nào về vị trí của SME trong nền kinh tế hiện nay?

- Ông Hoàng Hải Âu: Ở mọi quốc gia, kể cả Mỹ, SME chiếm tỷ trọng chính trong việc tạo tổng thu nhập quốc dân cũng như nguồn cung lao động, trong khi các DN lớn tạo nên bộ mặt và tên tuổi, tầm vóc quốc gia. Nhưng ở Việt Nam, SME chiếm tỷ trọng và vai trò lớn hơn.

Hiện nay, nền kinh tế vẫn khó, nhiều người bán, ít người mua, doanh thu thấp, thậm chí bù lỗ thường xuyên... Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đang cố gắng theo hướng hỗ trợ cho SME, nhưng nếu không được thiết kế phù hợp, sẽ không mang lại hiệu quả. Vì vậy, SMS cần khơi dậy mọi nguồn lực nội tại để phát triển.

* Giai đoạn bắt đầu khởi nghiệp đến khi có vài dòng sản phẩm hay dịch vụ ổn định bị kéo dài hơn thay vì 3-5 năm theo lý thuyết của Larry Greiner-cha đẻ mô hình 5 giai đoạn phát triển của DN. Ông bình luận thế nào về tình trạng này?

- Kết luận đó đúng đối với các nền kinh tế thị trường đã ổn định. Việt Nam mới bước vào kinh tế thị trường đã gặp ngay chuỗi khủng hoảng kinh tế dài và sâu, đương nhiên thời gian lý thuyết bị kéo dài.

Những năm gần đây, hàng chục ngàn DN phải dừng sản xuất, kinh doanh. Quy mô các DN liên tục thu nhỏ, các tập đoàn hàng nghìn người thu lại thành công ty hàng trăm người, các công ty hàng hàng trăm người thu lại thành hàng chục, thậm chí dưới 10 người.

* Ngoài các yếu tố bên ngoài, việc thu nhỏ mô hình DN có vẻ như còn chịu tác động của các vấn đề nội tại?

- Đúng vậy. Một trong những vấn đề hiện nay là sự thiếu bình đẳng của luật pháp trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên trong mối quan hệ lao động. Trong đó, luật pháp đang quá thiên vị cho người lao động, đang làm hạn chế hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN.

Chẳng hạn, sau khi ký hợp đồng, DN phải bỏ nhiều chi phí đào tạo lao động. Người lao động hầu như không bị ảnh hưởng khi đơn phương phá bỏ hợp đồng, nhưng nếu DN muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng, mọi việc trở thành nhiêu khê.

Những lỗ hổng trong quy trình, quy chế hoạt động của SME, sự dịch chuyển tâm lý xã hội thời hội nhập khiến ý thức về quyền lợi của con người ngày càng tăng, nhưng nhận thức về bổn phận và trách nhiệm lại giảm sút. Từ đó, mâu thuẫn giữa DN và người lao động cũng tăng theo. DN ngày càng mất sự đồng thuận nội tại, suy giảm sức mạnh trong sản xuất, kinh doanh.

* Theo ông, nên nhìn nhận và xử lý những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong SME như thế nào?

- Ở DN lớn, quan hệ trực tiếp giữa quản lý cấp cao, đặc biệt là CEO với đội ngũ nhân viên khá hạn chế. Ảnh hưởng của cảm xúc, thái độ của cá nhân đến công việc được kiểm soát và hạn chế tối đa. Do đó, hiệu quả điều hành DN phụ thuộc rất lớn vào thể chế và bộ máy điều hành.

Nhưng ở SME, người ít, bộ máy đơn giản, quan hệ giữa quản lý cao cấp, thậm chí là CEO với người lao động thường xuyên và trực tiếp. Vì vậy, yếu tố cảm xúc, thái độ của cá nhân ảnh hưởng rất lớn đến công việc. Vấn đề này đặc biệt nặng nề ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam.

Việc tạo dựng môi trường để mọi thành viên trong SME cùng đóng góp công sức vào phát triển DN là hết sức quan trọng.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp SME: Khơi nguồn nội lực để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO