Bức chân dung người con của Bến Tre, một thanh niên Tây học con nhà giàu Nam Bộ cho chúng ta thấy ba giá trị lớn của tính cách “kẻ sĩ”: một bác sĩ cả đời chữa bệnh và đào tạo mặt trận y tế cho kháng chiến, một chiến sĩ “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, và một nhà văn - nhà báo lấy phụng sự dân tộc làm lẽ sống.
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đã dựng bức chân dung khá chi tiết và đầy đủ với công phu gặp gỡ các tư liệu từ gia đình ông, bạn bè và nhất là lớp học trò y khoa nay đã thành danh.
Cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp phản ánh lịch sử kháng chiến Việt Nam ở mảng thực tế độc đáo chúng ta ít biết, ít sách vở nào phản ánh. Không phải chân dung các anh hùng liệt sĩ, những nhà hoạt động trong lòng địch, mà cũng không phải bác sĩ trong áo blouse trắng ở bệnh viện hay phòng thí nghiệm.
Điểm lại vài mốc năm tháng, chúng ta sẽ thấy đây là cuộc đời dung chứa bao nhiêu lĩnh vực và đầy gay cấn. Năm 1946, ông đã vượt biển bằng thuyền cùng bà Nguyễn Thị Định ra Bắc, báo cáo với Cụ Hồ tình hình kháng chiến Nam Bộ và xin vũ khí chi viện cho miền Nam.
Chuyến đi “đầy nguy hiểm” được tả lại khiến chúng ta hiểu thêm sau này có hẳn một con đường trên biển của “tàu không số“ ghi vào lịch sử. Được giữ lại miền Bắc và được Cụ Hồ giao tham gia thành lập Đảng Xã hội.
Năm 1947, ông về Nam làm Phó giám đốc Sở Y tế Nam Bộ để rồi năm 1954 đi tập kết theo sự kiện lịch sử chia cắt hai miền Nam - Bắc.
Năm 1965, khi chiến tranh mở rộng do Mỹ tiến hành, ông vào Nam. Năm 1974 ra Bắc để rồi năm 1975 khi đất nước thống nhất ông lại về miền Nam.
Vô ra dọc Trường Sơn bom đạn bao lần, dù ở Nam hay Bắc, ông đều làm Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ y tế cho nhiệm vụ kháng chiến, cứu chữa cho nhân dân và chiến sĩ, xây dựng đội ngũ y tế kháng chiến vượt qua cả hai cuộc chiến tranh máu lửa.
Qua chân dung bác sĩ Trần Hữu Nghiệp với nhiều câu chuyện độc đáo cảm động, người đọc còn thấy được cả một thế hệ thầy thuốc đầu đàn của Cách mạng Việt Nam. Từ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với chiến lược “có mạng lưới y tế tại chỗ” để địch lại với quân thù có cơ giới cơ động. Cho tới bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng được gọi ra Bắc làm Bộ trưởng Y tế đã viết thư gửi Cụ Hồ xin ở lại vì miền Nam lúc đó đang có dịch đậu mùa, tiêu chảy, cần ông lúc đó đang lao vào nghiên cứu bào chế thuốc chữa cho nhân dân và chiến sĩ.
Hình ảnh bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bị địch bắt trong tù đưa tiền nhờ lính gác mua báo đọc. Từ đó ông biết cách, sau này trong kháng chiến chế tạo ra “phi la tốp” kiểu Nguyễn Thiện Thành.
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vượt qua bi kịch cá nhân, những khó khăn của bom đạn, đói nghèo để làm người thầy thuốc tận lực cho đất nước và tình yêu nhân dân.
Trong buổi lễ ra sách, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - con gái của thi sĩ Nguyễn Bính cho biết một chi tiết hay. Khi Nguyễn Bính thi sĩ nghèo xưa đến Tiền Giang hoạt động, không đủ cả tiền trọ đã được “kẻ sĩ” bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cho 40 đồng tiền Đông Dương, lúc ấy rất lớn.
Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm viết cuốn sách hơn 400 trang chỉ trong 9 tháng, cùng với sự giúp đỡ của con gái út của bác sĩ là bà Trần Kiều Lan. Bà cho biết, năm 2021 là 15 năm ngày mất và cũng là kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông. Để lâu nữa sẽ quá trễ. Nhất là sự vui mừng vì tên ông có trong quỹ tên đường của Thành phố đã lâu nay mới thực hiện được.
Còn dưới mắt con trai ông - GS. Trần Hữu Dũng, thì ba là “một trí thức đặc trưng: kiến thức tự trau giồi, kiến thức tự tra vấn, kiến thức phục vụ. Tấm lòng ấy là tượng hình một thứ khoa học nhân bản nhất, quê hương nhất. Một trí thức yêu nước trong nghĩa sâu xa mà thực tiễn nhất của danh hiệu ấy”.
Có bạn đọc nói, chuyện đời ông tôi xem như là một dạng lời thề Hippocrates tận hiến kiểu Việt Nam.