Kinh tế xanh: Bắt đầu từ đâu?

Trọng Nhân - Kim Ngân| 13/12/2022 06:00

Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế xanh tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu và cũng là phương thức giúp doanh nghiệp (DN) tăng sức cạnh tranh, phát triển bền vững.

Không còn là xu hướng

Ở một số nước, xu hướng kinh tế xanh đã thực hiện từ rất lâu. Ví dụ tại Thụy Điển, chính phủ đánh thuế cao các loại chất thải và có chính sách ưu đãi để khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ thủy điện và nhiên liệu sinh học. Hay từ năm 1980, Singapore đã phát triển công nghệ biến rác thải thành năng lượng với việc xây dựng 4 nhà máy, xử lý 90% lượng rác thải của cả nước với công suất lên đến 1.000 tấn rác/ngày.

Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2022, ông Bartosz Cieleszynski - Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, EU đang kiểm soát rất kỹ chất lượng an toàn thực phẩm và tính bền vững trong chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu. Thực tế, một số sản phẩm từ Việt Nam như thanh long, rau thơm, đậu bắp, ớt, mì và thủy hải sản vẫn thường bị EU cảnh báo kiểm tra về dư lượng thuốc trừ sâu và phân bón. 

Không chỉ sản phẩm nông nghiệp mà ngay cả với sản phẩm công nghiệp, EU cũng có những tiêu chí để đánh giá mức độ tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Cụ thể, trong quá trình tạo ra sản phẩm, DN phải bảo tồn đa dạng sinh học và tình trạng tốt của đất, quản lý nước bền vững, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, đảm bảo mức lương tối thiểu và trả lương bình đẳng, không có lao động trẻ em và ngược đãi động vật. Ngoài việc tạo điều kiện để sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế, việc phát triển kinh tế xanh còn giúp các DN khẳng định vị thế thương hiệu trong mắt người tiêu dùng. 

Khảo sát của McKinsey cho thấy 63% người tiêu dùng cân nhắc yếu tố phát triển bền vững của các thương hiệu khi ra quyết định mua hàng. Đây chính là đòn bẩy để DN nâng cao năng lực tài chính.

Đặc biệt, với các DN nhỏ và vừa, việc đầu tư vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo có thể giúp giảm chi phí kinh doanh, nhất là giảm tiền điện. Bởi theo ông Bartosz, các nguồn năng lượng tái tạo có thể đáp ứng đáng kể hoặc thậm chí toàn bộ nhu cầu năng lượng của DN. Thậm chí, khoản đầu tư này cũng giúp các công ty ổn định hơn trước sự biến động của giá nhiên liệu.

-1897-1670570710.jpg

Nên bắt đầu từ những ngành xuất khẩu chủ lực

Theo các chuyên gia kinh tế, với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, công nghệ xanh và thương mại bền vững nên bắt đầu từ các ngành chủ lực xuất khẩu như nông - lâm - ngư nghiệp. 

Để làm được điều đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam khuyến nghị các cơ quan ban ngành tổ chức những chương trình đào tạo tập trung vào các vấn đề sinh thái và đưa ra các trường hợp thành công khi theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh để các DN học hỏi.

Ngoài ra, cũng cần cập nhật thông tin về các quy định, tiêu chuẩn gắn với yếu tố xanh trên từng thị trường cụ thể, sau đó phổ biến cho người dân và DN. Cách làm này giúp tránh được trường hợp sản phẩm xuất khẩu bị các thị trường khó tính cảnh báo do không đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, để khuyến khích các DN tham gia kinh tế xanh, cần có những ưu đãi đặc biệt, chẳng hạn như giảm thuế liên quan đến xuất khẩu sản phẩm xanh hay trao thưởng cho những DN đạt kết quả tốt trong "xanh hóa" sản xuất.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tuần hoàn (ICED) - Đại học Quốc gia TP.HCM đề xuất áp dụng mô hình cộng sinh công - nông nghiệp. Cụ thể, DN thuộc nhiều ngành khác nhau sẽ liên kết theo hướng tận dụng chất thải từ ngành này để sử dụng cho các ngành khác một cách tuần hoàn. Các DN có mối liên kết cộng sinh sẽ có thể hợp tác chặt chẽ trong quản lý các vấn đề về môi trường, tài nguyên thiên nhiên, giúp giảm thiểu các chi phí logistics, chi phí sản xuất, xử lý chất thải...

Theo ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP SECOIN, muốn theo đuổi kinh tế xanh, mỗi ngành nghề đều cần phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh. Chẳng hạn, ngành xây dựng có thể tái sử dụng cơ sở hạ tầng, tái chế vật liệu xây dựng; ngành công nghiệp bao bì nhựa nên áp dụng mô hình kinh doanh tái sử dụng và có cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại và tái chế nhựa; hay ngành thời trang nên có mô hình cho thuê và bán lại quần áo, đồng thời thành lập nơi thu gom, phân loại và tái chế quần áo...

Bà Lê Hồng Nhi - Giám đốc Truyền thông, Đối ngoại và Tính bền vững của Unilever cho rằng, lợi ích trước nhất khi tạo ra những sản phẩm bền vững đó là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với Unilever, công ty ưu tiên sử dụng những nguyên liệu thiên nhiên, cố gắng giảm thiểu việc sử dụng nguyên liệu nhựa, đồng thời sản xuất ra các sản phẩm có tuổi đời dài hơn, qua đó bảo vệ sức khỏe và giảm chi phí cho khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Liên - Phó tổng giám đốc PPJ cũng cho biết công ty đã áp dụng hàng loạt công nghệ như Ozone, Eflow, Laser, Robot PP Spray... vào chuỗi sản xuất, thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải công nghiệp và không sử dụng hóa chất độc hại. Về năng lượng tái tạo, PPJ dùng hệ thống điện năng lượng mặt trời, qua đó giảm 1.118 tấn CO2/năm tại các nhà máy. 

Tuy vậy, bà Liên nhận định, việc thực hiện sản xuất xanh cũng gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại tương đối cao; yêu cầu đội ngũ chuyên viên thiết kế và phát triển sản phẩm bền vững phải có chuyên môn cao, ngoài ra đội ngũ kỹ thuật cũng phải am hiểu và vận hành thiết bị hiện đại một cách chuyên nghiệp...

Như vậy, để có thể thấy được hiệu quả tài chính khi theo đuổi chiến lược kinh tế xanh không phải là vấn đề một sớm một chiều. Việc này đòi hỏi các DN phải đầu tư thời gian tạo dựng và phát triển lợi thế cạnh tranh. Thế nhưng, vẫn có thể khẳng định rằng, kinh tế xanh sẽ trở thành xu hướng tất yếu mà bất cứ DN nào cũng phải hướng đến nếu không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế xanh: Bắt đầu từ đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO