Theo đó, thành phố cần tập trung vào kinh tế tuần hoàn, đô thị thông minh và phát triển công nghệ cao. Cần phát triển ngành công nghiệp nền tảng, tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng cao, ví dụ như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn… Có như vậy mới đảm bảo thành phố phát triển bền vững trong vị thế người dẫn đầu.
Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP26 tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký cam kết Việt Nam phải đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp. TP.HCM là đầu tàu kinh tế của các nước, thành phố cần tiên phong tham gia vào quá trình đưa nền kinh tế quốc gia phát triển bền vững và đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết tới năm 2050.
Ba thách thức đặt ra với TP.HCM
- Thực hiện hóa các cam kết tại COP26 đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa các mục tiêu trên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
- Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Các quốc gia phát triển đang hướng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà không làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, khuyến khích đổi mới, khuyến khích các ngành công nghiệp “xanh”.
- Các chuỗi cung ứng toàn cầu khi làm việc với các nhà cung cấp từ Việt Nam đã đưa ra yêu cầu về việc cung cấp “sản phẩm bền vững”. Các doanh nghiệp trong thành phố cần làm ra những sản phẩm phù hợp với kinh tế tuần hoàn, có khả năng tái sinh, góp phần chống biến đổi khí hậu. Nếu không thích ứng với những xu thế chung của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ phát triển được trong ngắn hạn, sau đó sẽ đi vào ngõ cụt, bị tẩy chay và mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Với những thách thức đang đặt ra với thành phố, UBND TP.HCM cần có chiến lược chung để đưa TP.HCM cùng cả nước hướng tới mô hình “nền kinh tế tuần hoàn”. Cụ thể với một số hoạt động như sau:
1. Xây dựng ban chuyên trách về “phát triển bền vững” trực tiếp do UBND quản lý và các ban tại các sở ngành có liên quan để định hướng hoạt động cho các hội viên tiến tới sản xuất - kinh doanh bền vững, chống biến đổi khí hậu và tham gia vào nền kinh tế tuần hoàn.
2. UBND TP.HCM cần xây dựng các phân ban để triển khai phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn theo trọng tâm của từng ngành nghề. Tập trung 5 lĩnh vực chủ chốt của kinh tế tuần hoàn gồm ngành xây dựng; giao thông; bao bì nhựa; thời trang; thực phẩm.
3. Tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2023 theo chủ đề “Kinh tế tuần hoàn”, song song tổ chức các hội thảo chuyên đề để lan tỏa nhận thức, định hướng và thúc đẩy định hướng “phát triển bền vững” và xây dựng “nền kinh tế tuần hoàn”. Tìm kiếm những điển hình doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đang triển khai theo hướng phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.
4. Mở rộng hợp tác quốc tế với thế giới và các tổ chức, doanh nghiệp tại các nước phát triển để tiếp cận thông tin và học hỏi kinh nghiệm về các mô hình sản xuất - kinh doanh theo kinh tế tuần hoàn.
5. Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà phát triển bất động sản trong và ngoài nước phát triển các dự án đô thị thông minh cho TP.HCM.
6. Tạo điều kiện tận dụng nguồn “tài chính xanh” từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế cho các dự án “xanh” của các doanh nghiệp TP.HCM.
7. Phối hợp với các bộ ban ngành Trung ương và tham mưu cho Chính phủ nhằm hoàn thiện thể chế cho hành trình tiến tới Net Zero của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
(*) Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Chủ tịch hệ thống Secoin